Tham dự tọa đàm có ông Nguyễn Ngọc Phương, Tổ trưởng tổ điều phối mạng lưới khởi nghiệp tỉnh Đồng Nai, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai; ThS. Trần Bùi Huy Thái, CEO Công ty Germany Industry; Giám đốc đối ngoại và Đào tạo Công ty Cổ Phần Công Nghệ Đào Tạo Uniontek.
Về phía Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai có TS. Đoàn Mạnh Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường; NCS. Phan Võ Quỳnh Như, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Bùi Trung Hưng, Trưởng phòng Sau Đại học; TS. Đặng Kim Triết, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng KHCN; Ths. Trần Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao Công nghệ; Cùng Trưởng, Phó các đơn vị Nhà trường; đại diện 50 doanh nghiệp và sinh viên nhà trường.
Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo nhà trường đã thông tin đến doanh nghiệp về nhu cầu hợp tác đào tạo về hoạt động đào tạo; nghiên cứu khoa học và lĩnh vực chuyển giao công nghệ của nhà trường; tiến đến hình thành mạng lưới phát triển giữa 3 bên (Trường Đại học - Doanh nghiệp - Người học).
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chia sẻ về nhu cầu của doanh nghiệp, kỹ năng thực tế của sinh viên.
Phương châm của Nhà trường là lấy nhu cầu của doanh nghiệp làm trung tâm; thúc đẩy sự liên kết giữa khoa học với sản xuất kinh doanh, tạo sự kết nối cung cầu, chủ động trong quá trình tìm kiếm, lựa chọn, kết nối công nghệ, thiết bị và sản phẩm với các nhà tư vấn, nhà đầu tư, doanh nghiệp để giới thiệu sản phẩm, công nghệ mới tới khách hàng
Theo TS. Đặng Kim Triết chia sẻ, với việc chú trọng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên. Sắp tới đây Nhà trưởng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm liên kết chặt chẽ sâu rộng với các doanh nghiệp, cũng như giúp sinh viên giới thiệu, triển khai và khởi nghiệp thành công với các đề tài, dự án cho sinh viên DNTU thực hiện.
Về hoạt động khởi nghiệp, Nhà trường, Doanh nghiệp và các Sở, ban, ngành đều đặt ra mục tiêu cụ thể là kết nối các doanh nghiệp với nguồn nhân lực Sinh viên trong môi trường khởi nghiệp sáng tạo và hướng nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Hiện thực hóa các ước mơ và niềm đam mê Khởi nghiệp sáng tạo của mình; hỗ trợ các em định hình rõ nét con đường phát triển bản thân; mở ra cơ hội việc làm, cơ hội và môi trường thực tập phù hợp với năng lực riêng của mỗi cá nhân đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực đầu vào của doanh nghiệp ngay sau khi các em tốt nghiệp ra Trường.
TS. Đoàn Mạnh Quỳnh cho biết, Nhà trường rất vui khi có sự kết nối giữa doanh nghiệp và các Sở ban ngành. Từ đó, thúc đẩy mối quan hệ giữa các bên và cùng nhau giúp cho sinh viên phát triển. Đồng thời, việc hỗ trợ sinh viên phát triển cũng chính là việc giúp cho các doanh nghiệp phát triển vì chính sinh viên là nguồn lực lao động tiềm năng cho các doanh nghiệp.
Sau buổi toạ đàm, khách mời và đại diện các doanh nghiệp tham quan phòng trưng bày sản phẩm thuộc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao Công nghệ do Viện Nghiên cứu và Ứng dụng KHCN quản ly, cũng như lắng nghe TS. Phan Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội đồng Trường chia sẻ cách vận hành của trung tâm.
Sắp tới đây, vào ngày 16/6/2022, phòng trưng bày sản phẩm thuộc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao Công nghệ sẽ chính thức được khánh thành và đưa vào hoạt động. Đây cũng là nơi trưng bày các sản phẩm của doanh nghiệp, sản phẩm nghiên cứu của Nhà trường và sinh viên.
Thông qua buổi toạ đàm, DNTU và các doanh nghiệp đi đến thống nhất chung về việc hỗ trợ và giúp sinh viên có thêm cơ hội tiếp cận với những công nghệ mới đang được áp dụng tại các doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Nhà trường trong việc chuyển giao công nghệ để tạo ra các sản phẩm phục vụ cộng đồng. Các doanh nghiệp trên cũng sẽ đồng hành với DNTU là nơi mang đến cho sinh viên nhiều cơ hội học tập, trau dồi và thực hành thực tế trong quá trình học và sau khi tốt nghiệp.
Theo Hải Linh-Quang Nhân / Ngày Mới Online