Ngày 29/3, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới đã tổ chức Hội thảo về định hướng phát triển triển y tế cơ sở trong tình hình mới tại TP.HCM.
Trong buổi khai mạc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, công tác y tế cơ sở đã đạt được những kết quả quan trọng như công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu được tăng cường, nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi; mạng lưới y tế cơ sở trên cả nước từng bước được củng cố về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực...
Dù vậy, hệ thống Y tế đất nước vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức vì tốc độ già hóa dân số nhanh, cùng với đó là bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng trong cộng đồng, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Chính vì vậy cần nhấn mạnh việc phát triển y tế cơ sở đáp ứng được với tình hình mới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin thêm rằng, Bộ Y tế được Ban Bí thư giao chủ trì chuẩn bị đề án xây dựng "Chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới". Dự kiến sẽ hoàn thiện đề án và trình Ban Bí thư trong tháng 5/2023.
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Christophe Lemiere, Giám đốc Ban phát triển con người - Ngân hàng Thế giới cho biết, tình hình khảo sát thực tế cho thấy, ở Việt Nam có đến 30% bệnh nhân điều trị tại tuyến trên có thể điều trị ngay tại y tế cơ sở. Việc này dẫn tới tỷ lệ chi tiêu y tế trong chăm sóc bệnh nhân nội trú của Việt Nam chiếm đến 45% trong tổng chi tiêu y tế, cao hơn rất nhiều so với các nước đang phát triển khác (khoảng 30%).
Ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - kiến nghị tất cả bác sĩ đều có nghĩa vụ với y tế cơ sở như nghĩa vụ quân sự - Ảnh: Xuân Mai/Tuổi Trẻ
Từ dữ liệu trên, đại diện Ngân hàng Thế giới đề xuất Việt Nam nên có chính sách đầu tư hơn nữa cho y tế cơ sở, nhất là về kinh phí và con người để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Có cùng quan điểm với ông Christophe Lemiere, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, cần có chính sách đãi ngộ phù hợp trong việc thu hút nhân lực cho tuyến y tế cơ sở. Trong đó, cần chú trọng tăng cường các bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình về công tác tại trạm y tế. Dù vậy vẫn cần có kế hoạch điều chuyển rõ ràng, dựa trên tình trạng thực tế khi thời gian qua, nhiều địa phương đưa bác sĩ chuyên khoa về trạm, dẫn đến tình trạng bác sĩ chuyên khoa không đảm nhiệm được công tác chăm sóc sức khỏe tổng quát ban đầu cho người dân.
Đặc biệt trong bài phát biểu của mình, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng nêu quan điểm rằng: "Tại sao có quy định bắt buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không bắt buộc bác sĩ phải đi y tế cơ sở? Nếu có quy định này thì y tế cơ sở sẽ không sợ thiếu người". Được biệt, hiện y tế cơ sở của TP.HCM chỉ có 0,25 bác sĩ đa khoa/10.000 dân, tỷ lệ này là quá thấp.
Để cải thiện chất lượng y tế cơ sở, bên cạnh yếu tố về bác sĩ, cần sớm mở rộng danh mục thuốc cho trạm y tế. Danh mục này phải tương đương với bệnh viện tuyến huyện. Cùng với đó là phát triển rộng khắp mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng bởi đây là lực lượng sẽ theo dõi sát nhất các vấn đề sức khỏe cộng đồng.