Những nhà giáo được vinh danh trên “bảng vàng” khoa học danh giá

14/11/2022 15:17

Nhà giáo tận tụy với giảng dạy, họ còn đam mê nghiên cứu khoa học và đạt được những thành quả đáng nể, được ghi nhận ở các giải thưởng quốc tế và trong nước.

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng, giám đốc Trung tâm công nghệ lọc hóa dầu, Trường đại học bách khoa TP.HCM, là người đã đạt giải sáng tạo xuất sắc nhất Giải thưởng sáng tạo Châu Á của Quỹ toàn cầu Hitachi năm 2022, với công trình “Advanced Bio-based Aerogels from Agricultural Waste for Water Treatment - Chế tạo vật liệu tiên tiến Aerogel từ chất thải nông nghiệp để xử lý nước". Giải thưởng trị giá 3 triệu yên, tương đương khoảng 540 triệu đồng. Giải thưởng này vinh danh nghiên cứu của PGS.TS Lê Thị Kim Phụng và các cộng sự vì đã phát triển kỹ thuật sản xuất vật liệu cellulose aerogel tính năng cao từ nguồn phế phẩm nông nghiệp, theo hướng sản xuất thân thiện với môi trường và khả thi về kinh tế.

Aerogel được biết đến là một loại vật liệu nhẹ nhất thế giới, có tính năng cao và được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực. Yếu tố làm nên tính đặc sắc của sản phẩm là nguyên liệu aerogel composite mang cả cốt sợi cellulose và chất kết dính, như hemi và lignin, giúp cải thiện cơ tính và có nguồn gốc sinh học. Công nghệ sấy thăng hoa cải tiến giúp tiết kiệm thời gian và năng lượng sản xuất, cải tạo được tính năng vật liệu, có thể nâng cấp lên quy mô công nghiệp và không sử dụng dung môi hóa chất như các công nghệ hiện hành. Sản phẩm cellulose aerogel có khối lượng riêng, độ rỗng, khả năng hấp phụ kim loại nặng, dung môi hữu cơ, màu vượt trội so với các sản phẩm trên thị trường.


PGS.TS Lê Thị Kim Phụng (giữa) trong buổi hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng cho biết, hiện quy trình đã được phát triển trên quy mô phòng thí nghiệm và quy mô pilot, đã đăng ký sáng chế. Với giải thưởng này, dự án sẽ phát triển ứng dụng trên nước thải công nghiệp.

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng từng được Tạp chí khoa học Asian Scientist (Singapore) bình chọn là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2017.

Trước đó, vào năm 2016, PGS. Kim Phụng đã được trao Giải thưởng nhà khoa học ASEAN - Hoa Kỳ dành cho các nhà khoa học nữ công tác trong lĩnh vực khoa học ứng dụng.

"Xuất thân từ nông dân nên tôi yêu thích nông nghiệp. Dù chọn theo học trường kỹ thuật nhưng tôi vẫn muốn làm gì đó liên quan tới nông nghiệp", PGS. Kim Phụng nói về việc chị lựa chọn hướng nghiên cứu ứng dụng, năng lượng tái tạo và biomass - biến phế phẩm trong nông nghiệp thành năng lượng và các vật liệu sử dụng được.

Tự nhận mình là người phụ nữ cá tính, PGS. Kim Phụng luôn muốn làm những chuyện bất ngờ. Đầu tiên là việc chị chọn thi vào Trường ĐH bách khoa và trúng tuyển năm 1994. Sau đó, chị đã chứng tỏ được không chỉ có con trai mới học giỏi ở trường kỹ thuật, với tấm bằng tốt nghiệp kỹ sư xuất sắc, đạt huy chương vàng khoa kỹ thuật hóa học, được nhà trường giữ lại để đào tạo thành giảng viên.


Đi thực địa tìm cách phát triển cây thanh long

PGS.TS. Lê Thị Kim Phụng cũng là trưởng nhóm nghiên cứu kỹ thuật quá trình bền vững của Trường đại học bách khoa TP.HCM. Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của nhóm là phát triển kỹ thuật và công nghệ cao chuyển hóa các nguồn phế phụ phẩm, chất thải nông nghiệp, công nghiệp và thủy sản thành các sản phẩm có giá trị kỹ thuật cao và năng lượng tái tạo, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam theo định hướng nông nghiệp bền vững.

Hiện tại nhóm đã và đang chủ trì thực hiện hơn 5 đề tài cấp nhà nước, 10 đề tài cấp tỉnh, thành phố, cấp đại học quốc gia, nhiều đề tài cấp cơ sở cũng như nhiều giải pháp hữu ích. Hàng năm nhóm thực hiện công bố trung bình trên 10 bài báo tại các tạp chí và hội nghị quốc tế uy tín. Nhóm hiện đang có hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu trong khu vực và trên thế giới, cũng như phối hợp với nhiều công ty ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất thực tế.

Từ 37 ứng viên xuất sắc gửi hồ sơ tham dự, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ khoa học và công nghệ đã lựa chọn 10 gương mặt tài năng trẻ để trao giải thưởng Quả cầu vàng 2022. Trong đó, TS.Lương Văn Thiện, trưởng nhóm nghiên cứu AioT, giảng viên khoa công nghệ thông tin, Trường đại học Phenikaa vinh dự nhận giải thưởng.

Anh là tác giả chính của công trình khoa học lần đầu tiên trên thế giới áp dụng thành công mạng nơ ron học sâu vào trong miền tín hiệu thời gian của hệ thống thông tin quang, dựa trên kỹ thuật phân chia theo tần số sóng mạng trực giao (OFDM), giúp không những tăng gấp đôi tốc độ truyền dữ liệu mà còn giảm đáng kể tỷ lệ lỗi bit (BER) và tỷ số công suất trung bình (PAPR), chỉ số này cao sẽ làm biến dạng tín hiệu.


TS.Lương Văn Thiện (giữa) cùng các sinh viên của mình nghiên cứu khoa học

TS.Lương Văn Thiện là một nhà giáo say mê nghiên cứu khoa học và anh luôn mong muốn truyền cảm ứng đó cho các thế hệ sinh viên, đặc biệt là cả sinh viên năm nhất.

Anh cho biết: “Hầu hết số đông sẽ nghĩ sinh viên năm nhất chưa biết gì đâu, nền tảng chưa có, ... làm sao mà nghiên cứu đỉnh cao được. Thật ra không phải vậy”.

Ở AIoT Lab, TS. Lương Văn Thiện đã chứng minh điều ngược lại, ngay sau khi trở về nước từ Anh và nhận rất nhiều các bạn sinh viên năm nhất, lúc đó là K15 vào Lab. Đến thời điểm này, sau hơn một năm, các em sinh viên năm nhất đó đã thành những nhà nghiên cứu trẻ rất “cừ khôi”, tự tin làm những nghiên cứu về công nghệ AI mới nhất, “hót” nhất hiện tại. Có em còn đạt giải nhất Cuộc thi sinh viên NCKH và có bài báo được chấp nhận ở hội nghị khoa học quốc tế uy tín (đều là first author).


TS.Lương Văn Thiện hướng dẫn sinh viên học trên máy tính

Khi nhận được giải thưởng, anh cho biết: “Mình rất vinh dự khi đạt giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng dành cho các nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2022. Giải thưởng là sự ghi nhận, động viên rất lớn cho sự nỗ lực của mình sau hơn 1 năm trở về nước giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tạo ra những giải pháp công nghệ hữu ích. Đặc biệt là dẫn dắt các em sinh viên trong AIoT Lab, khoa CNTT, Trường đại học Phenikaa”.

Anh Thư

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp