Chính vì thế, ngành y tế TP.HCM luôn sẵn sàng các kịch bản trong tình huống xuất hiện biến thể phụ mới lây lan nhanh, gây bệnh nặng để chủ động ứng phó hiệu quả từ cửa khẩu đến cộng đồng. Song song đó, ngành y tế tiếp tục duy trì BV dã chiến số 13, sẵn sàng kích hoạt trong vòng 24 giờ khi tình hình dịch bệnh có diễn tiến xấu.
Cụ thể, ngành y tế TP.HCM sẵn sàng kế hoạch triển khai 10.000 giường, trong đó có 1.000 giường hồi sức dành cho người bệnh COVID-19.
Đồng thời nghành y tế cũng đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19, tổ chức Tháng cao điểm tiêm vaccine từ ngày 5/1 đến hết ngày 2/2, kể cả các ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được tiêm chủng đúng lịch, đủ liều và an toàn.
Đặc biệt, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (từ ngày 20-26/1), mỗi địa phương duy trì tối thiểu 2 điểm tiêm cố định tại bệnh viện quận, huyện và trung tâm y tế.
Kiểm dịch Covid-19 tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: TN/Thanh Niên.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu HCDC và Trung tâm Y tế quận huyện, TP Thủ Đức đảm bảo phân công trực 24/24 giờ, thực hiện báo cáo các trường hợp mắc Covid-19 mới và các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết Dengue, bệnh cúm A (H5N1, H7N9),..; báo cáo điều tra ca bệnh và hoạt động phòng chống dịch mỗi ngày. Tăng cường hoạt động của hệ thống giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch Covid-19, chùm ca mắc bệnh Covid-19, chùm ca viêm hô hấp có diễn biến, có đặc điểm tăng bất thường theo thời gian, theo khu vực...
Đối với những đơn vị tổ chức các sự kiện, lễ hội có tập trung đông người cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như: tuyên truyền, hướng dẫn người tham gia tuân thủ quy định 2K, gồm khẩu trang và khử khuẩn tay; bố trí bồn rửa tay, dung dịch sát khuẩn tay. Giao HCDC xây dựng các kịch bản phòng, chống dịch và diễn tập để sẵn sàng đáp ứng tình huống khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.