Tạo sự công bằng khi thu hồi đất

08/03/2023 09:30

Sáng 7/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì Hội thảo với sự tham gia của các cơ quan báo đài TP và trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn.

Thu hồi đất cần làm rõ chính sách công bằng  

Hội thảo đã có hơn 50% ý kiến tham gia tập trung về quyền lợi của người dân khi thu hồi đất  thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần được rõ ràng, công khai và thực hiện ngang bằng nhau. 

Cụ thể, phóng viên Thúy Dân (báo Phụ Nữ TP.HCM) cho biết, đối với nội dung Luật đất đai (sửa đổi) về thu hồi đất và hỗ trợ, tái định cư nên có sự điều chỉnh cụ thể, khả thi hơn. Nhất là công tác đền bù tái định cư đối với người dân bị thu hồi phải thực hiện cho họ có chỗ ở, thu nhập đảm bảo cuộc sống. Muốn vậy, các phương án hỗ trợ cho người dân liên quan cần được công khai. Công tác này phải có cơ quan giám sát nhằm phát huy hiệu quả chính sách ưu đãi trên.

Trong khi đó, ông Đặng Tiến Long (báo Tuổi trẻ) phản ánh, từ tác nghiệp báo chí 70% số vụ khiếu kiện, khiếu nại đều liên quan đến đất đai. Phần lớn, người dân khiếu nại, khiếu kiện tập trung về quyền lợi bị ảnh hưởng khi bị thu hồi đất; đặc biệt thu hồi đất do cơ quan nhà nước thực hiện với mục đích nêu là vì sự phát triển kinh tế - xã hội, vì mục đích an ninh quốc phòng, vì công cộng rất mờ hồ, rất rộng. Điều này tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tư nhân mượn điểm “mơ hồ” trên để lạm dụng, thu hồi đất của dân cho các dự án thuần thương mại.

Theo ông Long, quy định của Luật Dân sự, thì đất đai là một loại tài sản, nên quan điểm đặt ra là cần phải sửa đổi luật lần này xem đất đai là một loại tài sản, thì lúc đấy, Nhà nước có quyền trưng mua nhà đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, công cộng. 

Còn những trường hợp cần đất làm dự án phát triển kinh tế - xã hội, nên để doanh nghiệp tự thương lượng với người dân theo cơ chế thị trường. 

“Người dân cho rằng, quyền lợi và nghĩa vụ của họ đóng góp chung, ngang bằng nhau. Do đó, khi có đất bị thu hồi vì mục đích an ninh quốc phòng, công cộng, phát triển kinh tế xã hội, hay thương mại, thì quyền lợi của mỗi người dân bị thu hồi đất cũng phải được đảm bảo ngang, bằng nhau.”

(Ông Ngô Thái Bình - báo Pháp Luật TP.HCM)

Luật Đất đai (sửa đổi ) cần điều chỉnh phù hợp, tránh chồng chéo

Bên cạnh đó, Hội thảo còn tiếp nhận một số ý kiến khác khi tham gia sửa đổi dự thảo Luật Đất đai mới. Đó là Luật Đất đai năm 2013 có 14 chương, 212 điều đã ban hành, được thực thi thực tế. Chưa kể 10 năm qua (2013-2023), nhiều bộ, ngành, địa phương đã tham mưu các cấp ban hành không ít những nghị định, thông tư, quy định khác có sự điều chỉnh ở dưới các Luật khác có liên quan đến đất đai. Điều này đã và đang gây bất cập khi triển khai các quy định về đất đai nói chung trong đời sống, thực thi pháp luật ngoài xã hội.


Ông Ngô Thái Bình - báo Pháp Luật TP.HCM tham gia ý kiến tại hội thảo.

Do đó, nhiều đại biểu đề nghị, để phục vụ tốt cho công tác tham mưu điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi dự thảo Luật Đất đai mới ban hành sắp tới, cũng cần rà soát, điều chỉnh, bãi bỏ các quy định khác liên quan đến đất đai của nhiều bộ, ngành, địa phương đang được thực thi có sự chồng chéo, gây bất cập, chưa phù hợp thực tế hiện nay.

Giám đốc VOH Lê Công Đồng nêu: Tại một cuộc họp cấp TP có liên quan thu hồi, giải quyết đất đai của người dân, các tổ chức, cá nhân..., thì đại diện các sở, ngành đã nêu và được tổng hợp tới 23 trang có nội dung liên quan tới nhiều thông tư của bộ ngành chuyên môn chồng chéo với Luật đất đai hiện hành. Từ đây, dẫn tới mâu thuẫn, khó khăn khi triển khai các chương trình, chính sách trên địa bàn thành phố.

Theo ông Đồng, văn bản dưới Luật đất đai năm 2013 để thực hiện luật còn vướng như vậy, thì Luật mới ban hành sắp tới đang lấy ý kiến có tới 16 chương, 236 điều khá là đồ sộ còn nhiều điểm vướng hơn. Do đó, chúng ta cần rà soát, điều chỉnh cho phù hợp Luật đất đai sửa đổi hiện nay.

Nên chăng, trước khi Quốc hội thông qua dự thảo Luật Đất đai mới, cần có một kênh phản biện vấn đề chồng chéo nêu trên. “Cụ thể, phải làm cho rõ các bộ liệu đã thống nhất đối với nội dung của luật này hay chưa. Nếu đã thống nhất, sau này có sự chồng chéo quy định giữa Luật Đất đai với các luật, các bộ có chấp nhận lấy Luật Đất đai làm gốc hay không?”,  ông Đồng cho hay.

Quyền sở hữu, quyền giải quyết khiếu nại phải cụ thể, chính xác hơn

Một số đại biểu khác còn ý kiến, dự thảo sửa đổi Luật Đất đai cần rà soát, điều chỉnh và phân quyền, chức năng cụ thể ở cấp ngành, địa phương xem xét, giải quyết tranh chấp đất đai như thế nào cho phù hợp tình hình thực tế. Tránh chồng chéo, hoặc gây áp lực cho một ngành chức năng nào đó.

Chẳng hạn như, việc tranh chấp đất đai của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức rất phức tạp, chứng cứ chứng minh quyền sử dụng đất thường không rõ ràng. Trong khi quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện tại, UBND cấp huyện, cấp tỉnh không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai mà thẩm quyền này sẽ thuộc về Tòa án.

Với dự thảo quy định trên sẽ thu hẹp quyền lựa chọn của các đương sự trong việc giải quyết tranh chấp đất đai, cũng như gia tăng áp lực lên hệ thống Tòa án các cấp trong quá trình thụ lý, giải quyết tranh chấp đất đai. Do đó, có ý kiến của đại biểu đề nghị, dự thảo Luật nên khôi phục thẩm quyền giải quyết của UBND các cấp, để đảm bảo quyền lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp của các đương sự. Theo đó, cũng sẽ giảm áp lực số vụ việc tranh chấp đất đai do Tòa án phải giải quyết.


Giám đốc VOH Lê Công Đồng phát biểu ý kiến.

Hay theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình sẽ cấp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ghi đầy đủ tên các thành viên trên sổ và trao cho người đại diện.

Mặc dù đồng ý với phương án ghi tên tất cả các thành viên có quyền sử dụng đất lên giấy chứng nhận, nhưng có nhiều đại biểu ý kiến, việc dự thảo trao cho hộ gia đình quyền được lựa chọn hoặc là ghi tên tất cả các thành viên hộ, hoặc là ghi tên một người đại diện cho hộ là không nên.

Bởi lẽ, nếu trao quyền ghi tên một người đại diện như trên thì sẽ quay lại câu chuyện có Giấy chứng nhận ghi tên đầy đủ các thành viên của hộ gia đình, có giấy chứng nhận ghi tên 1 người. Điều này không đạt được mục tiêu chính sách là giải quyết dứt điểm các khó khăn trong việc các định thành viên hộ gia đình khi thực hiện các giao dịch liên quan sau này.

Các ý kiến đề xuất đối với dự thảo quy định tất cả các trường hợp đất cấp cho hộ gia đình cần mặc định đều ghi đầy đủ tên thành viên có quyền sử dụng đất của hộ gia đình...

Trên tinh thần các ý kiến tham gia cụ thể của các đại biểu, kết luận Hội thảo, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM đã ghi nhận những ý kiến đóng góp trên vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời, Đoàn ĐBQH TP mong muốn sẽ tiếp tục nhận được nhiều đóng góp ý kiến của các đơn vị và toàn thể nhân dân tham gia ý kiến, để điều chỉnh Dự thảo Luật đất đai hiệu quả, không có những vướng mắc và không làm rào cản phát triển của xã hội, hay ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân, khi Luật đất đai được hoàn chỉnh, ban hành thực thi sau này.

Mai Trâm

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp