Sở Y tế TP.HCM cảnh báo nhiều chiêu thức moi tiền của các phòng khám đa khoa tư nhân

04/12/2022 22:05

Sở Y tế TP.HCM cảnh báo “lợi dụng những bệnh nhân có dấu hiệu bị mắc các căn bệnh tế nhị, khó nói đến thăm khám, những nhân viên của các phòng khám đa khoa tư nhân đã "vẽ" ra bệnh để thuyết phục bệnh nhân phải điều trị với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Nhiều người là nạn nhân của các phòng khám này.”

Phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài tái xuất hiện

Sau một thời gian tạm lắng xuống do dịch bệnh COVID-19, gần đây một số phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài lại tái xuất hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong hành nghề khám, chữa bệnh. Điều đáng xem xét, các phòng khám này từng vi phạm trước đây và từng bị xử phạt ở khung cao nhất theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho thấy công thức moi tiền của các phòng khám này như sau: Người bệnh khi đến các phòng khám trước hết sẽ được yêu cầu thực hiện một loạt các xét nghiêm, siêu âm; Sau đó, bệnh nhân sẽ được đưa vào các phòng tiểu phẩu để tư vấn điều trị.

Dù có bệnh hay không, dù bệnh nhẹ hay nặng, bệnh nhân đều được đưa ra những chẩn đoán là mắc bệnh nguy hiểm, cần phải làm tiểu phẫu cắt, đốt, với chi phí hàng chục triệu đồng…

Bên cạnh đó, những cơ sở này từng bị Sở Y tế TP.HCM liệt kê vào danh sách 17 phòng khám có bác sĩ người nước ngoài thường xuyên bị khiếu kiện với kịch bản tương tự nhau. Ban đầu bệnh nhân khi liên hệ, được quảng cáo, tư vấn xét nghiệm, chữa bệnh với chi phí rất rẻ. Nhưng khi bệnh nhân được thực hiện thủ thuật, nhân viên các phòng khám này đã tìm cách "vẽ bệnh" với chi phí đội lên rất nhiều lần.

Nhiều phòng khám vi phạm “thay tên”, “đổi biển hiệu”

Sau khi bị cơ quan chức năng xử phạt, tước giấy phép hoạt động một thời gian, phòng khám ở địa chỉ trên lại bất ngờ "thay tên", đổi biển hiệu.”

Đơn cử, Phòng khám Hồng Cường từng nhiều lần bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phạt hành chính vì các vi phạm: lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; thu giá dịch vụ khám chữa bệnh cao hơn giá đã niêm yết; chỉ định sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh vì mục đích vụ lợi; không bảo đảm các điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động; quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh không đúng phạm vi chuyên môn.

Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, địa chỉ 87 - 89 Thành Thái (quận 10, TP.HCM) trước đây là điểm hoạt động của phòng khám đa khoa Elizabeth. Năm 2014, phòng khám này bị xử phạt 315 triệu đồng với các sai phạm trong lĩnh vực y tế.

Sau đó, địa chỉ này nhiều lần đổi tên thành phòng khám đa khoa Thành Thái, phòng khám đa khoa Khang Thái. Cả 2 phòng khám lại tiếp tục hoạt động với những chiêu trò "vẽ bệnh, thu tiền" người bệnh. Sau khi bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động (có thời hạn), tại địa chỉ cũ, phòng khám Khang Thái đã “đổi tên” thành phòng khám đa khoa Hồng Cường để tiếp tục hoạt động.

Bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề phải thi chứng chỉ hành nghề

Theo Sở Y tế TP.HCM, cần bổ sung hình phạt nghiêm khắc nhất đối với các phòng khám đa khoa tư nhân xem thường pháp luật và các quy định pháp luật về việc cho phép các bác sĩ nước ngoài hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh, bất cứ ai, cho dù ở vị trí công tác nào, là người dân Thành phố khi đọc các tin phản ánh các hành vi vẽ bệnh để moi tiền người bệnh mà nhức nhối, căm phẫn và đều mong cơ quan quản lý nhà nước phải có biện pháp mạnh đủ sức răn đe.

Và hơn ai hết, Ngành Y tế Thành phố lên án mạnh mẽ các hành vi vẽ bệnh, moi tiền người bệnh từ một vài cơ sở tư nhân có yếu tố nước ngoài. Những cơ sở này thường xuyên tái phạm những hành vi thiếu đạo đức.

Sở Y tế TP.HCM kêu gọi người dân và nhân viên y tế cùng hỗ trợ Ngành Y tế phát hiện và kịp thời thông báo về Thanh tra Sở Y tế bằng cách gọi đường dây nóng, hoặc thông báo qua ứng dụng “Y tế trực tuyến” hoặc bất cứ hình thức nào có thể để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Trước những hành vi vi phạm pháp luật khám, chữa bệnh cứ tái diễn, và chỉ xảy ra ở một số cơ sở y tế tư nhân (có yếu tố nước ngoài), Ngành Y tế Thành phố kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó, cần quy định bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam bắt buộc phải qua kỳ thi chứng chỉ hành nghề, bắt buộc phải thông thạo tiếng Việt và nói tiếng Việt khi khám bệnh, và các quy định này sớm có hiệu lực khi được ban hành.

Cần tăng nặng các hình thức xử phạt như thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động nếu tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan đến đạo đức hành nghề khám, chữa bệnh.

Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế duy trì thường xuyên (không chỉ chiến dịch) công tác thanh, kiểm tra các phòng khám có yếu tố nước ngoài và từng vi phạm, tiếp tục xử lý nghiêm với mức hình phạt cao nhất theo quy định hiện hành.

Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường phối hợp với Sở Y tế trong quản lý hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn, cụ thể là chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với các bộ phận chức năng của địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các địa chỉ phòng khám từng vi phạm, đang vi phạm và bị tạm đình chỉ ngưng hoạt động, buộc các cơ sở vi phạm ngưng quảng cáo, che hoặc gỡ biển hiệu trong thời gian bị tạm ngưng hoạt động.

An Khánh

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp