Rượu táo mèo, dùng sao cho tốt?

23/01/2023 07:48

Quả táo mèo (còn gọi là quả sơn tra) được người dân vùng Tây Bắc dùng ngâm thành một loại rượu có màu nâu, vị ngọt thơm đặc trưng, với nhiều công dụng cho sức khỏe.

 

Công dụng đối với sức khỏe, sắc đẹp

Phòng bệnh tim mạch

Theo Y học cổ truyền, rượu táo mèo có vị đắng, hơi hắc, có khả năng tiết dịch vị tiêu hóa cũng như tăng tiết acid mật, pepsin từ dịch vị, chữa rối loạn tiêu hóa do dung nạp nhiều thịt mỡ. Thêm vào đó, chúng còn có công dụng ức chế trực khuẩn E. coli, chữa kiết lỵ, thương hàn, tụ cầu vàng, suy giảm bạch hầu.

Điều trị bệnh viêm khớp

Pha rượu táo mèo với một ít mật ong và nước lọc rồi uống đều đặn sau mỗi bữa ăn. Lưu ý, mỗi lần sử dụng chỉ lấy khoảng 1 muỗng nhỏ rượu táo mèo là đủ. Tác dụng chữa viêm khớp, chân tay nhức mỏi.

Chữa bệnh cao huyết áp

Rượu táo mèo còn có tác dụng điều trị chứng cao huyết áp, rối loạn lipid máu.


Ảnh minh hoạ: Internet

Kích thích tiêu hóa

Rượu táo mèo rất tốt cho hệ tiêu hóa nếu được sử dụng với liều lượng hợp lý. Do có khả năng kháng khuẩn, bảo vệ gan, sau khi uống, lượng enzym trong dạ dày tăng, giúp cho việc tiêu hóa tốt hơn; lượng acid béo tăng giúp tiêu hóa chất mỡ tốt hơn… Tuy nhiên, không nên sử dụng rượu táo mèo khi bụng đang đói, vì điều này sẽ gây áp lực lớn lên dạ dày khiến rượu phản tác dụng.

Giúp tóc bóng mượt, chắc khỏe

Sau khi gội đầu, lấy một ít rượu táo mèo pha với nước ấm theo tỷ lệ bằng nhau rồi thoa hỗn hợp này lên tóc, sau khoảng 3 - 5 phút gội lại với nước sạch. Rượu táo mèo hoạt động như khi dùng dầu xả, giúp tóc chắc khỏe và mềm mượt hơn.

Giúp đẹp da

Dùng giấm táo mèo làm mặt nạ có tác dụng làm se lỗ chân lông, cân bằng độ ẩm, dưỡng ẩm cho da cũng như tăng độ đàn hồi, đảm bảo da trắng mịn, hạn chế mụn hình thành.

Ai không nên sử dụng rượu táo mèo?

Phụ nữ mang thai và cho con bú

Nếu uống hơn 200 ml/ngày có thể làm giảm lượng lipid trong cơ thể, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của thai phụ và bé. Nhiều tài liệu chứng minh, một số hoạt chất của loại quả này làm hưng phấn tử cung, dẫn đến thúc đẩy tử cung co bóp, gây sẩy thai và sinh non ở thai phụ.


Ảnh minh hoạ: Internet

Người viêm loét dạ dày

Rượu táo mèo có vị hơi đắng nên có thể làm ảnh hưởng nhiều tới người bị viêm hay loét dạ dày. Có thể dùng một ít rượu táo mèo khô, bởi táo mèo tươi có chứa một lượng lớn acid có thể gây hại cho niêm mạc dạ dày. Nếu muốn sử dụng, nên dùng sau bữa ăn và chỉ dùng 1 ly nhỏ/ ngày để không khiến bệnh dạ dày trở nên trầm trọng hơn và cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Người mắc bệnh tim mạch

Do có chứa acid ursolic, ethyl nên khi đi vào cơ thể, rượu táo mèo sẽ làm tăng số lượng hồng cầu nên các bệnh nhân có iền sử tim mạch, mạch vành bị giãn có thể thấy tim đập nhanh hơn bình thường. Tình trạng này sẽ nhanh chóng qua đi sau 2 - 3 giờ uống rượu.

Cách ngâm rượu táo mèo khô

Nguyên liệu

● Táo mèo khô: 1 kg

● Rượu trắng (rượu nếp): 8 lít (từ 45 đến 50 độ). Lưu ý: Người dùng phải đảm bảo mua được rượu trắng từ các cơ sở, thương hiệu có uy tín, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

● Bình thủy tinh: 1 cái

Thực hiện

Cho táo mèo khô vào bình, sau đó đổ rượu trắng vào rồi đem ủ. Bảo quản nơi râm, thoáng mát và tránh nắng trực tiếp chiếu vào. Sau 3 tháng là có thể dùng được.

Tỷ lệ táo mèo khô và rượu là 1:8, nghĩa là 1 kg táo mèo khô ngâm với 8 lít rượu.

Lưu ý khi sử dụng rượu táo mèo

Không nên dùng rượu táo mèo một lượng lớn trong cùng một lúc.

Nên ăn lót dạ trước khi uống rượu táo mèo, tránh để bụng đói và không dùng trà ngay sau khi uống rượu.

Không pha chế chung cùng các loại rượu, bia khác.

Không sử dụng các chất kích thích gây ức chế thần kinh khi dùng rượu táo mèo.

Thận trọng dùng khi nam giới có tiền sử hoặc đang sử dụng thuốc điều trị bệnh tim mạch, cao huyết áp hay suy gan, suy thận hoặc người mệt mỏi, suy nhược.

Theo nghiên cứu, táo mèo có tác dụng giảm lipid trong máu, điều này rất tốt cho những người muốn giảm béo nhưng với nam giới thì không hoàn toàn tốt; vì tinh trùng được cấu tạo bởi nhiều chất trong đó lipid hay mỡ đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp nên các chất cần cho tinh hoàn sản xuất tinh dịch. Dùng táo mèo thường xuyên có thể làm giảm sản xuất tinh trùng, giảm ham muốn của nam giới. Vì vậy, nên dùng cách nhật và hạn chế dùng nhiều một lúc. Khi thấy có biểu hiện giảm ham muốn tình dục, nên dừng uống.

Cách ngâm rượu táo mèo tươi

Nguyên liệu

● Táo mèo tươi: 1 kg. Táo rửa sạch, để ráo nước. Sau đó, dùng dao cắt bỏ núm hai đầu, bổ đôi quả táo mèo bỏ vào thau nước sạch ngâm khoảng 1 tiếng rồi vớt ra ngâm tiếp với nước muối loãng tầm 30 phút. Cuối cùng rửa lại bằng nước sạch nhiều lần, để cho ráo.

● Rượu trắng (rượu nếp): 2 lít (từ 45 đến 50 độ) (tỷ lệ táo mèo và rượu là 1:2)

● Bình thủy tinh: 1 cái

Thực hiện

● Cách 1: Cho táo mèo đã chuẩn bị vào bình thủy tinh, tiếp đó đổ rượu vào cho tới khi ngập táo; đậy kín nắp và để ở nơi thoáng mát. Sau 3 tháng có thể dùng được.

● Cách 2: Ướp 2 kg táo mèo với 1 kg đường trong khoảng 2 tuần. Khi thấy táo mèo nổi lên trên mặt nước đường thì chiết hết nước vào lọ thủy tinh mang đi cất. Sau đó cho táo mèo vào trong bình khác rồi rót rượu trắng vào đem ủ. Sau khoảng 3 tháng, mang rượu ra pha cùng nước táo mèo ướp đường để uống.

BS.CKII. Huỳnh Tấn Vũ (Đại học. Y Dược TP.HCM)

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp