Nữ tiến sĩ Việt đầu tiên nhận giải thưởng quốc tế về thần kinh

08/11/2022 15:55

Với những đóng góp xuất sắc cho nghiên cứu khoa học, TS. Hà Thị Thanh Hương (Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM) vừa giành được học bổng khoa học quốc gia L’Oreal - UNESCO For Women in Science 2022. Đây là giải thưởng duy nhất dành cho các nhà nghiên cứu khoa học nữ, những người đã vượt qua mọi rào cản để thực hiện đam mê nghiên cứu khoa học, đóng góp vào sự phát triển của văn minh nhân loại, sự bền vững của hành tinh và sức khỏe con người.

Tạo động lực cho các sản phẩm chẩn đoán bệnh Alzheimer 
Theo đó, TS. Hà Thị Thanh Hương (sinh năm 1989) - Trưởng bộ môn Kỹ thuật mô và y học tái tạo thuộc Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế (IU) - Đại học Quốc gia TP.HCM, vừa được xướng tên, giành học bổng khoa học quốc gia L’Oreal - UNESCO For Women in Science 2022. Các ứng viên được trao học bổng sẽ tiếp tục được xét duyệt đề cử cho Giải thưởng tài năng quốc tế L’Oreal - UNESCO International Rising Talent năm 2023.
Học bổng khoa học quốc gia L’Oreal - UNESCO For Women in Science 2022 dành cho tất cả các tiến sĩ nữ không quá 45 tuổi đang làm việc và nghiên cứu tại Việt Nam trong hai lĩnh vực khoa học vật liệu và khoa học đời sống, có quá trình nghiên cứu khoa học, đóng góp vào sự phát triển của khoa học Việt Nam và khu vực, với trị giá học bổng 150 triệu đồng.
Trước đó, TS. Hà Thị Thanh Hương là một trong 15 nhà nghiên cứu trẻ trên toàn thế giới được trao tặng giải thưởng Early Career Award năm 2020 của Tổ chức Nghiên cứu Não Quốc tế (International Brain Research Organization) có trụ sở tại Pháp. Đây cũng là lần đầu tiên một nữ tiến sĩ tại Việt Nam nhận được giải thưởng này. Giải thưởng Early Career Award có trị giá 5.000 Euro (khoảng 140 triệu đồng) nhằm hỗ trợ các nhà nghiên cứu chính trong giai đoạn đầu, bằng cách cung cấp thêm kinh phí thực hiện nghiên cứu. Giải thưởng được xét duyệt dựa trên chất lượng các bài báo đã từng xuất bản của ứng viên, tầm quan trọng cũng như tính thuyết phục của đề tài muốn thực hiện. Để được xét trao giải thưởng, ứng viên phải nộp đơn đăng ký trực tuyến mô tả dự án nghiên cứu hiện tại, đề xuất chỉ ra cách sử dụng các khoản kinh phí hỗ trợ và tầm quan trọng với dự án, đồng thời nộp lý lịch khoa học...
Đề tài nghiên cứu chẩn đoán bệnh Alzheimer do TS. Hương làm chủ nhiệm thực hiện cùng các cộng sự: TS. Huỳnh Chấn Khôn, TS. Ngô Thanh Hoàn, Lê Phúc Hoàng Anh, Phạm Hoài Bảo, Cao Hoàng Minh Thiện, Nguyễn Thị Trà My.
TS. Hà Thị Thanh Hương chia sẻ: “Giải thưởng lần này thực sự là bất ngờ, và vinh dự với tôi. Tôi cảm thấy may mắn khi những cố gắng của mình được ghi nhận từ Tổ chức IBRO. Đây chỉ là thành tích nhỏ, tôi sẽ còn phải cố gắng nhiều hơn nữa vì mục tiêu của tôi không phải giải thưởng, mà là những sản phẩm thực sự hữu ích cho bệnh nhân Alzheimer.
Con đường phía trước còn dài, nhưng tôi tin với sự ủng hộ của IU, của Khoa Kỹ thuật Y sinh và các đối tác từ Bệnh viện 30-4, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, nhóm của tôi sẽ tạo nên sự thay đổi tích cực trong bối cảnh chẩn đoán căn bệnh Alzheimer này”.


TS. Hà Thị Thanh Hương (phải) và cộng sự đang thực nghiệm nghiên cứu về thần kinh.


Nói về ý nghĩa của giải thưởng với công việc hiện tại, TS. Hà Thị Thanh Hương cho rằng giải thưởng lần này là nguồn động lực rất lớn cho bản thân chị cùng các cộng sự và nhóm nghiên cứu. Với nguồn kinh phí nhận được từ giải thưởng, nhóm nghiên cứu của chị có thể tiến nhanh hơn tới việc hoàn thành các sản phẩm chẩn đoán cho bệnh Alzheimer. 
Theo TS. Hà Thị Thanh Hương, Alzheimer là một căn bệnh gây tử vong cao nhất ở người lớn tuổi. Trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam, hướng nghiên cứu về Alzheimer ngày càng trở nên cấp thiết. 
“Tôi nộp hồ sơ ứng cử giải thưởng này với mục tiêu xin kinh phí cho dự án chẩn đoán Alzheimer. Hiện tại, tôi và nhóm nghiên cứu đang phát triển các công cụ giúp tăng cao độ chính xác, giảm tính xâm lấn và giảm giá thành cho chẩn đoán Alzheimer. Chúng tôi giải bài toán này với hướng tiếp cận đa chiều, vừa ứng dụng trí tuệ nhân tạo lên phân tích ảnh MRI, vừa sử dụng các công cụ sinh học phân tử có tính đột phá lớn như giải trình tự RNA trong mẫu máu” - TS. Hương chia sẻ.
Ngoài ra, mô hình chẩn đoán ứng dụng trí tuệ nhân tạo của nhóm TS. Hương còn lọt vào Top 20 của Cuộc thi Đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức vào tháng 9/2020.

Đam mê sinh học từ nhỏ
Nói về con đường dẫn tới việc nghiên cứu khoa học hiện nay, TS. Hà Thị Thanh Hương cho biết chị đam mê ngành sinh học từ nhỏ. Thời gian học THPT ở Trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TP.HCM, chị đã đạt nhiều thành tích nổi bật như: Giải Nhất Học sinh Giỏi cấp Thành phố năm lớp 11, 12; Giải Khuyến khích Học sinh Giỏi cấp Quốc gia môn Sinh học.
Năm 2007, TS. Hương thi đậu vào ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) với điểm số khá cao. Thời gian theo học đại học, chị say mê học tập nghiên cứu, tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa nên nhận được Học bổng Lawrence S. Ting (2009 - 2010), Odon Vallet (2011) và đạt danh hiệu sinh viên 5 Tốt cấp Thành phố...
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp đạt danh hiệu Thủ khoa ngành Công nghệ sinh học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), chị tham gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU) tại Việt Nam. Cũng trong thời gian này, chị nộp hồ sơ học bổng VEF (Quỹ Giáo dục Việt Nam) để theo đuổi ước mơ đặt chân tới Đại học Stanford (Hoa Kỳ). Một kết quả ngoài mong đợi. Sau đó, TS. Hương nhận được thêm học bổng danh giá của cựu sinh viên Đại học Stanford để trở thành nghiên cứu sinh ngành Thần kinh học (mỗi năm 2 suất) với trọng tâm là nghiên cứu về bệnh tự kỷ. Đây cũng là một quyết tâm mà chị theo đuổi bấy lâu.
Năm 2018, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ngành Thần kinh học tại Đại học Stanford, TS. Hương lập tức trở về Việt Nam nhằm tìm kiếm những giải pháp cho các bài toán liên quan tới não bộ, góp phần nâng cao sức khỏe trí tuệ và tinh thần của người Việt Nam. 


TS. Hương cùng các cộng sự thực hiện đề tài.


Nói về cơ duyên để chọn và gắn bó với Khoa Kỹ thuật Y sinh của IU, TS. Hà Thị Thanh Hương cho biết: “Tôi biết đến Khoa Kỹ thuật Y sinh là nhờ những câu chuyện về các tấm gương sáng như PGS.TS. Nguyễn Thị Hiệp, GS.TS. Võ Văn Tới... Trước khi chính thức trở về Việt Nam, tôi đã tìm hiểu các hướng nghiên cứu quan trọng, khả thi ở Việt Nam, đồng thời nhận thấy Khoa Kỹ thuật Y sinh là môi trường phù hợp nhất với mình theo nhiều khía cạnh khác nhau. 
Thứ nhất là môi trường làm việc rất hòa đồng, tích cực, các đồng nghiệp luôn hỗ trợ lẫn nhau. Thứ hai, các cơ sở vật chất ở đây, chuyên môn của các đồng nghiệp, năng lực của sinh viên đều rất tốt và cho phép tôi thực hiện những dự án giao thoa trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Các đơn vị khác trong IU như Khoa Công nghệ Sinh học hỗ trợ tôi rất nhiều trong việc sử dụng máy móc thí nghiệm. Thứ ba, nhà trường và Đại học Quốc gia TP.HCM rất chú trọng chất lượng nghiên cứu và giảng dạy, luôn hỗ trợ giảng viên tối đa trong quá trình công tác. Chúng tôi thiết lập mối quan hệ hợp tác với các bệnh viện, các viện nghiên cứu ở nước ngoài khá thuận lợi và giảng viên mới như tôi được hỗ trợ kinh phí để khởi động nghiên cứu. Thứ tư, ngôn ngữ giảng dạy ở đây là tiếng Anh, nên tôi nhanh chóng hòa nhập và ứng dụng kiến thức của mình...”. 
Chia sẻ dự tính về những sản phẩm hữu ích cho bệnh nhân Alzheimer trong tương lai, chị cho biết: “Những công cụ do nhóm phát triển trong tương lai chủ yếu phục vụ cho cán bộ y tế sử dụng. Tuy nhiên, nhóm cũng đang mong muốn phát triển những công cụ để người bình thường có thể sử dụng. Đó là một số phép tính toán để xác định khả năng tính toán của người cao tuổi, phân tích giọng nói... Người tham gia trả lời các bảng câu hỏi để đánh giá mức độ nhận thức. Trong tương lai, các công cụ này sẽ được đưa đến tận tay người lớn tuổi thông qua app điện thoại để ai cũng có thể tự sàng lọc mức độ bệnh của mình ngay tại nhà...”.
Với một tiến sĩ vừa bước qua ngưỡng 30 có lẽ con đường nghiên cứu phía trước còn khá dài với những điều thú vị đang chờ đón. Đồng thời, các bệnh nhân Alzheimer cũng có cơ sở để hy vọng về một giải pháp tối ưu cho căn bệnh này từ TS. Thanh Hương và nhóm nghiên cứu của chị. 


TS. Hương báo cáo tại Cuộc thi Đổi mới sáng tạo của Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM.
 

“Với tư cách là đồng nghiệp của Hương, tôi thấy Hương hòa nhã với tất cả mọi người. Lúc nào Hương cũng vui vẻ, hòa đồng và đoàn kết cùng anh em trong trường, trong đơn vị Khoa. Hương luôn gắn bó với các bạn trong mọi công tác và cũng được tất cả mọi người quý mến. Hơn thế nữa, tôi thấy Hương rất dễ tương tác và cởi mở nên khi phối hợp công việc với Hương, mọi thứ triển khai rất nhanh và đạt kết quả thuận lợi. 
Với tư cách là một người phụ nữ, tôi thấy Hương rất đảm đang. Không chỉ là một Trưởng Bộ môn giỏi, lãnh đạo anh em trong Bộ môn làm việc và nghiên cứu mà Hương còn thu vén việc nhà rất giỏi. Hương luôn chu toàn công việc tại gia đình để chồng yên tâm tham gia những dự án nghiên cứu lớn khác để phát triển sự nghiệp của chồng. Có thể nói, Hương là mẫu phụ nữ 2 giỏi tiêu biểu.
Với tư cách là lãnh đạo trực tiếp của Hương, tôi thấy Hương là một người sốt sắng, luôn cố gắng hết sức để hoàn thành tốt tất cả công việc của mình. Không chỉ với công việc được giao, Hương còn chủ động, xung phong nhận công việc do lãnh đạo đưa ra với tinh thần trách nhiệm cao. Hương còn tổ chức thêm công việc tư vấn tuyển sinh, hỗ trợ các em lớp Hương chủ nhiệm. Hương đã tổ chức các buổi nói chuyện thân tình, mời cựu sinh viên về chia sẻ động viên các tân sinh viên để các bạn thêm yêu nghề đã chọn và giúp sinh viên tràn trề quyết tâm đi hết con đường. Hương còn cố gắng kết nối với các doanh nghiệp để đem học bổng về cho sinh viên và học viên của mình, giúp các em yên tâm học tập và nghiên cứu. Rõ ràng, không phải giảng viên nào cũng tận tâm như vậy với sinh viên của mình như Hương đã làm. 
Hương có tinh thần tập thể rất cao, trong bất kỳ công việc gì, Hương cũng đều nghĩ cho tập thể. Đặc biệt, trong nghiên cứu khoa học, về đề tài Thần kinh, Hương rất say mê. Có thể nói, đây là đề tài Hương dùng cả đời khoa học để theo đuổi. Không dừng lại ở đó, Hương còn liên tục đem về những giải thưởng quốc tế, giải thưởng của quốc gia trong nhiều năm liên tục. Tôi cảm thấy Khoa Kỹ thuật Y sinh của tôi may mắn khi có Hương làm giảng viên...” -

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Hiệp 
(Trưởng Khoa Kỹ thuật Y sinh Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM)


 

NGỌC CHƯƠNG

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp