Quả vải của Việt Nam được bán với giá 3,99 USD/pint (0,47 kg) tại siêu thị Safeway. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ
Tiếp nối thành công trong việc đưa quả vải thâm nhập hệ thống siêu thị lớn (Safeway, Albertsons, Winco,…) tại thị trường Hoa Kỳ trong năm 2022, triển khai Đề án "Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030" tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco, ngay từ tháng 11/2022, chi nhánh Thương vụ tại San Francisco cùng với Thương vụ Việt Nam tại Washington DC đã vận động, phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp Hoa Kỳ để triển khai nhập khẩu trái vải tươi của Việt Nam tiêu thụ tại thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt là tại các bang bờ Tây nước này.
Sau nhiều nỗ lực, được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, doanh nghiệp trong nước, gần 20 tấn quả vải tươi, được vận chuyển theo đường biển đã chính thức được phân phối, bày bán tại hệ thống siêu thị Safeway và Albertsons tại các tiểu bang bờ Tây Hoa Kỳ trong đó có Washington, Oregon và California từ ngày 30/6 vừa qua, vừa đúng dịp Quốc khánh Hoa Kỳ (4/7).
Trái vải Việt Nam được bán với giá 200.000 đồng/kg
Hệ thống siêu thị Safeway và Albertsons là chuỗi siêu thị có mạng lưới lớn nhất bờ Tây của Hoa Kỳ, trong đó, Safeway có 913 cửa hàng, Albertsons có trên 300 cửa hàng.
Đại diện Thương vụ cho biết, việc tiếp tục đưa quả vải vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị này với giá khá cạnh tranh, chỉ 3,99 USD/pint, tương đương với 200.000 đồng/kg là thành công lớn trong việc thúc đẩy tiêu thụ trái cây của Việt Nam nói chung và trái vải nói riêng tại thị trường Hoa Kỳ, do phần lớn trái cây của nước ta xuất khẩu sang Hoa Kỳ mới chỉ tiếp cận được hệ thống chợ, siêu thị nhỏ phục vụ người tiêu dùng gốc Á.
Mức giá 200.000 đồng/kg là mức giá rất cạnh tranh so với vải tươi nhập từ Trung Quốc và Mexico (đang được bán ở chợ châu Á tại San Francisco là 4,99 USD/lb, tương đương 259.000 đồng/kg), là hai nguồn cung cấp chính và cũng là hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất của quả vải tươi Việt Nam. Đây là kết quả của rất nhiều nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ.
Để góp phần đưa quả vải Việt Nam tiếp cận mạnh mẽ hơn nữa người tiêu dùng Hoa Kỳ, chi nhánh Thương vụ tại San Francisco phối hợp với Hội Doanh nhân người Việt tại Hoa Kỳ (VENUSA), các tổ chức, doanh nghiệp triển khai các hoạt động truyền thông trên các kênh thông tin đặc biệt là trên các mạng xã hội; tổ chức gian hàng trưng bày và bán quả vải tại một số khu vực chợ của người Việt, người châu Á; tổ chức hoạt động nếm thử giúp người dân làm quen và yêu thích quả vải, từ đó thúc đẩy việc tiêu thụ loại trái cây này.
Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco Hoàng Anh Tuấn vui mừng chào đón trái vải Việt Nam tại lễ khai trương bán hàng tại siêu thị Safeway
Khó khăn vì thiếu cơ sở chiếu xạ
Tuy nhiên, việc xuất khẩu trái vải vào thị trường Hoa Kỳ còn gặp nhiều khó khăn, đáng kể nhất là việc chưa có cơ sở chiếu xạ được Hoa Kỳ công nhận tại miền Bắc.
Việc thiếu vắng các cơ sở chiếu xạ theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ để bảo đảm điều kiện xuất khẩu trái cây tươi, nhất là quả vải do thời gian bảo quản được ngắn, sang thị trường này là thách thức lớn do phải vận chuyển vào TPHCM để chiếu xạ, làm tăng chi phí vận chuyển, hao hụt về số lượng, chất lượng của trái cây xuất khẩu và trên hết là làm giảm thời gian tiêu thụ trái vải trong hệ thống phân phối.
Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, chi nhánh Thương vụ tại San Francisco đã chủ động báo cáo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị của các bộ, ngành liên quan cũng như Bộ Nông nghiệp của Hoa Kỳ để tìm cách tháo gỡ vấn đề này.
Đến nay, mặc dù các cơ quan quản lý Nhà nước hai bên đã hết sức thúc đẩy, tạo điều kiện nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn do doanh nghiệp đứng ra làm đại diện đầu mối cho Trung tâm chiếu xạ Hà Nội gặp một số khó khăn nên không triển khai các hoạt động như cam kết. Ngoài ra, công nghệ bảo quản sau thu hoạch của ta còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chưa có tính đồng bộ trong quy trình sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển, chưa kiểm soát ổn định được nhiệt độ, độ ẩm,… do đó chưa bảo đảm kéo dài thời hạn sử dụng của các loại trái cây, rau, củ quả nói chung và quả vải nói riêng.
Phan Trang
Theo Báo điện tử Chính phủ