Các Nhà phân phối lớn tại TPHCM kết nối trực tiếp, đàm phán với các nhà sản xuất các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Ảnh: VGP/ TN
Trong những năm qua TPHCM và 6 tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đã ký kết, triển khai nhiều chương trình hợp tác. Đặc biệt, trong lĩnh vực thương mại, nhiều hoạt động hợp tác tiêu biểu giữa TPHCM và các tỉnh đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Nhờ có sự hợp tác với TPHCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của vùng giai đoạn 2013 - 2021 ước đạt 2.350.520 tỷ đồng, tăng bình quân 8,91%/năm.
Một số tỉnh có mức tăng trưởng bình quân khá như tỉnh Bình Định (tăng 12,77%/năm), tỉnh Bình Thuận (tăng 10,1%/năm), tỉnh Quảng Ngãi (tăng 8,06%/năm), tỉnh Phú Yên (tăng 8,10%/năm),…
Ở lĩnh vực công nghiệp, nhờ tăng cường hợp tác với TPHCM, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của vùng giai đoạn 2013 - 2021 ước tăng bình quân 10,57%/năm. Trong đó, các địa phương có tốc độ tăng trưởng khá như tỉnh Bình Thuận (tăng 19,59%/năm), tỉnh Phú Yên (tăng 8,03%/năm), tỉnh Bình Định (tăng 7,92%), tỉnh Khánh Hòa (tăng 4,8%/năm),…
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết: công tác kết nối giao thương giữa TPHCM và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ được triển khai từ tháng 2/2023 với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Trải qua nhiều giai đoạn công phu, từ khảo sát đến kết nối B2B, tìm hiểu, đàm phán, tiếp xúc, gặp gỡ nhiều lần, hướng dẫn cặn kẽ, hỗ trợ chi tiết...
Đến nay, 4 nhà phân phối TPHCM là Saigon Co.op, Satra, Central Retail và sàn thương mại điện tử Tiki đã chính thức ký 28 hợp đồng thu mua với nhà cung cấp của 6 tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
Bên cạnh kết quả đạt được, theo đánh giá của UBND TPHCM, việc hợp tác phát triển kinh tế giữa các địa phương vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Cụ thể là hoạt động hợp tác xúc tiến thương mại và đầu tư chưa đồng đều giữa các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; công tác kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, phân phối đến nay vẫn còn khó khăn thách thức khi nhiều sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng của các địa phương vẫn chưa thể kết nối, cung ứng thị vào thị trường TPHCM…
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM. Ảnh: VGP/TN
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, để phát huy kết quả hợp tác đã đạt được, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn 2023-2025, TPHCM với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ thống nhất phối hợp, mở rộng hợp tác 5 lĩnh vực trọng tâm theo quy mô phát triển của vùng gồm: Du lịch, kết nối cung cầu- xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ, nông nghiệp và lĩnh vực hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu, các bên phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, đặc hữu có khả năng chống chịu cao với thời tiết cực đoan.
Theo thỏa thuận hợp tác, được ký ngày 15/4, tại Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; định hướng hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, TPHCM sẽ tăng cường cung cấp thông tin về tình hình hoạt động công nghiệp, thương mại, các quy hoạch, kế hoạch, đề án, chính sách, các dự án kêu gọi đầu tư,... thông tin về kế hoạch đào tạo, tổ chức các hội nghị, hội thảo, các chương trình tập huấn của các địa phương để cùng tham gia nếu phù hợp, đặc biệt là chương trình đào tạo, tập huấn về phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu,... do TPHCM tổ chức để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh của các tỉnh; tập trung hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất các mặt hàng nông sản, đặc sản của địa phương phù hợp với các quy trình, quy định của ngành nông nghiệp.
Anh Lê
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