Họp báo về tình hình lao động quý I/2023 - Ảnh: VGP/Minh Ngọc
Thu nhập bình quân của người lao động tăng ở cả ba khu vực kinh tế
Tại Họp báo về tình hình lao động quý I/2023 diễn ra sáng 6/4, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến cho biết thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I là 7,0 triệu đồng, tăng 197.000 đồng so với quý trước và tăng 640.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,41 lần khu vực nông thôn (8,6 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng).
Đáng chú ý, thu nhập bình quân của người lao động tăng ở cả ba khu vực kinh tế. Trong đó, khu vực dịch vụ có tốc độ tăng thu nhập cao nhất.
So với cùng kỳ năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong dịch vụ là 8,3 triệu đồng, tăng 10,1%, tương ứng tăng 766.000 đồng.
Lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân là 4,1 triệu đồng, tăng 9,2%, tương ứng tăng khoảng 345.000 đồng. Lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,9 triệu đồng, là khu vực có tốc độ tăng thấp nhấp trong ba khu vực kinh tế, tăng 9,0%, tương ứng tăng khoảng 655.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo ngành kinh tế, một số ngành kinh tế ghi nhận tốc độ tăng so với quý trước như: Lao động làm việc trong ngành khai khoáng có thu nhập bình quân là 10,3 triệu đồng, tăng 6,7%, tương ứng tăng 640.000 đồng so với quý trước; thu nhập bình quân tháng của lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy là 8,2 triệu đồng, tăng 3,8%, tương ứng tăng 300.000 đồng so với quý trước; ngành vận tải, kho bãi lao động có thu nhập bình quân tháng là 9,6 triệu đồng, tăng 2,7%, tương ứng tăng 255.000 đồng so với quý trước.
"Tuy vậy, sự gia tăng thu nhập của người lao động trong quý này không diễn ra ở tất các ngành kinh tế. Trong khi thu nhập bình quân của người lao động một số ngành kinh tế tăng, một số ngành kinh tế khác có sự sụt giảm thu nhập bình quân so với quý trước", đại diện lãnh đạo Tổng cục thống kê thông tin thêm.
Cụ thể, thu nhập bình quân của lao động ngành hoạt động kinh doanh bất động sản là 10,5 triệu đồng, giảm 2,6%, tương ứng giảm 275.000 đồng; thu nhập bình quân của lao động ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước là 9,8 triệu đồng, giảm 1,3%, tương ứng giảm 125.000 đồng; ngành xây dựng lao động có thu nhập bình quân là 7,8 triệu đồng, giảm khoảng 1%, tương ứng giảm 41.000 đồng.
Lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn nhất
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm quý I/2023 là 51,1 triệu người, tăng 113,5 nghìn người so với quý trước và tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn nhất với 39,0%, tương đương gần 20,0 triệu người, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,9%, tương đương 17,3 triệu người. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng thấp nhất, 27,1%, tương đương 13,8 triệu người.
So với quý trước và cùng kỳ năm trước, quy mô lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đều giảm lần lượt là 285,6 nghìn người và 53,6 nghìn người; lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 360,9 nghìn người so với quý trước và tăng 566,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; lao động trong ngành dịch vụ tăng 38,1 nghìn người so với quý trước và tăng 599,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý I/2023 là khoảng 885,5 nghìn người, giảm 12,4 nghìn người so với quý trước và giảm 443,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2023 là 68,9%, không thay đổi so với quý trước và tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới là 62,9% và nam giới là 75,3%. Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 65,2%, trong khi đó tỉ lệ này ở nông thôn là 71,3%.
Xem xét theo nhóm tuổi, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở các nhóm tuổi rất trẻ và nhóm tuổi già, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 55 tuổi trở lên (thành thị: 30,9%; nông thôn: 48,3%) và nhóm từ 15-24 tuổi (thành thị: 39,0%; nông thôn: 48,8%). Điều này cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị./.
Minh Ngọc
Theo Báo điện tử Chính phủ