Đáng chú ý, mức tăng mạnh của nhiều mặt hàng nguyên liệu công nghiệp quan trọng đã hỗ trợ nhóm này dẫn đầu xu hướng tăng chung của toàn thị trường trong ngày hôm qua. Trong khi đó, nhóm nông sản chịu áp lực trở lại sau 2 phiên tăng vọt trước đó nhờ thúc đẩy từ thông tin căng thẳng leo thang tại khu vực biển Đen. Tuy nhiên, lực bán chốt lời khiến giá nông sản quay đầu suy yếu.
Đà tăng nông sản chững lại
Giá ngô đóng cửa giảm 1,22%. Trong khi đó, lúa mì Chicago giảm nhẹ 0,1%. Cùng với đó, giá đậu tương quay đã quay đầu giảm nhẹ, kết thúc chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp. Tâm lý giằng co đã áp đảo thị trường ngay từ khi mở cửa và khiến giá đi ngang phía trên, dao động quanh mức 516 USD/tấn.
Hiệp hội Công nghiệp dầu thực vật Brazil (Abiove) mới đây đã nâng ước tính sản lượng đậu tương năm nay của nước này lên mức 156,5 triệu tấn, tăng 0,5 triệu tấn so với dự báo trước. Bên cạnh đó, Brazil được dự báo sẽ xuất khẩu 97,5 triệu tấn đậu tương trong năm 2023, cao hơn so với mức 97 triệu tấn ước tính được Abiove đưa ra trước đó. Điều này cho thấy nhu cầu đối với đậu tương từ Brazil đã có sự cải thiện đáng kể trong năm nay.
Điểm sáng trong nhóm thuộc về dầu đậu tương khi mặt hàng tiếp tục tăng trong ngày hôm qua và là mặt hàng duy nhất trong nhóm đậu tương tăng giá. Lo ngại về tình hình nguồn cung dầu thực vật từ biển Đen vẫn còn đó khi Nga gia tang là yếu tố chính thúc đẩy giá tăng.
Giá cà phê diễn biến trái chiều
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/7, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Trong khi đó, giá 2 mặt hàng cà phê tiếp tục xu hướng trái chiều. Giá dầu cọ dẫn đầu đà tăng của nhóm khi tăng vọt gần 4% trong phiên hôm qua. Đà tăng của giá được thúc đẩy bởi triển vọng nhu cầu từ Ấn Độ cũng như tình hình xuất khẩu tích cực của Malaysia.
Sau khi Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, khiến nguồn cung dầu hướng dương từ khu vực này trở nên đắt đỏ và khó tiếp cận hơn, các nhà phân tích dự báo rằng Ấn Độ - nước tiêu thụ dầu thực vật lớn nhất thế giới - có thể chuyển sang nhập khẩu nhiều dầu cọ hơn trong những tháng tới để thay thế cho dầu hướng dương.
Bên cạnh đó, công ty giám định Amspec Agri cho biết, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ trong 20 ngày đầu tháng 7 của Malaysia tăng 10,1% so với cùng kỳ tháng trước, chủ yếu do nhu cầu quốc tế tăng cao.
Giá Arabica bật tăng gần 2% so với tham chiếu, tương đương mức tăng 2,55 cents/pound trong phiên hôm qua. Nông dân Brazil vẫn hạn chế bán cà phê vụ mới do giá chưa cao như kỳ vọng.
Công ty tư vấn Safras & Mercado cho biết, tính đến ngày 11/7, quốc gia cung ứng cà phê lớn nhất thế giới đã bán 30% sản lượng cà phê Arabica dự kiến, thấp hơn 9 điểm % so với mức 39% của cùng kỳ niên vụ 2022/23 và trung bình 5 năm trước.
Trong khi đó, giá Robusta quay đầu giảm mạnh gần 3%, đưa giá giao dịch hiện tại về mức 2.536 USD/tấn. Nông dân Brazil sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu cà phê Robusta khi giá đang ở mức cao trong bối cảnh xuất khẩu tại Việt Nam vẫn tương đối chậm, giúp hạn chế những lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường.
Hiệp hội Những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE) cho biết, tính đến ngày 19/7, quốc gia này đã vận chuyển được 215.644 bao cà phê Robusta dạng hạt, gấp 2,62 lần lượng cà phê Robusta xuất khẩu trong cùng kỳ tháng trước và cao hơn 47% tổng lượng Robusta đã vận chuyển trong tháng 7/2022.
Tại Việt Nam, quốc gia sản xuất Robusta số 1 thế giới, Tổng cục Hải quan Việt Nam mới đây cho biết, cả nước đã vận chuyển 31.607 tấn cà phê trong nửa đầu tháng 7, chỉ bằng 46% lượng cà phê xuất khẩu trong cùng kỳ tháng trước và thấp hơn 46% so với lượng hàng vận chuyển trong cùng kỳ năm trước.
Hơn nữa, lũy kế xuất khẩu cà phê từ đầu năm tính đến hết ngày 15/7 ở mức 1,04 triệu tấn, giảm 3,78% so với mức 1,08 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2022. Điều này làm gia tăng lo ngại lo ngại nguồn cung cà phê ở mức thấp.
Ghi nhận trong sáng nay, trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đồng loạt sụt giảm mạnh khoảng 1.200 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước về mức 64.900 – 65.700 đồng/kg.
Theo Báo điện tử Chính phủ