Thế nào là pháp nhân phi thương mại?

30/03/2023 23:01

Tạp chí Khoa học phổ thông số 11 ra ngày 17/3/2023,  trong bài “Bàn về tính pháp lý của Bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam” có đề cập đến mục 3 Điều 9 về Xếp hạng cơ sở giáo dục đại học của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học” như sau: “Pháp nhân phi thương mại Việt Nam được thực hiện xếp hạng cơ sở giáo dục đại học...”.

Nhiều bạn đọc thắc mắc “Pháp nhân như thế nào thì được gọi là phi thương mại” và “Công ty TNHH VIETNAM EDUCATION INDEX” có phải là pháp nhân phi thương mại hay không?”.

TS. Bùi Kim Hiếu - Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT) có trao đổi như sau:

Như trước đây tôi đã trả lời tôi ủng hộ việc lập và công nhận bảng xếp hạng Đại học ở Việt Nam. Tuy nhiên, Bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam(VNUR) phải căn cứ theo quy định phát luật vì ảnh hưởng rất lớn đến uy tín nhiều trường đại học khác trên cả nước. Tổ chức đánh giá bảng xếp hạng của các trường đại học theo quy định tại điều 9 luật giáo dục đại học 2012 sửa đổi bổ sung 2018 quy định đối với đối tượng thực hiện đánh giá là pháp nhân thì “Pháp nhân phi thương mại Việt Nam được thực hiện xếp hạng cơ sở giáo dục đại học; phải bảo đảm trung thực, khách quan, minh bạch, có trách nhiệm công khai, giải trình về phương pháp, tiêu chí và kết quả xếp hạng...”.


TS. Bùi Kim Hiếu (Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM).

Theo đó, quy định pháp luật về đối với pháp nhân phi thương mại theo quy định tại điều 76 Bộ luật dân sự 2015 thì "1. Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên.

2. Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác"

Như vậy, ngoài các cơ quan đơn vị trên thì còn có doanh nghiệp xã hội. Căn cứ theo quy định tại Điều 10 Luật doanh nghiệp 2020 thì "Doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

a) Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này;

b) Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng;

c) Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký".

Mặc khác, theo quy định tại Điều 28 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 04/1/2021: Trường hợp đăng ký hoặc chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp nộp hồ sơ đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính theo quy định kèm theo Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký. Khi đó, Phòng Đăng ký kinh doanh đăng tải Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

Như vậy, nếu thỏa mãn tất cả cá điều kiện pháp luật ở trên thì pháp nhân phi thương mại ngoại trừ các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội theo điều 76 Bộ luật dân sự thì doanh nghiệp xã hội hoạt động theo luật doanh nghiệp phải tuân thủ các tiêu chí điều kiện nêu trên, đồng thời được phòng đăng ký kinh doanh SKế hoạch và Đầu tư thông báo công khai thông tin doanh nghiệp xã hội phi thương mại.

TS. Bùi Kim Hiếu (Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM)

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp