Được mệnh danh là vùng đất Tổ linh thiêng, nơi cội nguồn dân tộc, Phú Thọ không chỉ có nền văn hóa lâu đời, với những đền, chùa cổ kính, các làng nghề truyền thống, các lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc, khu di tích lịch sử, văn hóa có giá trị to lớn....mà vùng đất này còn nổi tiếng với rất nhiều đặc sản hấp dẫn, độc đáo mà hiếm nơi nào trên dải đất hình chữ S có được.
Thịt chua
Thịt chua là món ăn đặc sản của người dân tộc Mường tại Phú Thọ. Món ăn này có hương vị rất đặc biệt không thể lẫn vào đâu được.
Thịt dùng để làm thịt chua phải là phần thịt ba chỉ và phần thịt nạc thai. Sau đó thịt sẽ được lên men theo công thức đặc biệt của người Mường. Thịt chua ngon nhất phải kể đến thịt chua của vùng Thanh Sơn, lợn ở đây được người dân nuôi chủ yếu bằng rau củ và trái cây rừng nên có hương vị thơm ngon tự nhiên.
Thịt chua thường được ăn kèm với các loại rau sống như lá sung, đinh lăng, chấm cùng với tương ớt. Món ăn này có thể dùng làm món ăn chơi, món nhậu hoặc món ăn trong bữa cơm gia đình, cỗ, tiệc đều rất phù hợp.
Rau sắn
Chắc hẳn củ sắn thì hầu như ai cũng biết, thế nhưng còn rau sắn thì không hẳn ai cũng từng nghe qua. Rau sắn thực chất là loại rau được mọc cùng với củ sắn. Phần rau sắn sẽ được người dân hái về, vò nát, ngâm vào nước để cho bớt nhựa, sau đó sẽ được đem đi trộn với muối, ướp gia vị và được ủ trong khoảng từ 4 - 5 ngày.
Rau sắn được sử dụng giống như dưa, cà muối, trở thành một món ăn kèm cùng với các món chính. Vị chua chua của rau sắn hòa quyện với vị của những món ăn khác khiến người ăn cứ muốn húp xì xụp mãi không thôi.
Cọ ỏm
Cọ ỏm là loại củ có hình dáng nhỏ, tròn, bên trong phần nhân có hương vị mềm dẻo. Cọ ỏm ngon phải thuộc giống cọ nếp. Các chế biển của cọ ỏm rất đơn giản, chỉ cần một nồi nước sôi, sau đó đổ cọ ỏm vào, 5-10 phút sau thì vớt ra là có thể thưởng thức được. Ngoài cách chế biến này, người dân Phú Thọ còn thường chế biến thành món dưa cọ có hương vị chan chát, mặn mặn giống như dưa, cà muối bình thường.
Bưởi Đoan Hùng
Bưởi Đoan Hùng là loại bưởi được trồng ở vùng Đoan Hùng, Phú Thọ, đặc biệt là xã Chí Đám và Bằng Luân. Tép bưởi Đoan Hùng trắng, mềm, ngọt nước, thơm ngất ngây mê hoặc người ăn đến từng múi bưởi cuối cùng. Bưởi Đoan Hùng từ lâu đã có một thương hiệu riêng, khó có thể nào lay chuyển được. Đây cũng là đặc sản Phú Thọ làm quà được rất nhiều người lựa chọn.
Cơm nắm lá cọ
Mảnh đất Phù Điêu (Phú Thọ) là mảnh đất chuyên làm ra những sản vật làm từ cọ như nón lá cọ, mành cọ, và trong đó có cả món cơm nắm lá cọ. Cơm nắm lá cọ được chế biến từ gạo nấu chín, sau đó sẽ được xới ra, nắm tròn, lăn kĩ.
Sau đó cơm sẽ được lăn qua tàu lá cọ, nhưng đặc biệt phải là lá cọ ở những mọc thấp, ngang thắt lưng, còn non. Cơm nắm lá cọ thường được ăn cùng muối vừng, muối xả, sườn lợn rang muối.
Rêu đá
Rêu đá là loại rêu thường được trồng ở những khu vực gần sông suối, ở những chỗ trũng ẩm thấp. Người dân khi đi thu hoạch rêu đá mang về thường phải phải rửa thật sạch để loại bỏ phần nhớt ở bên ngoài. Món ăn nổi tiếng được làm từ rêu đá đó là rêu đá nướng. Rêu đá trộn với tỏi thái mỏng, gia vị, mì chính, được cuốn trong lá đu đủ rồi đem đi nướng. Nướng xong lá đu đủ sẽ cháy đen ở bên ngoài, bên trong hương vị rêu đá hòa quyện với hương vị của tỏi bùi bùi thơm thơm.
Theo An Vi / Ngày Mới Online