Tài sản công không sử dụng hết công suất muốn chuyển đổi sang kinh doanh cần thiết phải lập đề án. Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chuyển đổi mục đích không đúng quy định của pháp luật.
Nội dung trên được nêu trong công văn về tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký ban hành.
Cụ thể, trường hợp tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập đã được nhà nước giao, đầu tư, xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị nhưng trong quá trình sử dụng không sử dụng hết công suất và đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì đơn vị được sử dụng tài sản đó vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết và phải lập đề án.
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng tài sản công phải đáp ứng sự phù hợp; cam kết không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do nhà nước giao, chỉ sử dụng phần diện tích sử dụng chưa hết công suất để xây dựng đề án; đảm bảo mục đích sử dụng phù hợp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và các hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.
Các đơn vị liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường và cơ quan thuế để được hướng dẫn việc xác định số tiền, trình tự thủ tục nộp tiền thuê đất (tương ứng với thời gian sử dụng, tỷ lệ diện tích nhà, công trình sử dụng vào kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết), các nghĩa vụ tài chính với nhà nước để đưa vào chi phí thực hiện đề án và hạch toán đầy đủ theo quy định.
“Xác định giá trị tài sản để đưa vào liên doanh, liên kết; xác định giá - cho thuê tài sản công; quy định về lựa chọn đối tác tham gia liên doanh, liên kết; tổ chức đấu giá khi cho thuê tài sản công; bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, hiệu quả và đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ và các văn bản pháp luật khác có liên quan”, công văn nêu.
TP cũng yêu cầu các cơ quan chủ quản phải có văn bản thể hiện chính kiến đối với từng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Ngoài ra, Sở Tài chính cần có ý kiến góp ý đề án của các đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng quy định.
Đồng thời, thủ trưởng các sở, ban, ngành TP, chủ tịch UBND TP. Thủ Đức, chủ tịch UBND các quận, huyện, ban lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng, triển khai đề án quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công; bên cạnh kiểm tra, thanh tra việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức thuộc phạm vi quản lý vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; chú trọng vào kiểm tra việc sử dụng tài sản công là nhà, đất vào mục đích trên.
“Trên cơ sở kết quả kiểm tra, thanh tra, chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và chấm dứt ngay các trường hợp kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định của pháp luật”, công văn nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 31/8/2022, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công, góp phần phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trên địa bàn, TP đã có Chỉ thị số 10 về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công.
Chỉ thị cũng đã yêu cầu thực hiện khẩn trương nhiều nội dung quan trọng trước thực trạng công tác quản lý, sử dụng tài sản công còn một số bất cập, phân tán và chưa thực sự hiệu quả; việc chấp hành các quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ sử dụng trụ sở làm việc, xe ô tô công có lúc, có nơi chưa nghiêm; việc khai thác, huy động nguồn lực từ tài sản công hiệu quả chưa cao; nhiều trường hợp còn thất thoát, lãng phí, nhất là đối với đất đai, trụ sở làm việc...