Thị trường hàng hóa trải qua tuần biến động mạnh

05/06/2023 11:14

Tuy nhiên, lực bán rất mạnh trên nhóm năng lượng đã kéo chỉ số hàng hoá MXV- Index giảm 0,68% xuống 2.137 điểm, đánh dấu tuần giảm thứ 8 liên tiếp. Giá trị giao dịch toàn Sở duy trì ổn định ở mức trung bình trên 4.300 tỷ đồng/phiên.


Trong tuần, xu hướng giá liên tục bị chi phối bởi biến động vĩ mô, đặc biệt là các thông tin xoay quanh cuộc đàm phán nâng mức trần nợ công của Chính phủ Mỹ.

Nhóm kim loại phân hóa, giá sắt bứt phá hơn 6%

Kết thúc tuần giao dịch 29/5-4/6, giá bạch kim giảm tuần thứ 2 liên tiếp với mức giảm 2,39% xuống 1.003,5 USD/ounce. Giá bạc tăng 1,66% lên 23,74 USD/ounce. 

Trong các phiên đầu tuần, các nhà đầu tư phân bổ vốn vào thị trường kim loại quý do vai trò trú ẩn an toàn, trong bối cảnh lo ngại tình trạng vỡ nợ tại Mỹ gia tăng. Tới các phiên cuối tuần, năng lực trú ẩn của kim loại quý bị thất thế khi dự luật nâng trần nợ đã được thông qua.


Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng và quặng sắt trải qua tuần giao dịch khởi sắc. Đồng COMEX phục hồi 1,24% lên 3,72 USD/pound và giá quặng sắt tăng mạnh 6,13% lên 103,90 USD/tấn, đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 1/2023. 

Giá đồng và quặng sắt gặp áp lực trong các phiên đầu tuần do chịu sức ép chung từ nền kinh tế Mỹ và bức tranh tiêu thụ kém sắc tại Trung Quốc, thể hiện qua chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tiếp tục thu hẹp trong tháng 5. Cụ thể, chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc chỉ đạt 48,8 điểm trong tháng 5, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022, dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS). Con số này cũng thấp hơn mức 51,4 mà giới phân tích dự báo.  

Thông tin này làm giảm kỳ vọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, cũng như nhu cầu tiêu thụ với các mặt hàng kim loại cơ bản. 

Tuy vậy, giá cả 2 mặt hàng cũng dần phục hồi trong các phiên cuối tuần, do được hưởng lợi bởi dự luật trần nợ được thông qua và triển vọng tiêu thụ khởi sắc. Đối với thị trường quặng sắt, nhu cầu tiêu thụ thép khởi sắc đã thúc đẩy lực mua quặng sắt làm đầu vào cho hoạt động sản xuất thép.  

Cụ thể, tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới, tồn kho thép thành phẩm giảm trong tuần trước cho thấy nhu cầu tiêu thụ phục hồi. Ngoài ra, tại Ấn Độ, nhà sản xuất kim loại lớn thứ hai sau Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 0,5 triệu tấn thép thành phẩm trong tháng 4/2023, mức cao nhất kể từ năm 2019, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm ngoái.


Yếu tố chi phối xu hướng giá dầu trong tuần này

Mức giảm sâu của giá dầu vào ngày 30/5 đã khiến cho mặt hàng này kết thúc tuần giao dịch 29/5-4/6 trong sắc đỏ, bất chấp đà phục hồi mạnh mẽ trong 2 phiên cuối tuần. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 1,28% xuống 71,74 USD/thùng và dầu Brent đóng cửa trên 76 USD/thùng, thấp hơn 1,1% so với tuần trước đó.

Sau 2 ngày họp vào cuối tuần, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+ đã đi đến thỏa thuận gia hạn đối với tất cả các khoản cắt giảm tự nguyện cho đến cuối năm 2024. Đáng chú ý, Saudi Arabia sẽ thực hiện cắt giảm sản lượng tự nguyện thêm 1 triệu thùng/ngày vào tháng 7 và có thể được kéo dài sau tháng 7 nếu cần thiết. Nhóm nước này cũng đã quyết định giảm mục tiêu sản xuất tổng thể từ năm 2024 thêm 1,4 triệu thùng/ngày. 

Giá dầu mở cửa tuần với mức tăng gần 3 USD/thùng so với mức tham chiếu trong phiên sáng nay ngày 5/6, đưa giá dầu WTI chạm mốc 75 USD/thùng.  

Theo MXV, việc OPEC+ mạnh tay cắt giảm sản lượng sẽ là động lực phục hồi đáng kể cho giá dầu trong đầu tuần này. Ngoài ra, tuần này cũng sẽ là tuần giao dịch rất sôi động đối với thị trường dầu thô khi liên tục đón nhận các dữ liệu quan trọng.

Cụ thể, dự báo về cán cân cung cầu thị trường dầu thô cũng sẽ được phản ánh rõ hơn trong báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) tháng 6. 

Bên cạnh đó, trong tuần này, Trung Quốc cũng công bố hàng loạt các dữ liệu quan trọng về lạm phát và hoạt động thương mại. 


Theo Báo điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp