Ông Greg Testerman, Chủ tịch AmCham Việt Nam đánh giá, TPHCM: Trung tâm quan trọng cho hoạt động kinh doanh quốc tế - Ảnh: VGP/Minh Thi
Đây là đánh giá của ông Greg Testerman, Chủ tịch Amcham Việt Nam khi chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ về những kết quả về kinh tế, xã hội, văn hóa mà Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đã đạt được cũng như đóng góp của AmCham cho quá trình xây dựng chính sách của Việt Nam, đổi mới cơ chế của TPHCM để tạo đà cho các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Giai đoạn vừa qua là thời kỳ hết sức khó khăn đối với kinh tế-xã hội thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, trong đó có TPHCM. Tuy nhiên, vượt qua những thách thức khách quan đó, Việt Nam đã và đang nỗ lực nhanh chóng, kịp thời để đưa ra các giải pháp ứng phó với tình hình hiện nay. TPHCM đã có những giải pháp hiệu quả để thúc đẩy phát triển. Xin ông có thể chia sẻ đánh giá về nhận định trên?
Ông Greg Testerman: Theo tôi, trong thời kỳ khó khăn và thách thức vừa qua, trước tiên Chính phủ Việt Nam đã điều hành nền kinh tế hiệu quả trong đại dịch. Năm 2022 (năm hậu COVID-19) nhưng Việt Nam đã được ghi nhận là một trong những nước ít ỏi có trưởng kinh tế tốt nhất.
Một thành công nữa rất quan trọng của Việt Nam là đã kiểm soát lạm phát và duy trì sự ổn định đồng tiền Việt Nam. Đây là một thành tựu rất ấn tượng so với các nước khác trong khu vực.
Năng suất tăng trong cơ sở sản xuất và chi phí vận chuyển trở lại mức trước COVID-19 là tín hiệu tốt cho năng lực xuất khẩu của Việt Nam.
Tỉ lệ nợ trên GDP thấp đã tạo tiền đề cho Việt Nam đối phó với cuộc suy thoái toàn cầu tiếp theo. Từ những kết quả đáng mừng này đã tạo vị thế tốt để Việt Nam tăng trưởng hơn nữa.
Có một thực tế đang diễn ra là nhu cầu về hàng hóa ở những thị trường lớn như Hoa Kỳ và EU có chiều hướng giảm do đó sẽ tạo ra tỉ lệ hàng tồn kho nhiều hơn, đồng thời theo đó là các đơn đặt hàng nhà máy ở các thị trường này đang có xu hướng giảm. Song song với đó, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại nên có thể dẫn đến tốc độ tăng trưởng GDP chậm hơn.
Tuy nhiên, tại Việt Nam theo đánh giá của tôi và nhiều chuyên gia kinh tế, do chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam, đặc biệt là TPHCM khá tốt nên mức giảm này sẽ được bù đắp phần nào nhờ lợi ích từ phía cung do dòng vốn FDI đang gia tăng sẽ thúc đẩy kế hoạch chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam vào năm 2023.
TPHCM là trung tâm kinh tế hàng đầu của Việt Nam đã và đang có những chính sách để thu hút nhiều hơn nữa dòng vốn đầu tư vào địa phương này. Xin ông đánh giá những chính sách của TPHCM đã tạo thuận lợi, cơ hội như thế nào cho doanh nghiệp FDI nói chung và doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng?
Ông Greg Testerman: Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển của TPHCM như một trung tâm quan trọng cho hoạt động kinh doanh quốc tế. Với gần 10 triệu dân cùng vai trò và tầm quan trọng của nền kinh tế, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với khu vực, TPHCM có nhiều tiềm lực, cơ hội cho vai trò là một trung tâm tài chính của khu vực.
Có thể nói đến những đổi mới cụ thể như cơ sở hạ tầng đô thị của TPHCM đã được cải thiện đáng kể trong 8 năm tôi sống ở đây. Khu vực đầu tư công đang khẳng định được vai trò chủ chốt trong việc tạo dựng cơ sở hạ tầng cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế.
