Research And Markets: 3 lý do chính giúp gạo Việt Nam xuất khẩu ổn định

25/08/2022 10:15

(Chinhphu.vn) - Hãng nghiên cứu thị trường Research And Markets (Mỹ) cho biết có 3 lý do chính khiến giá gạo Việt Nam tăng và xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục tăng cả về lượng và giá trị giai đoạn 2022-2031.

Research And Markets: 3 lý do chính giúp gạo Việt Nam xuất khẩu ổn định - Ảnh 1.
Báo cáo nghiên cứu ngành lúa gạo Việt Nam 2022-2031 trên trang Research And Markets (www.researchandmarkets.com)

Báo cáo nghiên cứu ngành lúa gạo Việt Nam 2022-2031 của Research And Markets đánh giá Việt Nam là nước giàu lúa gạo, cây trồng nhiệt đới và thủy sản và là nước xuất khẩu nông sản lớn ở Đông Nam Á, đồng thời là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 trên thế giới.

Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào ngày 1/8/2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng. 

Năm 2021, tổng sản lượng gạo của Việt Nam đạt khoảng 44 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, chế biến, thức ăn gia súc, gia cầm và xuất khẩu.

Cũng trong năm 2021, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3,133 tỷ USD và gạo đã trở thành điểm sáng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Đây là thành tích đáng ghi nhận của ngành lúa gạo trong nhiều năm qua, nhất là trong bối cảnh thiên tai và dịch bệnh COVID-19 ập đến với ngành nông nghiệp Việt Nam vào năm 2020 cả về sản xuất và xuất khẩu.

Theo phân tích của Research And Markets, có 3 nguyên nhân khiến giá gạo Việt Nam tăng và giúp gạo Việt Nam xuất khẩu ổn định giai đoạn 2022-2031.

Thứ nhất, Chính phủ đã ban hành đề án tái cơ cấu nông nghiệp, theo đó cơ cấu lúa gạo được điều chỉnh mạnh mẽ cùng với thay đổi quy trình canh tác, tức là chú trọng nâng cao chất lượng hơn là tăng sản lượng gạo.

Điều này thể hiện ở chỗ vào năm 2015, hạt giống lúa chất lượng cao của Việt Nam chỉ chiếm 35% - 40% tổng số hạt giống lúa thì đến năm 2020, con số này đạt 75% -80%, thậm chí có nơi tỉ lệ sử dụng hạt giống chất lượng cao tới 90%.

Thứ hai, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), tạo điều kiện cho xuất khẩu gạo của Việt Nam có bước đột phá. 

Thứ ba, trên thế giới, nhiều ngành bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng nhu cầu lương thực, thực phẩm của thị trường vẫn không giảm.

Cũng theo phân tích của Research And Markets, Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm lúa gạo của Việt Nam, đóng góp 50% sản lượng gạo và 95% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Từ năm 2020, Đồng bằng sông Cửu Long đã gieo trồng hơn 1,5 triệu ha lúa mỗi vụ, với năng suất bình quân 6 tấn/ha và sản lượng lúa hằng năm đạt hơn 24 triệu tấn. 

Vì vậy, Research And Markets cho rằng xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cả về lượng và giá trị trong giai đoạn 2022-2031.


Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp