Tuy nhiên, do lo ngại nguy cơ dung nạp các chất tiềm ẩn đe dọa sức khỏe (như hormone, thuốc trừ sâu, kháng sinh) trong sữa bò, ngày càng có nhiều người chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế có nguồn gốc thực vật, với thành phần dinh dưỡng tương đương các sản phẩm sữa.
Ngoài dự phòng mối nguy sức khỏe, nhiều người chọn dùng thực phẩm thay thế sữa vì những lý do khác, như:
Không dung nạp lactose
Hơn 75% dân số thế giới không có khả năng sản xuất đủ lactose - enzyme cần thiết để tiêu hóa loại đường cùng tên có trong sữa bò. Điều này dễ khiến họ gặp các vấn đề tiêu hóa như chướng bụng, đầy hơi và tiêu chảy khi tiêu thụ sản phẩm từ sữa.
Ăn chay
Với những người theo đuổi chế độ ăn chay thuần túy, họ “cai” tất cả sản phẩm có nguồn gốc động vật. Còn ở những người theo chế độ ăn chay có trứng, thì tuy có dùng trứng công nghiệp nhưng họ không ăn thịt và không uống sữa động vật, gồm cả sữa bò.
Dị ứng sữa
Tuy hầu hết trẻ nhỏ đều tự khỏi bệnh dị ứng sữa, song tình trạng này dễ khiến các bé gặp phải các triệu chứng từ nổi mề đay, đau bụng cho đến sốc phản vệ.
Nghiên cứu khoa học cho thấy việc giảm hoặc loại bỏ chế phẩm từ sữa có thể giúp cải thiện sức khỏe tâm thần và thể chất theo nhiều cách. Dưới đây là những thực phẩm thay thế sản phẩm từ sữa:
Sản phẩm thay thế sữa bò
Sữa đậu nành: Đây là loại sữa có hàm lượng dinh dưỡng cân bằng nhất trong các loại sữa thay thế có nguồn gốc thực vật, phù hợp cho người mắc chứng không dung nạp lactose.
Sữa hạnh nhân: Khi không pha thêm đường, sữa hạnh nhân có hàm lượng calorie và chất bột-đường (carbohydrate) thấp, nên cũng thích hợp với người đang áp dụng chế độ ăn ít carbohydrate.
Sữa yến mạch: Không chỉ có vị ngọt dịu tự nhiên, sữa yến mạch còn bổ dưỡng và chứa nhiều chất xơ hòa tan, vitamin và canxi, trong khi có hàm lượng chất béo bão hòa thấp. Loại sữa này có hàm lượng calorie và carbohydrate cao nhất và luôn là lựa chọn số 1 cho những ai bị dị ứng gluten.
Sữa dừa: So với các loại sữa thực vật khác, sữa dừa - ép từ cơm dừa (cái dừa) chứa một lượng nhỏ chất béo trung tính triglyceride, có lợi cho sức khỏe tổng thể.
Sữa gạo: Sữa gạo được làm từ gạo xay với nước nên có vị ngọt nhẹ hoặc hương vị đa dạng tùy theo gạo nguyên liệu. Vì làm từ hạt gạo nên sữa gạo chứa hàm lượng cao carbohydrate.
Sản phẩm thay thế bơ sữa
Trên thị trường hiện có nhiều loại dầu thực vật có thể dùng thay thế cho bơ sữa, điển hình như dầu dừa, dầu ôliu hoặc bơ làm từ các loại hạt như hạnh nhân, hạt điều, hạt phỉ, đậu phộng, hạt dẻ cười. Nước sốt trái bơ hoặc chuối cũng có thể là lựa chọn thay thế cho bơ sữa để tăng vị béo cho món ăn.
Sản phẩm thay thế phô-mai
Để thay thế cho phô-mai mềm, có thể dùng các dạng kem phô-mai làm từ đậu nành và các loại hạt, cũng như các loại phô-mai không chứa sữa bò, không chứa gluten và không chứa đậu nành được làm từ các loại dầu thực vật, tinh bột khoai mì và prôtêin đậu. Còn phô-mai cứng không sữa bò thường được làm bằng đậu hủ vụn.
Sản phẩm thay thế sữa chua
Sữa chua được lên men từ nguyên liệu có nguồn gốc thực vật vẫn đảm bảo việc bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột. Một số loại sữa chua không chứa sữa bò phổ biến gồm có sữa chua làm từ sữa dừa, sữa hạnh nhân và sữa đậu nành.
Sản phẩm thay thế kem sữa bò
Có nhiều lựa chọn thay thế cho kem sữa bò, trong đó có kem trái cây, có thể dễ dàng làm tại nhà bằng cách đông lạnh tùy thích trái cây tươi - như món kem chuối hay kem bơ chẳng hạn, hoặc kem làm từ sữa thực vật như sữa dừa và sữa đậu nành. Một “điểm cộng” của kem không sữa bò là chúng thường có hàm lượng calorie và chất béo thấp hơn.
Nhìn chung, có rất nhiều lựa chọn để chúng ta có thể thay thế các chế phẩm từ sữa bò. Song nếu không thể tự chế biến mà phải mua loại làm sẵn, bạn nhớ đọc kỹ thành phần của sản phẩm nhằm đảm bảo chúng không chứa chất phụ gia có hại cho sức khỏe như chất làm đặc, hương liệu nhân tạo, chất bảo quản...
Theo Boldsky
Theo Tạp chí Sức Khoẻ Cộng Đồng