Sẽ nghiên cứu, tìm hiểu giá trần, lợi nhuận tối đa đối với giá thiết bị y tế - Ảnh minh họa
Một lãnh đạo của Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, hiện nay khi mua sắm trang thiết bị y tế, bệnh viện thực sự không biết mua giá nào là hợp lý, để không mua phải máy "bị thổi giá" bởi đơn vị không có đủ khả năng thẩm định giá. Nhiều cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế cũng đang vướng tình trạng này.
Thực tế, để xác định được giá bán của một máy móc hay trang thiết bị y tế phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như chất lượng sản phẩm, số lượng mua, phương thức thanh toán, vận chuyển, lưu kho bãi, chi phí đào tạo, bảo hành, bảo trì… Tất cả sẽ được tính vào giá bán cuối cùng. Hiện nay, giá các trang thiết bị y tế do các đơn vị cung cấp tự quyết định.
"Chính vì vậy, các bệnh viện rất mong đợi quy định chặt chẽ, rõ ràng về giá trang thiết bị y tế để tạo hành lang cho việc mua sắm", lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, hiện trong nước chưa có quy định về mức giá trần hay chênh lệch của giá gốc với giá bán ra thị trường của máy móc, trang thiết bị y tế.
"Tuy nhiên, về giá trần, lợi nhuận tối đa là bao nhiêu thì chúng tôi sẽ nghiên cứu và tìm hiểu quy định này từ các nước. Luật Đấu thầu hiện nay cũng chưa có quy định về nội dung này", ông Nguyễn Minh Lợi cho biết.
Lãnh đạo Vụ Trang thiết bị và công trình y tế cũng chia sẻ, việc khống chế lãi suất vào giá bán bao nhiêu cũng phải nghiên cứu để phù hợp với các thỏa thuận song phương và đa phương mà Việt Nam đang tham gia.
Theo ông Lợi, giá bán cuối cùng của sản phẩm phải được xác định trên rất nhiều yếu tố như giá nhập khẩu, các chi phí đào tạo, bảo hành, bảo trì, lưu kho... Để tránh việc bán lòng vòng, đẩy giá trang thiết bị lên cao, ông Lợi cho biết, Bộ Y tế đã rà soát và thấy rằng, theo pháp luật dân sự, đơn vị sở hữu máy và bên bán máy không được ủy quyền quá 2 lần. Nguyên tắc chung, người mua muốn mua giá tốt thì phải chủ động tìm mua của nhà phân phối chính thức ban đầu, không mua qua trung gian.
Về vấn đề kê khai giá, ông Nguyễn Minh Lợi cho biết, Bộ Y tế sẽ xem xét và cần thiết sẽ ban hành danh mục trang thiết bị y tế phải kê khai giá. Tuy nhiên, theo nguyên tắc, giá kê khai niêm yết chỉ là một kênh tham khảo, có thể giá niêm yết công khai là giá bán của đơn vị một sản phẩm tới tay trực tiếp người dân, còn đấu thầu thì phụ thuộc nhiều yếu tố để hình thành giá mua sắm đấu thầu… nên không thể so sánh giá niêm yết và giá đầu thầu nhưng về nguyên tắc giá đấu thầu không được cao hơn giá niêm yết.
Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế cũng cho rằng, không thể so sánh giá mua giữa đơn vị nhà nước và đơn vị tư nhân. Lý do, để xác định được giá trang thiết bị thì phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có liên quan đến số lượng mua và phương thức thanh toán... Riêng về phương thức thanh toán, với đơn vị công lập, khi mua, các bệnh viện thường thanh toán chậm hơn so với hợp đồng đã thỏa thuận do chưa có tiền. Khi đó sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp bán máy vì doanh nghiệp phải đi vay. Vì vậy sẽ kéo theo ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm thực tế, còn khi đơn vị tư nhân mua, họ thanh toán ngay nên giá sẽ rẻ hơn.
Hiền Minh
Theo Báo điện tử Chính phủ