- 22:40 ,14/12/2022
Bảo tồn, giữ gìn, và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong việc xây dựng và phát triển chính quyền đô thị tại TP.HCM có ý nghĩa tiên quyết và vô cùng quan trọng, đó là khẳng định của PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, tại hội thảo khoa học “Phát huy giá trị truyền thống trong tiến trình xây dựng chính quyền đô thị tại TP.HCM”, do Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ và Trường Đại học Văn hóa tổ chức ngày 14/12.
Văn hóa “Trên bến, dưới thuyền” ở quận 8
Phát triển “hòn ngọc Viễn Đông” với bản sắc riêng
Theo PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, TP.HCM - nơi từng có một thời được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông” và hiện nay vẫn là một đô thị phát triển quy mô lớn nhất Việt Nam, là một thành phố trẻ, hiện đại, chỉ mới hơn 300 năm lịch sử hình thành, phát triển. Khi nói đến TP.HCM luôn gắn với một thành phố với mô hình chính quyền đô thị tiên phong, năng động và sáng tạo hàng đầu.
Trên phương diện văn hóa truyền thống, TP.HCM cũng là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa đa dạng, lắng đọng, hội tụ, tạo dựng bản sắc và phát triển với sự kết tinh của nhiều dân tộc, tôn giáo gắn với các bản sắc của nhiều tộc người, mang lại những nét văn hóa truyền thống riêng có của đô thị hiện đại – TP.HCM.
PGS.TS Vũ Tuấn Hưng cho rằng, đô thị hóa và việc xây dựng chính quyền đô thị là một xu hướng tất yếu trong xu thế phát triển của Việt Nam và thế giới. Do đó, việc xây dựng các chiến lược phát triển đô thị cần được xác định với hướng đi bền vững, toàn diện ngay từ đầu.
Một triết lý thống nhất và xuyên suốt trong mọi tiến trình của việc tạo dựng, hình thành, quản trị và phát triển đô thị là sự phát triển cho con người, và vì con người. Do đó nếu xét từ góc độ liên quan đến nhu cầu của con người là khá đa dạng, không đơn thuần, đơn giản chỉ một dạng nhu cầu bất biến mà luôn biến đổi cùng sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, khu vực, địa phương trong khoảng không gian, thời gian và bối cảnh lịch sử nhất định. Các nhu cầu về cơ sở hạ tầng vật chất, điều kiện tiện ích gắn với sinh kế của người dân như sự đầy đủ, hiện đại, tiện nghi, sang trọng,… là những mong mỏi của đa phần cư dân, song bên cạnh đó, còn nhiều nhu cầu khác về đời sống tinh thần, văn hóa, giá trị cuộc sống,…
Đối với một xã hội, một đô thị hay một địa phương, quốc gia, ngoài việc đủ đầy, tiện ích và sung túc về mặt vật chất, cơ sở hạ tầng và phương tiện hiện đại, còn cần một sự khác biệt và để là dấu hiệu nhận biết thành phố, địa phương này hay địa phương khác, PGS.TS Vũ Tuấn Hưng giải thích: “Tức là phải có bản sắc, sắc thái riêng và một trong những nét quan trọng tạo nên là từ chính giá trị truyền thống gắn bó với địa danh, nhân danh và sự hòa quyện tạo ra một chỉnh thể kích thích thúc đẩy sự phát triển của đô thị với sự hiện đại nhưng có bản sắc, sang trọng nhưng riêng biệt và sắc thái kết tinh riêng có. Để làm được việc này, việc bảo tồn, giữ gìn, và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong tiến trình xây dựng và phát triển chính quyền đô thị có ý nghĩa tiên quyết và vô cùng quan trọng”.
Giá trị truyền thống làm cơ sở, nền tảng cho việc xây dựng chính quyền đô thị
Những giá trị truyền thống tốt đẹp của Sài Gòn – TP.HCM phải là cơ sở, nền tảng cho việc xây dựng chính quyền đô thị trong hội nhập và phát triển hiện nay, PGS.TS. Lâm Nhân, Trường Đại học Văn hóa khẳng định. Di sản văn hóa là minh chứng cho các giai đoạn phát triển của lịch sử, là bằng chứng chân thực nhất về giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Bất kỳ quốc gia nào, trong tiến trình phát triển, con người cần dựa vào nền tảng, đó chính là di sản văn hóa. Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của mỗi một quốc gia sẽ là cơ sở, nền tảng cho sự phát triển. Trong hội nhập, phát triển và xây dựng chính quyền đô thị, cần phải có nguồn lực. Chính nguồn lực di sản văn hóa và phẩm chất con người ở Sài Gòn – TP.HCM là cơ sở cho sự nghiệp xây dựng và phát triển hiện nay.
