Ảnh minh họa
Tại Hội nghị "Đối thoại doanh nghiệp thương mại điện tử TPHCM năm 2022" được tổ chức ngày 17/11, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, TPHCM là địa phương có vị trí, vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại điện tử của Việt Nam.
TPHCM được đánh giá là địa phương có thị trường hoạt động thương mại điện tử sôi động, thuộc loại lớn nhất nước, chiếm 47,7% tổng số tổ chức, cá nhân bán hàng trực tuyến của cả nước.
Thị trường thương mại điện tử đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại.
Hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn TPHCM đã phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng, chiều sâu và có xu hướng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi lượng người dùng sử dụng thiết bị di động kết nối internet ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cũng nhìn nhận, trước sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử, công tác quản lý Nhà nước về thương mại điện tử còn hạn chế, nhất là trong chính sách thúc đẩy, phát triển thương mại điện tử và các chính sách quản lý thuế, quản lý nguồn gốc, luồng hàng dẫn đến tình trạng hàng nhái, hàng không bảo đảm như cam kết, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.
Sự tăng trưởng và phát triển thương mại điện tử đã tạo ra cơ hội nhưng cũng là thách thức đặt ra trong công tác quản lý Nhà nước nhất là trong việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của thành phố.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ những khó khăn nhằm thúc đẩy thương mại điện tử như: Thông qua kết nối cung cầu trực tuyến, xây dựng giải pháp đẩy nhanh quá trình kết hợp giữa kênh phân phối truyền thống và kênh trực tuyến… Qua đó, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử trong cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thị trường nội địa và xuất khẩu.
Hiệp An
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