Thu hồi, quy hoạch đất cần rõ ràng, thực tế, đảm bảo quyền lợi người dân

11/03/2023 17:29

Nhiều đại biểu, cán bộ lão thành TP.HCM đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), trong đó đặc biệt quan tâm, trăn trở các vấn đề liên quan thu hồi đất, chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư, cũng như vấn đề quy hoạch, giá đất… chưa được làm rõ.

Nhiều đại biểu, cán bộ lão thành TP.HCM đóng góp cho dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), trong đó đặc biệt quan tâm, trăn trở các vấn đề liên quan thu hồi đất, chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư, cũng như vấn đề quy hoạch, giá đất… chưa được làm rõ.

Chiều 10/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với sự tham gia của các nguyên ĐBQH TP khóa XII đến XV, nguyên Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP qua các thời kỳ. Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì Hội thảo.

Nhiều băn khoăn về quy định thu hồi đất và tái định cư 

Đại biểu Ngô Minh Hồng - nguyên Giám đốc Sở Tư pháp nêu ý kiến: Điều 78 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nêu, việc thu hồi đất không phải là đất ở dành cho dự án nhà ở thương mại, cần phải để nhà đầu tư căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất tự thương lượng với người đang sử dụng đất. Có thể đôi bên thương lượng, bằng các hình thức chuyển nhượng, góp vốn, thuê… theo quy định pháp luật hiện hành. Nhưng lưu ý là, phải thông qua hợp đồng công chứng, đăng ký để Nhà nước biết và giám sát việc thực hiện dự án, đảm bảo ổn định xã hội.

“Bên cạnh đó là việc điều chỉnh và hiệu lực pháp lý của thông báo thu hồi đất 10 ngày là quá ngắn, chưa kể khi nhận được thông báo này, người có đất bị thu hồi có gặp phải vấn đề vướng mắc gì không”, ông Hồng cho hay.


Đại biểu Ngô Minh Hồng nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP nêu ý kiến.

Đại biểu Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM phân tích: Điều 89 Luật Đất đai (sửa đổi) có nêu, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Nguyên tắc chung là thế, nhưng cần bổ sung các khoản, mục cho rõ ràng, chi tiết hơn để áp dụng thực tiễn mới đạt được hiệu quả.  

Đại biểu Nguyễn Văn Giàu - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội:


“Công tác thu hồi đất, quyền thu hồi đất (căn cứ theo dự thảo Luật Đất đai) cần phải bổ sung thêm các mục để làm rõ tính công khai, minh bạch. Từ đó, hướng đến sự đồng thuận cao từ người dân có đất bị thu hồi. Mặt khác, việc thu hồi đất phải đảm bảo chính xác, chất lượng, giá đất, tái định cư và bồi thường thỏa đáng cho người dân.

Quy hoạch đất cần phân loại nhu cầu, ưu tiên cụ thể

Đại biểu Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng, đối với quy hoạch sử dụng đất cần phân loại đất theo mục đích và nhu cầu sử dụng ưu tiên rõ ràng.

Đó là, trước hết quy hoạch đất phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh; tiếp đến là đất sản xuất nông nghiệp và đất bảo vệ môi trường; ưu tiên nữa là đất ở dành cho nhân dân. Sau đó, mới đến quy hoạch đất xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu; đất xây dựng công trình kinh tế xã hội; đất sử dụng cho phúc lợi xã hội và đất kinh doanh được xếp ưu tiên cuối cùng.

“Các loại đất đảm bảo nhu cầu sống cho nhân dân, nhất thiết phải được quy hoạch ưu tiên”, ông Trực nhấn mạnh. 

Tiếp ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM đề xuất, nên quan tâm đến tính khả thi của quy hoạch. Vì quy hoạch nhằm quản lý đất đai hiệu quả, nhưng phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp chính đáng của người dân.

Chung quan điểm về quy hoạch đất đai, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa, ĐBQH khóa XII, XIII chia sẻ, quy hoạch là việc hệ trọng, khi điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch sẽ làm thay đổi, xáo trộn một loạt vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân v.v…

“Không nên quá dễ dãi với điều chỉnh quy hoạch. Người lập và duyệt quy hoạch phải có trách nhiệm, luật cần quy định bao lâu mới được điều chỉnh, nếu nhiệm kỳ này lập rồi nhiệm kỳ sau điều chỉnh lại là không ổn, phải nghiêm ngặt hơn”, ông Hòa góp ý thêm.


Đại biểu Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM góp ý tại hội thảo.

Định giá đất phải thực tế, bám thị trường

Một số đại biểu đề nghị khi thực hiện việc thu hồi đất, giá đất thu hồi được bồi thường cần theo trị giá của thị trường. Nếu không thực hiện điều chỉnh giá đất bồi thường theo kịp giá thị trường, thì giá đất được bồi thường rất thấp tại thời điểm bồi thường, vì phải căn cứ vào bảng giá đất của Nhà nước quy định.  

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi, góp ý bảng giá đất tại dự thảo chỉ là căn cứ để tính tiền thuê đất, trả tiền thuê đất hằng năm, tính thuế và tính tiền tăng thêm đối với các dự án chậm tiến độ hoặc không đưa đất vào sử dụng…

Do đó, Bộ phận soạn thảo Luật cần tham mưu Quốc hội nên xây dựng và bổ sung bảng giá đất áp dụng khi Nhà nước thu hồi đất. Nguyên do là bảng giá đất quy định tại dự thảo hiện nay áp dụng cho việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất; không mang tính chất bồi thường ngang giá, khi người sử dụng đất vẫn còn nguyên quyền sở hữu.

Mặt khác, các đại biểu cũng đề nghị Luật sửa đổi cần được tiếp tục nghiên cứu bổ sung bản giá đất áp dụng cho việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai của Nhà nước hoặc các chủ thể khác, để bồi thường tương xứng khi người sử dụng đất bị thu hồi quyền sử dụng đất.

Mai Trâm

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp