Hội thảo VTOP 2022 (Vietnam Team Oncology Program) chủ đề “Tăng cường hợp tác đa ngành trong chăm sóc và điều trị ung thư” vừa được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 18/12/2022. Nhiều chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Việt Nam vừa tham gia trực tuyến và tại chỗ cùng lúc.
Hội thảo diễn ra đồng thời tại 3 điểm cầu Bắc - Trung - Nam (trực tuyến và tham dự trực tiếp): Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế và Hệ thống Y khoa Chuyên sâu Quốc tế Bernard (Bernard Healthcare, TP.HCM).
Ung thư là tập hợp của nhiều bệnh lý phức tạp, thường cần điều trị và chăm sóc theo nhóm đa mô thức và đa ngành. Hiện nay, các nhóm y tế đã được hình thành ở hầu hết các bệnh viện để thực hiện nhiều loại công việc khác nhau phục vụ người bệnh.

Tuy nhiên, chất lượng chăm sóc, điều trị và mức độ hài lòng của bệnh nhân vẫn còn rất khác nhau, tùy theo năng lực của nhân viên y tế, loại hình tổ chức và hệ thống thông tin liên lạc tại mỗi cơ sở y tế cũng khác nhau. Làm việc nhóm trong ung thư sẽ giúp bệnh nhân ung thư được chăm sóc tốt hơn; điều trị hiệu quả hơn; đồng thời, nhân viên y tế đỡ áp lực, kiệt sức hơn
Nhận thức rõ hiệu quả cũng như khó khăn khi triển khai mô hình làm việc nhóm tại nhiều cơ sở y tế, GS.TS.BS.Ueno Naoto và đồng nghiệp tại Trung tâm Ung thư MD Anderson (Hoa Kỳ) đã xem làm việc nhóm trong ung thư như một dạng khoa học và đã khởi xướng hoạt động giới thiệu cách tiếp cận mới mô hình này đến Nhật Bản thông qua chương trình Japan Team Oncology Program (JTOP) từ năm 2000.
Các chuyên gia nhấn mạnh, việc chăm sóc ung thư đa mô thức, trong đó bệnh nhân và thành viên khác không phải nhân viên y tế ở nhiều lĩnh vực khác nhau cũng có thể cùng tham gia.
VTOP 2022 cũng là sự kiện mở đầu cho chuỗi đồng hành, phối hợp giữa mạng lưới Y học Cộng đồng và các đơn vị y tế tại Việt Nam như Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế, Bernard Healthcare… trong mảng Ung thư tại Việt Nam.
TS.BS Phạm Nguyên Quý, bác sĩ trưởng, khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren (Nhật Bản); đồng sáng lập Tổ chức Y học Cộng đồng đã cùng mang VTOP về Việt Nam.
TS.BS Phạm Nguyên Quý chia sẻ: “Chương trình VTOP nuôi dưỡng những người thúc tiến chăm sóc đa ngành và đa mô thức lấy người bệnh làm trung tâm trong ngành ung thư. Chúng tôi tìm thấy ở Bernard sự đồng điệu về sứ mệnh và tầm nhìn vì cộng đồng. Bernard Healthcare còn có mô hình đa chuyên khoa trong tầm soát và điều trị; tương đồng với mô hình làm việc nhóm mà Y học Cộng đồng nói chung, VTOP nói riêng đang nỗ lực phát triển.
Theo bà Nguyễn Nam Phương, Tổng Giám đốc Bernard Healthcare, Bernard Healthcare vinh dự được là một mảnh ghép nhỏ trong mạng lưới Y học Cộng đồng, cùng chung tay vì sức khỏe người dân Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
“Qua đó nêu cao vai trò của y học dự phòng trong tầm soát sớm, chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ bệnh tiềm ẩn; không bỏ lỡ “giai đoạn vàng” điều trị; hạn chế biến chứng nguy hiểm; tăng cơ hội sống đối với những trường hợp ác tính, hiểm nghèo.” Bà Nam Phương nói.

Bên cạnh phần chia sẻ của các diễn giả, còn có các phần thảo luận nhóm với nhiều vấn đề đặt ra rất “sát sườn”, những tình huống cụ thể, thường gặp trong thực tế khi làm việc nhóm, đa ngành, đa quốc gia, đặc biệt trong mảng Ung thư. Ví dụ như: Hóa trị bỗ trợ để giảm nguy cơ tái phát nhưng bệnh nhân bị tê tay tăng dần dễ bị té ngã: Nhóm chăm sóc cần làm gì để giúp người bệnh?...
Theo thống kê của GLOBOCAN (Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế) năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.