Tìm hiểu Đề cương Văn hóa Việt Nam (Bài 3): Không xem nhẹ tính “đại chúng” trong định hướng văn hóa

12/03/2023 08:22

Trong Đề cương Văn hóa VN, tuy tính “đại chúng” được đặt sau cùng nhưng không vì thế mà nó ít quan trọng. Thậm chí, có ý kiến nói rằng nó là nền tảng cho tính “dân tộc” và tính “khoa học”.

Trong Đề cương Văn hóa VN, tuy tính “đại chúng” được đặt sau cùng nhưng không vì thế mà nó ít quan trọng. Thậm chí, có ý kiến nói rằng nó là nền tảng cho tính “dân tộc” và tính “khoa học”.

Chúng ta có thể hiểu tính đại chúng vừa là đối tượng phản ánh và đối tượng phục vụ, vừa là nguồn bổ sung các lực lượng trong văn hóa.

Nền văn hóa phải phục vụ đại chúng, nhân dân lao động

Đặc điểm của nền văn hóa hướng về đại chúng thể hiện rõ ở khía cạnh các văn nghệ sĩ luôn gắn bó với nhân dân lao động và mang trong mình cái nhìn mới của người sáng tác, biểu diễn về nhân dân. Để có được thái độ ấy, văn nghệ sĩ phải có nhận thức, nhãn quan đúng về nhân dân, có tình cảm tốt đẹp với nhân dân, nhận ra công lao to lớn của họ trong lao động sản xuất và sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tuyệt đối văn nghệ sĩ không được cho rằng coi rẻ nhân dân (như “người lao động hiểu gì về sáng tác của tôi”, “người dân chắc khó cảm thụ được tác phẩm của tôi”, “tác phẩm của tôi chỉ hướng đến một số ít công chúng”…).

Nền văn hóa hướng về đại chúng có một số nội dung tiêu biểu như: nền văn hóa đó luôn quan tâm đến đời sống nhân dân lao động; quan tâm đến những bất hạnh trong cuộc đời cũ và niềm vui sướng, tự hào về cuộc đời mới; thể hiện khả năng cách mạng và phẩm chất anh hùng của nhân dân VN nói chung chứ không phải chỉ qua vài cá nhân đơn lẻ; xây dựng hình tượng quần chúng cách mạng thành công và tiêu biểu. Bên cạnh đó, các sáng tác hướng về đại chúng thì hình thức đều dễ hiểu, chủ đề rõ ràng, hình thức nghệ thuật quen thuộc, ngôn ngữ bình dị, trong sáng...

Điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Văn hóa là các giá trị do nhân dân sáng tạo nên và trở lại phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân, chứ không phải do một vài cá nhân xây dựng. Tính đại chúng của văn hóa VN vì thế thể hiện ở mục đích phục vụ đông đảo quần chúng, tạo nền tảng tinh thần cho toàn xã hội. Các loại hình văn hóa nghệ thuật, các lễ hội, hệ thống thiết chế văn hóa, di sản văn hóa đều do nhân dân dày công sáng tạo và vun đắp đã phục vụ đời sống nhân dân trong các giai đoạn lịch sử.

Tính đại chúng - yếu tố “sống còn” trong các loại hình nghệ thuật

Trong văn học, các nhà văn phải đặt cho mình hai câu hỏi: “viết để làm gì” và “viết cho ai”. Tất cả nội dung và hình thức của nền văn học tiến bộ đều phải cấu tạo trên hai cơ sở ấy; đã viết thì phải viết để giúp cho xã hội tiến lên, để cho dân tộc vươn hạnh phúc, để cho đất nước và dân tộc sớm được hùng cường. Xã hội có tiến bộ lên được, dân tộc có bước tới hạnh phúc, đất nước có được hùng cường đều là nhờ sức của nhân dân. Vậy nên, mục đích của văn học đó mà nhà văn có thể đạt được thì không thể đứng xa rời thực tế, xa cách nhân dân.

Hay trong các tác phẩm điện ảnh, phải tiếp cận các chủ đề giản dị, dễ hiểu, gần gũi với người dân, có ích thiết thực với nhân dân…, mới có thể gọi là một tác phẩm có tính chất đại chúng. Tác phẩm ấy phải phản ánh cái tâm lý của đại chúng, cái tinh thần của đại chúng, những mong mỏi của đại chúng, sống đời sống của đại chúng... Bởi vậy, những bộ phim không lấy gì “sang trọng” như Xóm nước đen, Đất phương Nam, Cổng mặt trời… nhưng dù đã qua nhiều năm vẫn được nhớ tới, trong khi một số phim lấy bối cảnh xa hoa, diễn viên lộng lẫy, phản ánh cuộc sống giàu có của nhóm nhỏ người thì lại “sống” khá ngắn.

Hay trong âm nhạc, thời gian qua có một số ca khúc khá đình đám nhưng cũng “chết” rất nhanh, bởi cả âm giai và ca từ không thực sự gần gũi với số đông, chỉ phục vụ thị hiếu nhất thời của nhóm nhỏ với cảm xúc, tâm trạng cũng nhất thời. Sự đình đám ấy thực chất chỉ là tâm lý đám đông chứ không phải mang một giá trị phổ quát. Trái lại, có những ca khúc ra đời không ồn ào nhưng thấm sâu vào đời sống, nhất là với các phản ánh về tình yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình, về khát vọng vươn tới những điều cao đẹp của xã hội, của dân tộc…

“Thời gian qua có một số ca khúc khá đình đám nhưng cũng “chết” rất nhanh, bởi cả âm giai và ca từ không thực sự gần gũi với số đông, chỉ phục vụ thị hiếu nhất thời của nhóm nhỏ với cảm xúc, tâm trạng cũng nhất thời.”

(Nguyễn Minh Hải)

Trong 18 “điều răn” về viết văn, viết báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh có 6 điều nói về “đại chúng hóa”: không sợ dùng tiếng phổ thông của đại chúng; không viết một câu mà người đọc bình thường không thể hiểu; không được viết chỉ để một số ít thượng lưu hiểu mà thôi; không được viết dài dòng, dẫn sách vở một cách vô ích để lòe thiên hạ; không được vì muốn phổ cập quần chúng mà xao lãng nâng cao trình độ nhân dân; không được vì đại chúng hóa mà dùng câu thô tục.

Trong quan điểm của Hồ Chí Minh về văn hóa, nền văn hóa mang tính nhân văn phải nhằm phục vụ quảng đại nhân dân. Văn hóa phải trở về với thực tại đời sống sinh hoạt của quần chúng, phải miêu tả cho thật hay, thật chân thực và hùng hồn. Nội dung phản ánh cần chân thật, phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống, tính chân thật là cốt lõi làm cho tác phẩm có sức hấp dẫn mọi người…

Làm văn hóa để hiểu, yêu và truyền cảm hứng cho quần chúng

Tạp chí Tiên phong, cơ quan vận động văn hóa mới và là tạp chí của Hội Văn hóa cứu quốc VN, số 19, ra ngày 16-9-1946 đăng bài Học quần chúng của tác giả Minh Tranh, có thể coi là một định hướng quan trọng trong sáng tác không chỉ cho nhà văn nói riêng mà còn cho tất cả văn nghệ sĩ. Tác giả kêu gọi: “Các bạn nhà văn! Quần chúng đương mong mỏi các bạn. Quần chúng đương khao khát các bạn nói đến họ, viết đến họ. Và quần chúng cũng đương ước ao tha thiết các bạn hiểu họ. (..) Bạn e rằng quần chúng không hiểu bạn ư? Nhưng các bạn hãy tự hỏi: các bạn đã hiểu quần chúng chưa? Công việc chính của các bạn là phải đi tìm quần chúng, học quần chúng. Có đi học quần chúng mới hiểu được quần chúng. Và khi đã hiểu được quần chúng nhà văn sẽ yêu quần chúng, sẽ viết được cho chu đáo những cái gì thuộc về quần chúng”.

Đương nhiên không chỉ có nhà văn, cả nhà báo, nhà thơ, đạo diễn, nhà biên kịch, nghệ sĩ nhiếp ảnh, diễn viên điện ảnh, nghệ sĩ cải lương, nghệ sĩ kịch nói… Bởi nếu trên sân khấu cải lương, chiếc áo rách, cái nón mê cùng tay cuốc có thể ước lệ thành một người nông dân thì trên phim, cũng bao nhiêu thứ đó nhưng với bàn tay búp măng, đôi má ửng hồng, đôi môi đỏ thắm… thì cái hành động dù cố bắt chước cũng không thể thành một người tay lấm chân bùn thực sự. Điều đó tương tự với tất cả các trường hợp khác. Khi người nghệ sĩ không hiểu quần chúng, không học quần chúng, không lắng nghe quần chúng, không hòa mình vào quần chúng, không có một tình cảm yêu quý quần chúng thực sự thì có thể mãi mãi họ vẫn có một khoảng cách với quần chúng, sẽ khó tạo nên những tác phẩm thuộc về quần chúng.

Cho nên tác giả Minh Tranh kết luận: “Và nhà văn sẽ tìm thấy muôn vàn hứng thú trong khi cầm bút viết. Đến lúc nhà văn đã hiểu được đến chỗ sâu xa của quần chúng, nhà văn sẽ thu được những tài liệu phi thường phong phú ở quần chúng”. Tức là, khi văn nghệ sĩ không thấy sự xa lạ nào với quần chúng, cũng như không tự mình tạo sự xa lạ với quần chúng, thì tác phẩm của họ mới có thể hướng về quần chúng, có đủ chất liệu của quần chúng, gần gũi với quần chúng, phục vụ quần chúng và được quần chúng nhớ tới.

Do đó, có ý kiến cho rằng, để nền văn hóa VN phát triển và vang xa, cần phải dựa vào nguyên tắc “đại chúng” hơn nữa, phải lấy nguyên tắc ấy làm nguyên tắc căn bản vì nó là mấu chốt của hai nguyên tắc “dân tộc” và “khoa học”. Đại chúng là động cơ của lịch sử, của tiến bộ, của khoa học, của tất cả lịch trình tiến hóa của loài người đối với văn hóa VN hiện nay. Nguyên tắc đại chúng cần phải được áp dụng một cách đầy đủ hơn, phong phú hơn. Xét kỹ, đó chính là tính “vị nhân sinh” của văn học nghệ thuật nói riêng, của văn hóa nói chung.

Đương nhiên, tính đại chúng không phải là phục vụ thị hiếu giản đơn của một bộ phận nhỏ công chúng; các hoạt động văn hóa cũng không được làm tầm thường hóa nhận thức của nhân dân. Tính đại chúng phải làm cho nhân dân thấy mình trong đó và thúc đẩy các chủ thể khao khát vươn lên, truyền cảm hứng cho họ phấn đấu không ngừng.

Nguyễn Minh Hải

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp