Những thách thức của ngành nông nghiệp trong năm 2023

16/01/2023 10:38

Trong năm 2022 vừa qua, ngành NN&PTNT vẫn tiếp tục đà tăng trưởng khá cao, toàn diện dù gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu trong năm 2023, Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt ít nhất 55 tỉ USD. 

 

Ngành nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế trong năm 2022

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản cả năm đạt trên 53 tỉ USD - hoàn thành chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao phó một năm trước đây. Tin vui khác là xuất siêu sản phẩm nông nghiệp chiếm tới hơn 75% tổng giá trị xuất siêu toàn nền kinh tế năm 2022.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ thêm: “Những tin vui đó nhờ sự đồng hành của các bộ, ngành trung ương và địa phương, đã chung tay kết nối, quảng bá, xúc tiến sâu rộng thương mại nông sản cả trong và ngoài nước. Và tinh thần năng động, vượt khó của các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, cùng nụ cười tươi tắn của bà con nông dân trên khắp cả nước”. 

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, kết quả này có được là nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Đảng và Chính phủ cũng như tinh thần vượt khó của toàn thể bà con nông dân, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

"Thực sự rất vui vì trong một năm khó khăn nhưng Bộ NN&PTNT đã vượt khó do biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu hướng tiêu dùng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022" - Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả đạt được của Bộ NN&PTNT. Thủ tướng nhấn mạnh qua nhiều thăng trầm, ngành nông nghiệp càng khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế trong bất kỳ hoàn cảnh nào.


Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp bên lề hội nghị. Ảnh: C.Tuệ/Plo.

Hướng tới 2023 rực rỡ hơn nữa

Năm 2023, tình hình thế giới được dự báo là ngày càng khó đoán. Hàng loạt cảnh báo liên tục được đặt ra về sự sụt giảm của các đơn hàng quốc tế (trong đó có mặt hàng gỗ và lâm sản mà năm 2022 đã đạt tổng kim ngạch xuất khẩu tới 17,09 tỷ USD, xuất siêu tới 14,1 tỷ USD trong khi tổng xuất siêu của cả ngành nông lâm thủy sản chỉ đạt 8,5 tỷ USD).

Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng đánh giá ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với ba chữ “biến”, đó là “biến đổi khí hậu", "biến động thị trường", "biến chuyển xu thế tiêu dùng”. Bộ NN&PTNT có tâm thế sẵn sàng, chuẩn bị để thích ứng cho các điều kiện, tình huống khác nhau.

Với những khó khăn, thách thức của năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục tìm tòi, sáng tạo, tự tin, bản lĩnh, linh hoạt trong điều hành sản xuất. 

Về một số chỉ tiêu trong năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành nông nghiệp đạt mức kỳ vọng tốc độ tăng trưởng 3,5% cùng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt ít nhất 55 tỉ USD cho Bộ NN&PTNT. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đưa ra các nhiệm vụ cụ thể như giảm các thủ tục hành chính; hoàn thiện các thể chế, tập trung tháo gỡ các vướng mắc từ thực tiễn; tham gia xây dựng các luật, đặc biệt là Luật đất đai.

"Tôi tin chắc Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo ngành nông nghiệp làm được vì đã có kinh nghiệm vượt khó năm 2022" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2022.


Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: SGGP.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ VH TT&DL và Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp rà soát lại các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí về văn hóa, hướng đến xây dựng làng quê, nông thôn Việt Nam đẹp hơn, văn minh hơn.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đề xuất một số nội dung hợp tác giữa hai Bộ gồm tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành sản xuất để nâng tầm nông sản Việt; xây dựng chính sách thúc đẩy thương mại biên giới, chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Cùng đó, đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các đối tác nước ngoài để tăng số lượng các mặt hàng nông lâm thủy sản được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc.

Chú trọng nâng cao các chương trình xúc tiến thương mại, đặc biệt trên nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến xuất khẩu, tiêu thụ nông sản; thực hiện có hiệu quả phòng vệ thương mại, xử lý các tranh chấp, vụ kiện trong thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

PV

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp