Tham tán Thương mại Việt Nam Hoàng Đức Nhuận và ông Salihou Keita, Tổng giám đốc Trung tâm quốc tế ngoại thương Senegal - Ảnh: Bộ Công Thương
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) và Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2021, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Senegal đạt 69,71 triệu USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 30,38 triệu USD và nhập khẩu từ Senegal 39,33 triệu USD.
Trong 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Senegal đạt 34,31 triệu USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm hạt tiêu, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả, hàng dệt may, thủy sản, gạo, phương tiện vận tải và phụ tùng...
Còn Bộ Công Thương thông tin, Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal đã tổ chức chương trình công tác tại quốc gia Tây Phi này từ ngày 16-21/12/2022 để làm việc với các bộ, ngành doanh nghiệp sở tại và tham dự Hội chợ quốc tế Dakar. Nhân dịp này, Thương vụ đã phối hợp với CCIAD tổ chức cuộc tọa đàm về cơ hội kinh doanh và đầu tư Việt Nam-Senegal với sự tham gia của 30 doanh nghiệp sở tại.
Ngoài trao đổi thương mại, phía Senegal cho biết, "Kế hoạch Senegal nổi lên" của Chính phủ nước này đang mở ra nhiều cơ hội về đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông sản (bông, điều, xoài), khai thác mỏ (vàng, dầu khí). Việc phát hiện ra dầu lửa ngoài khơi và dự kiến đi vào khai thác năm 2023 sẽ mang lại nguồn thu kinh tế quan trọng cho Senegal.
Phía Senegal mong muốn Việt Nam chuyển giao công nghệ chế biến điều, bông, đào tạo nhân công cho ngành dệt may trên cơ sở hai bên cùng có lợi. CCIAD, Cơ quan xúc tiến xuất khẩu, Bộ Thương mại và Doanh nghiệp vừa và nhỏ Senegal luôn sẵn sàng đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại thị trường này.
Senegal có tình hình chính trị ổn định, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, là cửa ngõ để hàng hóa các nước thâm nhập thị trường khu vực Tây Phi, nhất là các quốc gia như Mali, Mauritania. Bên cạnh phục vụ thị trường sở tại 17,7 triệu dân, hàng hóa sản xuất tại Senegal còn được hưởng ưu đãi về xuất xứ khi thâm nhập các thị trường Liên minh Kinh tế, tiền tệ Tây Phi (UEMOA), Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và Hiệp định Thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) mà nước này là thành viên.
Các doanh nghiệp Senegal cũng mong muốn tìm kiếm nhà nhập khẩu trực tiếp điều thô, bông và thiết lập quan hệ đối tác với doanh nghiệp Việt Nam để chế biến những mặt hàng này, đồng thời tìm nhà xuất khẩu gạo, sữa, hạt tiêu của Việt Nam… Doanh nghiệp đề nghị CCIAD tổ chức đoàn sang Việt Nam để dự các hội chợ, triển lãm quốc tế lớn và học hỏi kinh nghiệm chế biến nông sản, sản xuất hàng dệt may…
Đại diện Cơ quan phát triển xuất khẩu Senegal (ASEPEX) cho biết, các doanh nghiệp Senegal cũng quan tâm đến xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Việt Nam, như điều thô, bông, bột cá làm thức ăn gia súc, dầu mỡ động thực vật, nguyên liệu chất dẻo… ASEPEX sẵn sàng giới thiệu và phối hợp với doanh nghiệp Việt Nam xác minh đối tác thương mại tại Senegal.
Senegal cũng sẽ xem xét khả năng tổ chức đoàn tham dự các sự kiện thương mại quốc tế lớn như Vietnam Expo, Vietnam Food Expo… và hợp tác với Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (Vietrade) trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại giữa hai nước.
Đỗ Hương
Theo Báo điện tử Chính phủ