Được biết, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM triển khai lớp học số tại Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi và Trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ. Đây chính là hai đơn vị thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học nhưng lại gặp nhiều trở ngại trong việc tuyển dụng cũng như điều chuyển các thầy cô ở địa phương khác đến.
Tại trường tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ vào thứ 2 hàng tuần các học sinh lớp 4, 5 sẽ được học 4 tiết tại lớp học số với môn tiếng Anh.
Hiệu trưởng nhà trường, ông Lê Hữu Bình cho biết, để đảm bảo chương trình mới, trường phải có hai giáo viên tiếng Anh. Tuy nhiên, trường mới chỉ có một giáo viên và thời gian qua phải vận động GV này dạy tăng tiết (trả phí theo quy định) để đảm bảo dạy đủ số tiết.
Tại Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, ông Nguyễn Văn Tới, Hiệu trưởng nhà trường cho biết vào tháng 11/2022 các lớp học số môn tin học và tiếng Anh đã được tổ chức thí điểm.
Với quy mô số lớp học trường cần ít nhất một giáo viên tin học và hai giáo viên tiếng Anh để đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên hiện trường chỉ có một giáo viên hợp đồng môn tiếng Anh và một giáo viên tin học thỉnh giảng. Nếu không triển khai lớp học số thì rất khó để thực hiện việc dạy tiếng Anh và tin học cho đầy đủ HS.
Tiết học Tiếng Anh tại Trường Tiểu học Thạnh An. Ảnh: Giáo dục và Thời đại
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM - ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết: “Thầy cô phụ trách giảng dạy lớp học số tại 2 trường tiểu học trên là giáo viên được sở tuyển chọn, bồi dưỡng, tập huấn. Các thầy cô có chuyên môn cũng như khả năng giảng dạy tốt trên môi trường số, làm chủ được lớp học, vận dụng nhiều phương pháp giúp học sinh hứng thú khi tham gia tiết học. Các lớp học số được tổ chức theo đơn vị lớp, song thời khóa biểu được thiết kế đặc thù vì phụ thuộc lịch dạy của giáo viên. Các lớp học tại 2 đơn vị phải có giáo viên trợ giảng trực tiếp theo sát học sinh trong những giờ học”, dẫn theo báo Giáo dục và Thời đại.
Ngoài 2 địa phương trên, TP.HCM cũng còn một số địa phương khác thiếu giáo viên chuyên môn tiếng Anh và tin học. Nhiều quận huyện cũng gặp khó khăn khi 2 môn học này bắt buộc từ lớp 3 theo Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, theo Sở GD&ĐT TP.HCM cũng khó tiến hành triển khai lớp học số đại trà. Hiện nay TP.HCM đang tổng kết hiệu quả của triển khai lớp học số để có những kế hoạch cụ thể mở rộng lớp học số đến nhiều địa phương khác.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM tính đến hiện nay thì hệ thống lớp học số đạt hiệu quả bước đầu tuy nhiên cũng xuất hiện hạn chế như đòi hỏi sự cân đối thời gian, thời khóa biểu của giáo viên. Bởi vậy, cần có cơ chế mới, xem xét nhiều phương án phù hợp cho đầu tư ban đầu về đường truyền, trang thiết bị cho lớp học số, duy trì lớp học số tại các địa phương, nhà trường nơi khó khăn. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ kinh phí cho thầy cô giảng dậy hỗ trợ thầy cô khi đến đơn vị giảng dạy trực tiếp một số tiết, bồi dưỡng giáo viên trợ giảng tại đơn vị thụ hưởng cũng là vấn đề cần xem xét, bổ sung.
Ông Nguyễn Bảo Quốc cũng nhấn mạnh thêm, lãnh đạo cần tổ chức đánh giá, đưa ra những đóng góp cũng như rút kinh nghiệm về tổ chức, quản lý chuyên môn giản dậy và nền tảng hỗ trợ sau thời gian thí điểm. Từ đó, đưa ra được những chính sách, chỉ đảo về việc mở rộng phát triển mô hình đến nhiều trường học khác trên địa bàn thành phố. Điều quan trọng, cần coi mô hình lớp học số như một giải pháp căn cơ để hỗ trợ kịp thời cho các đơn vị thiếu giáo viên khi thực hiện chương trình giáo dục mới.