TP.HCM hiện đang đóng vai trò một trung tâm kinh tế hàng đầu của Việt Nam, trong đó, văn hoá đóng một vai trò quan trọng: Văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực để xây dựng và phát triển Thành phố trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Việc xây dựng thành công chính quyền đô thị, trước tiên cần xây dựng lối sống, phong cách văn hóa con người nơi đây sao cho phù hợp với bối cảnh hiện tại. PGS.TS. Lâm Nhân nói: “Những giá trị, nền tảng văn hóa truyền thống quý báu của Sài Gòn – TP.HCM chính là điều kiện, là cơ sở hết sức thuận lợi cho tiến trình phát triển. Tuy nhiên, đứng trước bối cảnh mới của hội nhập quốc tế, sự phát triển quá nhanh về kinh tế, tốc độ di dân, tốc độ phát triển kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật của TP.HCM,... những giá trị truyền thống đang có nguy cơ biến dạng, mai một và hỗn tạp đi rất nhiều”.
PGS.TS. Lâm Nhân cho rằng, ngành văn hoá nước ta nói chung và ngành văn hoá TP.HCM nói riêng đang lúng túng trong việc bảo tồn các giá trị văn hoá và xây dựng chính quyền đô thị hiện nay, bởi công việc đó đòi hỏi phải tiến hành một cách đồng bộ và hệ thống. Mặt khác, bản thân việc xác định giá trị của từng di sản văn hoá truyền thống cũng không phải là đơn giản: Có những giá trị đã định hình trong đời sống của xã hội phong kiến liệu có giá trị với cuộc sống đương đại, hoặc phải phát huy chúng trong cuộc sống đương đại này như thế nào? Ngược lại, có những di sản rất có giá trị nhưng đã mất hoặc không còn điều kiện để nó tồn tại trong cuộc sống mới nữa thì cần phải làm gì để khôi phục và bảo tồn chúng. Đồng thời, trước những biến đổi và phát triển không ngừng của kinh tế, khoa học kỹ thuật và hội nhập quốc tế, chuẩn mực giá trị con người truyền thống liệu đã đầy đủ và phù hợp. Việc xây dựng chính quyền đô thị, yếu tố, phẩm chất con người là quan trọng. Vậy, bối cảnh hiện nay, chuẩn mực con người ở từng địa phương, khu vực và đất nước là những chuẩn mực gì và thực hiện xây dựng chuẩn mực đó như thế nào trong bối cảnh hiện tại, là vấn đề cần có những nhận thức thật thấu đáo.
Phân quyền - Điểm khó nhất của chính quyền đô thị
Nếu các phân tích trên nói về văn hóa thì PGS.TS. Nguyễn Minh Hoà, Hội qui hoạch phát triển TP.HCM phân tích về việc phân quyền mà ông cho rằng đây là điểm khó nhất của chính quyền đô thị.
Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017. PGS.TS. Nguyễn Minh Hoà cho rằng, Nghị quyết 54 đã mở ra cho TP.HCM khá nhiều quyền trong 5 lĩnh vực quan trọng nhất với 18 nội dung. Trong đó có một số nội dung quan trọng như: Thẩm quyền quản lý đất đai, Thành phố được quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; Thành phố được quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của Thành phố; Thành phố quyết định áp dụng trên địa bàn phí, lệ phí chưa có trong danh mục, được tăng mức thu phí, lệ phí trong danh mục đã ban hành; Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước; Thành phố chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức theo hiệu quả công việc.
Nhưng từ 2017 đến nay, theo PGS.TS. Nguyễn Minh Hoà thì Nghị quyết này mang lại kết quả không như kỳ vọng. Ông nói: “Vì qui trình ra quyết định không thay đổi. Chẳng hạn TP. HCM muốn thu phí cảng biển, thu phí xe hơi vào khu vực trung tâm thì phải lập đề án trình qua các bộ (Giao thông Vận tải, Kế hoạch – Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên – Môi trường), các bộ này đồng ý thì trình Thủ tướng, sau đó trình Quốc hội. Nếu chỉ cần 1 bộ không đồng ý, sẽ bị bác, hoặc đi lòng vòng mất cả năm chưa đến được bàn Thủ tướng”.
PGS.TS. Nguyễn Minh Hoà cho rằng, Việt Nam rất muốn cải cách thể chế để tăng trưởng và phát triển nhanh, hòa nhập với dòng chảy quốc tế, nhưng đây là quá trình rất khó, đầy mâu thuẫn và thách thức, cho nên cần có những bước đi thận trọng, và thật sự khoa học. Chậm trễ, nôn nóng đều không mang lại kết quả mong muốn.
Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online