Thể hiện văn hóa dân tộc
Nói đến văn hóa ẩm thực Việt Nam, không thể không nói đến mâm cỗ ngày Tết. Nó được đúc kết sau hàng nghìn năm của văn hóa Việt, quốc gia có nền nông nghiệp lúa nước lâu đời. Mâm cỗ ngày Tết của từng miền cũng không đồng nhất. Mâm cỗ Tết miền Bắc hài hòa giữa những món nước và khô, giữa thịt và rau; miền Trung cầu kỳ và tỉ mỉ; còn ở miền Nam tuy đơn giản nhưng lại hài hòa mỹ vị.
Theo phong tục chung cũng như đến hẹn lại lên, Tết của người Việt Nam nhất thiết phải có các món ăn đặc biệt mà ngày thường ít có. Trước tiên, phải đảm bảo tiêu chí thịnh soạn, tinh tế và hấp dẫn với đầy đủ màu sắc: màu xanh của bánh chưng, đỏ tươi của xôi gấc, gam vàng của canh măng và màu hồng của đĩa giò lụa…
Nói đến văn hóa ẩm thực Việt Nam, không thể không nói đến mâm cỗ ngày Tết. Nó được đúc kết sau hàng nghìn năm của văn hóa Việt, quốc gia có nền nông nghiệp lúa nước lâu đời. Ảnh minh họa
Vào dịp lễ Tết, khí hậu thường lạnh hay đại hàn nên các món ăn cũng thiên về ngon miệng và giúp cơ thể chống chọi với cái lạnh của thời tiết, giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phổi, nhất là ở nhóm trẻ nhỏ và người già…
Vì thế mà các món ăn ngày Tết không thể thiếu những chất có tác dụng bổ dưỡng, điều hòa âm dương khí huyết trong cơ thể, hay nói nôm na là cân bằng âm dương giúp con người khỏe mạnh.
Tốt cho sức khỏe
Nếu miền Bắc chuộng món bánh chưng vuông vức, miền Nam lại có bánh tét hình trụ dài, còn miền Trung “gom” cả hai loại bánh này của hai miền Nam Bắc.
Trong danh sách 15 món ăn trứ danh của thế giới (15 Unique Holiday Foods from Around the World) do tạp chí Healthline.com (HLC) Mỹ bình chọn, bánh chưng của Việt Nam chúng ta xếp vị trí thứ 10. Theo ấn phẩm này, đây là loại bánh gạo truyền thống được yêu thích trong dịp Tết tại Việt Nam. Được làm từ gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, hành lá, nước mắm và các loại gia vị như muối và hạt tiêu... Bánh thường được đặt trên bàn thờ gia tiên để tỏ lòng thành kính với người đã khuất và cầu mong cho một năm mới tốt lành.
Về mặt sức khỏe, bánh chưng có gạo nếp là vật liệu chính, Đông y gọi là Đạo mễ, Nhu mễ hay Dự mễ, có vị ngọt tính ấm, mềm dẻo, mùi thơm, có tác dụng ích thận khí, bổ gan, làm cho gan mật lưu thông, tỳ vị mạnh lên để nuôi dưỡng toàn thân và tăng cường gân cốt. Còn đậu xanh hay Lục đậu có vị ngọt, tính mát, có tác dụng bổ tỳ vị, tim, gan, giải được các độc chất trong thức ăn. Riêng thịt lợn (Trư nhục), có vị ngọt tính ấm, có tác dụng bổ thận tráng dương, phần thịt mỡ có tác dụng hấp thu và đào thải rượu.
Riêng lá dong gói, mang nhiều nghĩa. Đây là loại lá xanh, biểu tượng cho thiên nhiên, cho trường thọ, tươi tốt quanh năm không bao giờ bị tàn héo. Tuy nhiên, giá trị đích thực về sức khỏe của loại lá này đến nay khoa học vẫn chưa tường hết.