Về an sinh xã hội, môi trường sống đang dần cải thiện và nâng cao chất lượng. Việc ngày càng có nhiều trường quốc tế và các chuyến bay quốc tế dồi dào từ sân bay Tân Sơn Nhất đã khiến TPHCM trở thành ngôi nhà hấp dẫn cho các gia đình của lao động cao cấp nước ngoài như các giám đốc điều hành quốc tế, kỹ sư hay chuyên viên cao cấp. Những tiến bộ đó cũng có đóng góp trực tiếp đến việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Đơn cử như AmCham Việt Nam đã có hơn 650 công ty và 2.500 chuyên gia kinh doanh trong số các thành viên của mình, chiếm hàng tỷ USD đầu tư, hàng nghìn nhân viên và một phần đáng kể trong xuất khẩu và doanh thu thuế của Việt Nam và chủ yếu đóng ở TPHCM và các tỉnh lân cận của TPHCM.
Cùng với TPHCM, AmCham đã và đang hỗ trợ sáng kiến phát triển một trung tâm tài chính khu vực tại TPHCM. Về lâu dài, thành công của sáng kiến đó sẽ được tăng cường đáng kể nhờ việc mở cửa dần dần các thị trường tài chính của Việt Nam, đặc biệt là khả năng chuyển đổi của VNĐ và nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài. Những cải cách như vậy, ngay cả khi diễn ra từ từ, sẽ có tác động tích cực giúp Việt Nam chính thức đạt được vị thế "thị trường mới nổi" và nâng hạng tín nhiệm quốc gia. Tôi tin tưởng rằng quá trình chuyển đổi như vậy sẽ có tác động mạnh mẽ đến dòng vốn đầu tư nước ngoài.
TPHCM đang được các nhà đầu tư FDI nhận định là một trung tâm quan trọng cho hoạt động kinh doanh quốc tế - Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Theo ông, Chính phủ Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cần thực hiện những cải cách hay chính sách gì trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp FDI?
Ông Greg Testerman: Việt Nam đã và đang có những chính sách phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đã có những quyết sách nhanh, kịp thời và toàn diện để điều hành nền kinh tế-xã hội đạt được những kết quả như tôi đã nêu trên. Riêng TPHCM, trong thời gian đã có sự phát triển về cơ sở hạ tầng giao thông tốt, cải thiện môi trường, đổi mới cơ chế để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư.
Tôi xin nói riêng về lĩnh vực phát triển bền vững, Việt Nam đang đi đúng hướng trong nỗ lực thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo. Đơn giản hóa các quy định về năng lượng và cho phép tiếp cận dễ dàng hơn với lưới điện sẽ góp phần không chỉ vào tăng trưởng mà còn là tăng trưởng sạch.
Tuy nhiên để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, tạo sức hút nhiều hơn với dòng vốn FDI, theo tôi, Việt Nam, trong đó có TPHCM cần có những đổi mới cụ thể hơn ở nhiều lĩnh vực như: Phát triển quy định tổng thể cho nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển bao gồm luồng dữ liệu tự do xuyên biên giới, cùng với các thủ tục hợp lý hóa việc nhập khẩu thiết bị kỹ thuật số sẽ giúp duy trì khả năng cạnh tranh kinh tế; đưa chế độ thuế vào khuôn phép hơn, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; tạo điều kiện dễ dàng hơn cho khách du lịch nước ngoài và khách doanh nhân xin thị thực nhập cảnh; quảng bá Việt Nam ra quốc tế như một điểm đến hàng đầu cho khách du lịch nước ngoài; nhất quán theo một khuôn khổ rõ ràng và cân bằng để thực hiện các quy định bảo vệ môi trường mới bao gồm cả đóng góp của nhà sản xuất…
Về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, việc rút ngắn thời gian cấp phép cho thuốc mới và điều chỉnh các quy trình phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu sẽ giúp hỗ trợ nhu cầu ngày càng tăng nhanh đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.
Đặc biệt, để tăng trưởng dài hạn cần có sự chung sức của các thành phần kinh tế, các địa phương trên quan điểm "Tạo giá trị chung"; điều này có nghĩa là đóng góp cho xã hội đồng thời vẫn đảm bảo sự thành công trong kinh doanh lâu dài, và để đạt được sự bền vững thì phải đi kèm với tầm nhìn cho tương lai. Và thống nhất, với mục tiêu thúc đẩy tính bền vững, sẽ giúp quốc gia tiến bộ trong việc tạo ra giá trị chung.
Tạo giá trị chung sẽ giúp nền kinh tế phát triển bền vững - Ảnh: VGP/Minh Thi
Như vậy theo ý kiến của ông thì để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững cần có việc xây dựng ý thức trách nhiệm cho cộng đồng gồm những người làm chính sách, nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân về tạo dựng giá trị chung. Theo ông, làm thế nào để dung hòa giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, dài hạn và ngắn hạn?
Ông Greg Testerman: Để phát triển một nền kinh tế theo hướng bền vững cần rất nhiều sự nỗ lực của các bên với mục tiêu hướng đến một giá trị chung đem lại lợi ích cho toàn xã hội. Tuy nhiên, tôi chỉ xin nói về yếu tố tạo giá trị của doanh nghiệp.
"Tạo lập giá trị chung" là cách tiếp cận mới trong chiến lược thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, giúp tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề của xã hội, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy sự tiến bộ của những điều kiện kinh tế-xã hội, đem lại lợi ích cho cả cộng đồng và doanh nghiệp một cách bền vững.
Việc xem xét đưa các vấn đề xã hội vào trong chiến lược và kế hoạch hành động của doanh nghiệp sẽ là một sự thay đổi quan trọng trong tư duy quản lý trong thời gian tới. Thay vì cho rằng các vấn đề xã hội không liên quan đến mình, các doanh nghiệp đã từng bước chuyển nhận thức sang việc tham gia đóng góp vào việc giải quyết vấn đề, và đang nhìn thấy từ các vấn đề xã hội các cơ hội để tạo ra giá trị chung cùng cộng đồng, thậm chí làm giảm bớt chi phí, tăng lợi nhuận của doanh nghiệp từ việc chú ý đến các vấn đề xã hội.
Tôi nhận thấy rằng các doanh nghiệp không chỉ có trách nhiệm với các cổ đông của họ mà còn với nhiều bên liên quan, bao gồm cả cộng đồng địa phương và các thế hệ tương lai của họ. Đó chính là ý nghĩa thực sự của việc "tạo ra giá trị chung".
Về vấn đề này, tuyên bố về tầm nhìn của AmCham bao gồm cam kết rõ ràng đối với các tiêu chuẩn cao về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Các thành viên của chúng tôi cũng cam kết đóng góp vào thành công kinh tế của Việt Nam đồng thời thúc đẩy các giá trị xã hội về sự đa dạng, công bằng và hòa nhập. AmCham và các thành viên hiểu tầm quan trọng của sự khác biệt giữa "kinh doanh" và "kinh doanh bền vững". Và chúng tôi hoan nghênh cam kết của Chính phủ Việt Nam không chỉ đối với tăng trưởng kinh tế mà quan trọng hơn là tăng trưởng bền vững.
Nhờ tiếp tục hợp tác mang tính xây dựng với Phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam và với AmCham, UBND TPHCM và Chính phủ Việt Nam đã phản hồi tích cực đối với các đề xuất và khuyến nghị vì lợi ích tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Tôi rất vinh dự được chia sẻ các khuyến nghị của AmCham tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam vào tháng trước tại Hà Nội, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ và một số Bộ trưởng khác.
AmCham mong muốn tiếp tục hợp tác với cả Chính phủ Việt Nam và UBNDTPHCM để đạt được những mục tiêu này vào năm 2023.
Minh Thi (thực hiện)
Theo Báo điện tử Chính phủ