Theo TS.BS chuyên khoa II Phan Minh Hoàng – Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng PHCN – ĐTBNN - tổn thương tuỷ sống (TTTS) là một trong những bệnh lý nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hàng năm, tại Bệnh viện PHCN-ĐTBNN có tới hàng trăm bệnh nhân nhập viện. Phục hồi chức năng cho những người bệnh này rất cần thiết vì phần lớn bệnh nhân là những người trong độ tuổi lao động, mang lại nguồn thu nhập chính của gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên việc điều trị không dễ dàng và khó hoàn thiện trong thời gian ngắn.
Báo cáo của BS. Nguyễn Dương Hoàng Khang (Khoa PHCN-TTTS, Bệnh viện PHCN–ĐTBNN) cho thấy, TTTS là tổn thương nặng đối với các dây thần kinh trong ống tủy sống. Phần lớn các trường hợp TTTS có nguyên nhân do chấn thương cột sống dẫn đến thay đổi, tạm thời hoặc vĩnh viễn, trong chức năng vận động, cảm giác hoặc tự chủ bình thường của tuỷ sống. Trong 5 năm gần đây khoa đã nhận điều trị gần 6.000 người bệnh TTTS, trong đó nam giới chiếm đến 76,66% (4543 ca), nữ chiếm 23,34% (1383 ca), bệnh lý chiếm 23,75% và tai nạn chiếm đến 76,25%. Độ tuổi thường gặp là trong tuổi lao động. Nếu bệnh nhân không tiếp cận điều trị sớm sẽ đánh mất cơ hội phục hồi và để lại nhiều biến chứng như: teo cơ, cứng khớp, loét, nhiễm trùng tiết niệu …
Từ đây, một số vấn đề đáng quan tâm hiện nay cũng đã được BS chuyên khoa II Lê Hoàng Dũng (Khoa PHCN-TTTS, Bệnh viện PHCN–ĐTBNN) chỉ ra, đó là còn rất nhiều bệnh nhân chưa có điều kiện tiếp cận điều trị kịp thời. Việc sơ cứu chưa đúng cách sẽ dẫn đến tổn thương nặng nề hơn, từ đó sẽ để lại nhiều biến chứng cho người bệnh. Người bệnh bị TTTS đa số trong độ tuổi lao động tạo thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, trung tâm hướng nghiệp cho người khuyết tật còn ít, cơ hội việc làm cho người khuyết tật chưa nhiều. Người khuyết tật tiếp cận vẫn còn khó khăn với hệ thống cơ sở hạ tầng như xe buýt, siêu thị, vỉa hè, nhà vệ sinh công cộng v.v…
Theo đó, một số định hướng phát triển tại Khoa PHCN – TTTS nhằm hướng đến phục vụ cho đối tượng chăm sóc đặc biệt này cũng được BS. Lê Hoàng Dũng đề cập như: triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe người bệnh TTTS tại nhà; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề online về chăm sóc và phòng ngừa biến chứng TTTS; tập huấn sơ cứu cơ bản cho các doanh nghiệp, cộng đồng về chấn thương cột sống; triển khai thêm các kỹ thuật ngoại niệu: mở bàng quang ra da, điều trị giãn bàng quang bằng tiêm thuốc, mở rộng bàng quang bằng ruột non; triển khai thêm kỹ thuật chỉnh hình: xoay vạt da, chuyển gân…
Dịp này, Bệnh viện PHCN – ĐTBNN cùng với một số đơn vị bệnh viện tại khu vực phía Nam đã ký kết MOU phát triển chuyên ngành phục hồi chức năng.