Ngoài ra còn có măng ninh chân giò. Món này ninh nhừ ăn trong ngày Tết vừa bổ dưỡng, ngon miệng lại dễ tiêu hóa, trừ được đờm dãi. Riêng chân giò lợn có tác dụng bổ thận, bổ tỳ vị giải nhiệt, trị đơn độc.
Món thịt gà, tốt cho sức khỏe vì nó lành, không độc và bổ dưỡng. Thịt gà còn có các vitamin A, B1, B2, C, E, axit, canxi, photpho, sắt và có hàm lượng protein và phức hợp của amino axit trong thịt gà có ảnh hưởng tích cực đến não bộ, làm phấn chấn tinh thần, tác dụng cải thiện huyết áp và nhịp tim. Đây là loại thực phẩm mà cơ thể con người dễ hấp thu và tiêu hóa…
Cân bằng và hợp lý
Các món chính đậm vị, giàu dinh dưỡng, ông bà ta lại không quên món dưa hành. Đây là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết, cùng với hạt tiêu có vị cay, nóng, có tác dụng thông dương khí, đào thải uế khí, giải độc, lưu thông khí huyết, kinh lạc. Hành còn có tác dụng làm giảm đau các khuỷu khớp khi lạnh và giúp tiêu hóa tốt. Nhiều nghiên cứu chứng minh, hành có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, điều hòa lượng đường huyết, tốt cho sức khỏe của xương, giảm nguy cơ ung thư…
Mâm cỗ không thể thiếu được những món ăn được chế biến từ rau xanh, củ quả như súp lơ, cà rốt, cải bó xôi hay củ cải, là những loại thực phẩm giúp ngon miệng, đỡ ngán trong mâm cơm ngày Tết.
Súp lơ rất tốt cho hệ tiêu hóa, phòng chống bệnh ung thư, giúp hòa tan lượng cholesterol, tạo cảm giác nhanh no, giúp chị em có thể duy trì vóc dáng, không tăng cân trong những ngày đón năm mới. Trái cây ngày Tết rất phong phú, giàu vitamin, chất xơ và chất dinh dưỡng cao. Vì vậy, nên bổ sung trái cây vào chế độ ăn uống hàng ngày để cơ thể khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Thực phẩm ngày Tết không thể không nói đến các loại hạt, rất đa dạng như hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, hạt điều, hạt dẻ…; thường ở dạng khô, thơm ngon, và bổ dưỡng. Ảnh minh họa
Táo là loại quả rất dễ ăn, giúp giảm nguy cơ táo bón; là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất tốt cho sức khỏe. Dâu tây giúp tăng cường hệ miễn dịch, cung cấp vitamin C cho cơ thể khỏe mạnh. Sử dụng một lượng vừa đủ dưa hấu sẽ giúp bạn ăn ngon miệng, tốt cho hệ tiêu hóa…
Thực phẩm ngày Tết không thể không nói đến các loại hạt, rất đa dạng như hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, hạt điều, hạt dẻ…; thường ở dạng khô, thơm ngon, và bổ dưỡng. Nó giúp tăng không khí ấm áp cho ngày Tết, tốt cho sức khỏe.
Tết là thời điểm có rất nhiều món ăn ngon, nhưng kèm theo đó cũng dễ tiềm ẩn các vấn đề cho sức khỏe. Vì vậy, bí quyết tối ưu là cân bằng và hợp lý. Ăn uống khoa học, đảm bảo an toàn vệ sinh không chỉ tăng sức khỏe, niềm vui mà còn giúp chúng ta có thêm sức khỏe sau một năm lao động việc vất vả và chuẩn bị tốt hành trang cho một năm mới đang đến gần.
BS.CKI. Nguyễn Thị Bích Thủy
(Trưởng khoa Khám bệnh, phụ trách Dinh dưỡng Lâm sàng - Bệnh viện Minh Anh)