Tiếng dương cầm giữa bệnh viện

27/02/2023 17:02

Hình ảnh chiếc đàn piano ngay tại sảnh Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) đã trở thành quen thuộc với bất cứ ai: thầy thuốc, bệnh nhân, người nhà hay khách đến thăm. Không gian ấy, tiếng đàn ấy như một liều thuốc quý, góp phần giúp người bệnh an tâm, vững tin khi đến khám và chữa bệnh của mình tại đây.

Chơi đàn giúp mọi người thư giãn

Người bệnh và khách đến bệnh viện bất ngờ khi nghe những giai điệu du dương say đắm “Tháng tư là lời nói dối của em” bên phím đàn piano ở đại sảnh Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175.

Hoá ra người lính cụ Hồ ngày thường trang nghiêm nơi quân ngũ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc là thế, nhưng vẫn có những giây phút lãng mạn, thăng hoa như thế này. Anh đã mang đến những giai điệu du dương, nhẹ nhàng để tiếp thêm động lực cho bệnh nhân vượt qua những cơn đau đớn về thể xác, chiến thắng bệnh tật, còn với các y bác sỹ là niềm vui, vơi bớt mệt nhọc của công việc.

Trong lần chờ làm thủ tục khám bệnh, thấy cây đàn, Binh nhất Tiêu Nghĩa Phong (22 tuổi, học viên Trường trung cấp Biên phòng 2) đã tự mình đàn cho mọi người nghe thư giãn.


Thấy cây đàn giữa sảnh của Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), Binh nhất Tiêu Nghĩa Phong (22 tuổi, học viên Trường trung cấp Biên phòng 2) đã tự mình đàn cho mọi người nghe thư giãn. Nguồn ảnh: Bệnh viện cung cấp

Hay câu chuyện của một bệnh nhân người Nhật đã mang đến những giai điệu “ngẫu hứng” - Ông Sakagami Masaki (sinh năm 1951) sinh sống và làm việc tại Việt Nam gần 20 năm và hiện đang là Giảng viên tại một Trường Đại học ở Việt Nam.

Trước khi nhập viện, bệnh nhân có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) trên 10 năm, điều trị không thường xuyên với thuốc giãn phế quản. Trước khi nhập viện, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đau tức âm ỉ vùng hông lưng phải. Đặc biệt, bệnh nhân có dấu hiệu đau mạnh khi vận động nặng, không có dấu hiệu sốt và nôn.


Ông Sakagami  Masaki nhập viện và bắt đầu điều trị tại Bệnh viện Quân y 175. Sau khi được các bác sĩ thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn đường tiết niệu, sỏi niệu quản phải 1/3 dưới/COPD, suy tim phải theo dõi thiếu máu cơ tim.

Trong ngày đi làm xét nghiệm, ông Sakagami Masaki vô tình nhìn thấy chiếc Piano được đặt ngay Trung tâm Sảnh Viện Chấn thương Chỉnh hình nên đã ngẫu hứng đánh lại giai điệu Bài giao hưởng “Thư gửi Elise” của Beethoven - Nhà soạn nhạc cổ điển lừng danh thế giới.

Giai điệu vang lên “xóa tan” bầu không khí nặng nề tại đây. Gương mặt của giảng viên Người Nhật say sưa trên những phím đàn, bỗng chốc quên đi mình đang là người bệnh và hóa thân thành “người nghệ sĩ Piano”, mang lại những giai điệu vui tươi, lạc quan lan tỏa, khơi dậy không khí tràn đầy năng lượng dành cho người bệnh, đội ngũ nhân viên y tế tại đây.

Thả trôi những nỗi đau bằng tiếng đàn

Đã từng có cậu bé Khoa Minh hay đến chơi đàn dương cầm vào mỗi buổi sáng thứ bảy tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Những âm thanh du dương từ các bản nhạc ấy đã giúp các bệnh nhi thả hồn theo âm thanh bản nhạc mà quên nỗi đau bệnh tật đang mang trên mình.

Cây đàn piano giữa sảnh bệnh viện - sân khấu với người nghệ sĩ giúp xoa dịu nỗi đau ở bệnh viện trẻ thơ. Âm nhạc bật lên với khả năng khơi gợi, tương tác xúc cảm len qua từng lối đi của bệnh viện, vào tận khu khám chữa bệnh, đến từng chiếc giường, “dìu” các bệnh nhi qua cơn đau, quên đi nỗi sợ. Đâu chỉ bệnh nhi, những ông bố, bà mẹ đầy lo toan và cả đội ngũ y bác sĩ cũng nhờ đó vơi đi mệt mỏi, tất bật, sốt ruột vì thức trắng đêm chăm con hay cuộc chiến điều trị chữa bệnh.


Chị Cao Thị H. (quê Nghệ An) có con 14 tháng tuổi bị teo đường ống dẫn mật bẩm sinh kèm xơ gan, cho biết: “Mỗi khi con quấy khóc, tôi lại ẵm bé xuống sảnh, nghe bác sĩ tâm lý của bệnh viện chơi đàn. Bé thích lắm nên ít quấy khóc hơn”.

Chuyên viên tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, kể: Có lần, đơn vị Chăm sóc Giảm nhẹ cùng đơn vị Tâm lý hỗ trợ cho một bệnh nhi bị ung thư xương ở giai đoạn gần cuối. “Lúc đó tôi có đề nghị, con thích bài gì, chú đàn cho con nghe. Bé cho biết bé thích bài “Bống bống, bang bang”.  Khi tôi đàn, bé ngồi bên cạnh và tỏ ra rất thích thú, cháu như quên cơn đau đang bộc phát trong cơ thể.

Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết thêm, thi thoảng có hai cô bé mang đàn violon vào chơi cho các bệnh nhi. Hai cô bé ấy tâm sự “Thay vì cuối tuần luyện tập và chơi đàn tại nhà, chúng em đến bệnh viện để chia sẻ âm điệu và lan tỏa cảm xúc tích cực đến các bệnh nhi. Không giống như chơi nhạc trong thính phòng, bệnh viện có một không gian hoàn toàn khác, với khán giả là những con người rất đặc biệt”.

Không gian bệnh viện để người bệnh có cảm giác “được” điều trị

Gần 45 năm gắn bó với ngành y, Thiếu tướng, TTND. PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Miền Nam - Ban Bảo vệ Chăm sóc Sức khỏe Cán bộ TƯ; Nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), tâm đắc với câu chuyện: Bệnh viện là một nơi dễ mang đến nhiều phản ứng và cảm xúc tiêu cực, bởi lẽ người bệnh vào viện trong tình trạng đau đớn, lo âu với bệnh tật của mình. Vì thế, ngoài chất lượng chuyên môn, chất lượng dịch vụ người bệnh, một không gian bệnh viện giúp người bệnh có cảm giác “được” điều trị thay bằng “bị” điều trị là một điều thú vị mà tôi quan tâm.”


Bệnh nhân không chỉ được khám chữa bệnh, theo dõi - chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện mà còn được trải nghiệm không gian thân thiện của bệnh viện. Vì vậy, theo Thiếu tướng, TTND. PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Sơn, kiến trúc bệnh viện không chỉ là một công trình kiến trúc thông thường, nó đòi hỏi Tâm - Trí - Nhân rất lớn của kiến trúc sư, các đơn vị tư vấn thiết kế và người thầy thuốc.

Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, đến nay, toàn quốc có khoảng 1365 bệnh viện (không kể hệ thống BV Quốc phòng, Công an) trong đó có 248 bệnh viện tư nhân. Nhiều bệnh viện đã đạt đẳng cấp (tiêu chuẩn) quốc tế, và ngày càng hướng đến sự thân thiện với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, đặc biệt trong việc sử dụng âm nhạc tại đây. 

“Chính vì vậy, những người thầy thuốc như chúng tôi luôn trăn trở làm cách nào giúp bệnh nhân thoải mái hơn, yên tâm điều trị trong suốt thời gian nằm viện. Liệu pháp âm nhạc trong trị bệnh không hề xa lạ. Những bản nhạc từ bất cứ loại nhạc cụ nào đều tạo nên những cung bậc cảm xúc mãnh liệt, thực hiện sứ mệnh xoa dịu nỗi đau bệnh tật. Đặc biệt, tiếng đàn dương cầm là một trong những âm thanh trong trẻo, thanh thoát vừa da diết lại sôi nổi, rất ít nhạc cụ khác có được cả về âm sắc và độ uyển chuyển, đặc biệt là khi chơi nhạc trong một không gian rộng lớn, cao và thoáng như sảnh của Viện Chấn thương Chỉnh hình. Trong tất cả các loại nhạc cụ, piano cũng được coi là giống với giọng nói của con người nhất,” Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ thêm.


Những bản nhạc từ bất cứ loại nhạc cụ nào, đặc biệt, tiếng đàn dương cầm, đều tạo nên những cung bậc cảm xúc mãnh liệt, thực hiện sứ mệnh xoa dịu nỗi đau bệnh tật.

Với nhạc cụ này, từ những người thầy thuốc, người bệnh rồi người nhà bệnh nhân, thậm chí là khách vãng lai… tất cả đều có thể chơi nhạc.

“Đặc biệt những bệnh nhân bị chấn thương sọ não, khi phục hồi, có thể xuống chơi đàn và đã bật khóc vì cảm nhận mình được sống trở lại. Hay có những ông cụ hằng ngày đến điều trị bệnh đã yêu cầu con chơi một bài trước khi vào phòng bệnh… Hay những gia đình có người thân qua đời, họ đến chơi đàn để cảm ơn bệnh viện và tưởng nhớ người đã ra đi…Những hình ảnh ấy tạo nên một bệnh viện gần gũi, thân thương, đầy cảm xúc lãng mạn. Mong mỏi lớn nhất của bất cứ một nhân viên y tế nào chính là đem đến cho người bệnh một nụ cười, một tâm lý thoải mái nhất khi họ bước chân đến bệnh viện.” Thiếu tướng, TTND. PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Sơn xúc động chia sẻ.

Ngày 14/02/2023, những cành hoa anh đào “Sakura” được ngài Watanabe Nobuhiro - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM gửi tặng đến Ban Giám đốc, toàn thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng). Những cành hoa đào ấy đã được Thiếu tướng, TTƯT.TS.BS Trần Quốc Việt - Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 trưng bày trên chiếc đàn piano ngay tại Sảnh Viện Chấn thương Chỉnh hình.

Hoa anh đào hay Sakura do Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản gửi tặng có tên gọi là “Keiozakura”, được mang về từ thành phố Sakata, tỉnh Yamagata, thuộc phía Đông đất nước Nhật Bản, là loại nở đồng loạt và sớm nhất trong các loại Sakura.

Những cành hoa anh đào tươi thắm, được đặt trên chiếc piano khu vực trung tâm tại sảnh lớn tòa nhà Viện Chấn thương Chỉnh hình như một biểu tượng cho tình hữu nghị, mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM và Bệnh viện Quân y 175.

An Quý

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp