Nữ Tiến sĩ tâm huyết lan tỏa những giá trị tích cực

31/03/2023 15:19

Là giảng viên khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM, TS. Nguyễn Thị Quốc Minh đã dành nhiều thời gian, tâm huyết cho nghiên cứu về cộng đồng LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới), trong đó bao gồm cả văn học LGBT. Cô được đồng nghiệp, bạn bè nhắc tới với hình ảnh đẹp, rất đỗi thân thương: “đóa sen hồng tỏa ngát hương xuân” -  vì nó gắn với quê hương Đồng Tháp của cô.

Vốn được đào tạo bài bản, chỉn chu từ ngôi trường nổi tiếng về chất lượng học thuật là Đại học Sư phạm Hà Nội, TS. Quốc Minh đã thể hiện trình độ và tâm huyết của mình thông qua  nghiên cứu khoa học cùng những công việc khác hết sức hữu ích.

Mạnh dạn nghiên cứu sâu về người LGBT

TS. Nguyễn Thị Quốc Minh cho biết, từ năm 2019-2022, chị có 3 lần được 3 trường Đại học  Hoa Kỳ mời sang tham dự và trình bày tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế về vấn đề của người LGBT (trong đó có 1 lần là do dịch Covid-19 nên thực hiện online). Ngoài ra, tại các Hội thảo Khoa học Quốc tế và Hội thảo Khoa học Quốc gia tổ chức tại Việt Nam, TS. Quốc Minh cũng thường xuyên tham gia với những bài nghiên cứu sâu về người LGBT ở các góc độ văn học, đời sống xã hội.


TS.Nguyễn Thị Quốc Minh.

Trong đó, đáng chú ý là tham luận “Sự thay đổi quan niệm về LGBT trong xã hội Việt Nam đương đại: Văn học LGBT từ cấm kị, rụt rè đến cởi mở, thẳng thắn - Trường hợp tiểu thuyết của Bùi Anh Tấn” tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Việt Nam học ngày nay” (VietNamese Studies Today) do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức. Bài tham luận đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các chuyên gia và đông đảo người tham dự. Hoặc tại Hội thảo “Thực hành, thực tập công tác xã hội: Kinh nghiệm quốc tế và thực tế ở Việt Nam” do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM, tổ chức, TS. Quốc Minh tham gia với bài tham luận “Nâng cao nhận thức cho cộng đồng về người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT)…

Vừa qua, nữ Tiến sĩ đã nghiệm thu thành công đề tài NCKH cấp tỉnh “Xây dựng mô hình hỗ trợ đời sống văn hóa, giáo dục và nghề nghiệp cho người LGBT ở tỉnh Bến Tre”, đề tài được đánh giá cao về chất lượng, ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

Khi được hỏi về những dự định tiếp theo trong tương lai, TS. Quốc Minh cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu này nhưng có thể sẽ mở rộng biên độ, tích hợp và liên ngành nhiều hơn. Đối với , việc nghiên cứu về cộng đồng LGBT cũng như LGBT trong văn học đến như một cơ duyên. Tuy nhiên, dấn thân vào một lĩnh vực mới và đầy nhạy cảm cùng nhiều định kiến, chắc chắn con đường nghiên cứu sẽ không dễ dàng.  

“Tôi vẫn biết rằng khi chọn đi con đường mới thì dễ gặp những trở ngại, những khó khăn, nhất là khi đề cập đến cộng đồng LGBT là một vấn đề khá nhạy cảm. Hiện nay, có rất nhiều luồng ý kiến, quan niệm trái chiều nhau về LGBT, do đó  những gập ghềnh, khó khăn kia chắc chắn còn nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn tin vào bản thân mình, tin những gì mình làm xuất phát từ trái tim, từ sự say mê và đặc biệt đó là khoa học chân chính thì nhất định sẽ có những hoa thơm quả lành. Tôi tin và vui với công việc của mình” - TS. Quốc Minh bày tỏ.

Truyền và lan tỏa những cảm hứng tích cực cho học sinh

Hiện TS. Quốc Minh là một trong những diễn giả đang rất “hot” và được yêu quý thông qua những lần tập huấn, những buổi báo cáo với nội dung nhiều ý nghĩa và phong cách trẻ trung, đầy năng lượng tích cực của cô.


TS. Quốc Minh trong một sự kiện lan tỏa những điều tích cực cho các em học sinh.

Những vấn đề mà cô quan tâm chia ra theo từng độ tuổi, cấp học khác nhau. Chẳng hạn như ở cấp Tiểu học thì cô hay nói về Rèn luyện hành vi, thói quen có ích; Phương pháp đọc sách hiểu quả... Ở cấp THCS, THPT và với sinh viên ở các trường đại học thì cô thường nói về vấn đề Tình bạn - tình yêu tuổi học trò; Vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì; Giúp gen Z vượt qua khủng hoảng; Quản lý cảm xúc... Những buổi báo cáo của cô thường thu hút rất đông người đến tham dự. Không chỉ có học sinh, sinh viên tâm đắc với nội dung, cách trình bày của cô mà đến ngay cả giáo viên, lãnh đạo nhà trường và phụ huynh cũng rất quan tâm, yêu thích...

TS. Quốc Minh chia sẻ, cô hiểu và nói ra được những điều này không đơn thuần chỉ vì đọc sách, nghiên cứu nhiều tài liệu mà chính bản thân cũng đã từng có những giai đoạn khó khăn, áp lực và khủng hoảng. Do đó, cô hiểu giá trị của một lời khuyên đúng, chân thành cũng như biết lắng nghe, thấu cảm và chia sẻ sẽ là liệu pháp chữa lành tâm hồn hiệu quả. Nó như những cơn mưa mát lành làm dịu đi cái oi ả, gay gắt cho cây xanh lại đâm chồi nảy lộc. Nó tiếp thêm sức mạnh, giúp cho chúng ta có cảm giác nương tựa ấm áp, thoát khỏi suy nghĩ cô đơn, bi quan...” - TS. Quốc Minh chia sẻ.


TS. Nguyễn Thị Quốc Minh làm giám khảo cuộc thi “Duyên dáng giao thông”.

Theo TS Quốc Minh, trong giai đoạn bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số, của thông tin và truyền thông đại chúng, người ta kỳ vọng và gắn cho các bạn trẻ gen Z những tính từ thật mỹ miều: năng động, trẻ trung, dám nghĩ dám làm, thay đổi thế giới, định hướng tương lai… Tưởng chừng đó sẽ là biểu hiện của sự hòa nhập, của lối sống lạc quan, nhưng chỉ cần ngắt wifi, tắt màn hình, ta mới nhận ra đó chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm. Nói cách khác, sự kỳ vọng lớn luôn đi kèm với áp lực, cô đơn.

ột số không nhỏ các bạn trẻ gen Z ngại đối mặt, ngại giao tiếp và rồi ném mình vào thế giới ảo để bộc bạch bản thân. Một lớp mặt nạ vững chắc được tạo ra để bảo vệ cho phần yếu mềm và chẳng dám thể hiện. Đến khi trở về với thế giới thực, gen Z có lẽ còn cảm thấy áp lực hơn gấp trăm nghìn lần, nỗi sợ khi phải bước ra khỏi vùng an toàn để hòa vào với môi trường mới, sự gồng mình của những đứa trẻ học cách làm quen với thế giới bao la của người lớn... Tất cả những cảm xúc đó cứ xáo trộn và đeo bám đến ám sợ.


TS. Nguyễn Thị Quốc Minh tham dự một sự kiện tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Các bậc cha mẹ thì càng lúc càng dành thời gian cho con ít đi, đồng nghĩa với việc những đứa trẻ sẽ phải tự giải quyết những vấn đề của mình mà không có sự trợ giúp đến từ người lớn. Sự thấu cảm thì ít ỏi nhưng sự kỳ vọng và so sánh với con nhà người ta để ép con nhà mình phải cho bằng hoặc hơn thì rất nhiều... Và thế là chỗ dựa tinh thần cuối cùng cũng mất đi, cánh cửa phòng đóng lại, cánh cửa lòng cũng vì thế mà kiên cố hơn. Các bạn trẻ gen Z đang gặp phải vấn nạn là “cô đơn trong chính ngôi nhà của mình”; “cô đơn trên mạng xã hội với 5 triệu bạn bè”, và các bạn có xu hướng căng thẳng, trầm cảm, có suy nghĩ tự tử thậm chí thực hiện hành vi tự tử...” -  TS. Quốc Minh chia sẻ.

Hiểu được vấn đề trên nên TS. Quốc Minh luôn có những câu chuyện truyền cảm hứng tích cực không chỉ cho các bạn gen Z mà ngay chính các bậc cha mẹ cũng rất cần và hứng thú với những buổi chia sẻ của cô.

Dẫu biết rằng, trong điều kiện khi mà con người quá nhiều thứ để lựa chọn tốt hơn thì việc chọn cho mình một hướng đi riêng với nhiều gập ghềnh là điều không mấy dễ dàng. Tuy nhiên, điều đáng mừng là ở TS.Quốc Minh vẫn luôn thắp lên ngọn lửa, một tinh thần sẵn sàng dấn thân cho nghiên cứu khoa học, cho cộng đồng LGBT và lan tỏa những điều tích cực.

Giảng viên Idol” của nhiều bạn trẻ

Bên cạnh việc giản dạy, NCKH, TS. Nguyễn Thị Quốc Minh còn tham gia làm giám khảo cho những cuộc thi như “Hội thi Hùng biện Khi thanh niên nói 2023”, “The Face HCMUE”, “Duyên dáng giao thông”... Vì vậy số lượng các bạn sinh viên ở các trường đại học trên địa bàn TP.HCM biết đến cô rất nhiều và trìu mến gọi cô là “giảng viên Idol”.

Như Ý

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp