Nhóm bệnh mạn tính thường chuyển biến xấu sau Tết

12/02/2023 16:53

Tết qua đi nhưng ở một số người do ăn uống “quá tải”, vệ sinh thực phẩm ít được quan tâm, lại mắc bệnh mạn tính nên bệnh tình thêm trầm trọng. Liên quan đến nhóm người này, bác sĩ tư vấn một số cách khắc phục để có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Viêm dạ dày

Đây là bệnh lý rối loạn tiêu hóa, bề mặt niêm mạc bị tổn thương, bào mòn do vi khuẩn hoặc những tác nhân khác. Theo cơ chế bệnh sinh, khi niêm mạc dạ dày bị vi khuẩn tấn công sẽ khiến phần niêm mạc dạ dày bị tổn thương, khả năng cao phát triển thành viêm loét dạ dày. Ngoài ra, do thói quen ăn uống không điều độ và chế độ dinh dưỡng không lành mạnh kéo dài, niêm mạc cũng có thể bị tổn thương bởi sự bài tiết acid bất thường bên trong cơ thể.

Bệnh được phân thành hai dạng là viêm dạ dày cấp và viêm dạ dày mạn. Viêm dạ dày mạn phần lớn là do vi khuẩn HP, có thể diễn biến xấu tiến triển thành các tổn thương tiền ung thư dạ dày cũng như tăng nguy cơ ung thư dạ dày nếu không khám và can thiệp sớm.

Viêm dạ dày cấp có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng và lứa tuổi nào. Riêng ở nhóm mắc bệnh mạn tính, tình trạng bệnh lý có thể xấu đi do ăn uống thất thường. Ví dụ, trong dịp Tết do ăn quá nhiều hoặc thất thường không đúng bữa, nhiều mỡ, nhiều đạm..., uống nhiều rượu bia. Các dấu hiệu có đau vùng thượng vị khi đói hoặc sau ăn hoặc cả hai. Cảm giác trướng bụng ậm ạch sau ăn nên không ăn được nhiều như bình thường, ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, chán ăn, buồn nôn và nôn...

Sau Tết các triệu chứng nói trên xuất hiện nhiều hơn ở những người có bệnh lý nền, mạn tính. Nên thăm khám, xét nghiệm và chẩn đoán chính xác để có hướng xử lý đúng đắn. Người bệnh cần điều trị tốt bệnh lý mạn tính đang mắc như viêm khớp, hen suyễn, ung thư, bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính COPD, xơ nang, đái tháo đường hay bệnh lý tim mạch… Nên dùng thuốc đúng giờ, đủ liều, thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, lối sống lành mạnh và năng vận động.

 Men gan và mỡ máu cao

Men gan và mỡ máu cao được xem là căn bệnh “song sinh” của xã hội hiện đại, hơn 50% bệnh nhân đồng thời mắc cả 2 bệnh này, nhất là nhóm người mắc bệnh mạn tính bệnh thường nặng hơn.

 Men gan tăng cao thường là dấu hiệu cảnh báo viêm hoặc tổn thương các tế bào gan. Men gan tăng cao là khi các enzyme xúc tác trong gan như ALT, AST, GGT, ALP sẽ được giải phóng, hòa tan vào máu tạo nên một nồng độ men nhất định. Khi men gan vượt giới hạn bình thường, sẽ phá hủy các tế bào của gan.

Men gan cao có thể được phát hiện trong quá trình làm xét nghiệm máu định kỳ. Với hầu hết các trường hợp, nồng độ men gan chỉ tăng nhẹ và tăng tạm thời. Men gan tăng cao cũng không phải là dấu hiệu của một vấn đề mạn tính, nghiêm trọng về gan.

Men gan tăng cao nhiều hay ít không phản ánh được mức độ trầm trọng của tổn thương gan mà men gan tăng có nghĩa là lá gan của chúng ta đang có vấn đề. Vì vậy nếu mắc bệnh mạn tính nên đi xét nghiệm, nếu cao thì nên đi khám và điều trị để hạn chế nguy cơ xấu hơn như xơ hay ung thư gan nhất là sau lễ Tết, các kỳ nghỉ dài do ăn uống quá tải.

Mỡ máu cao (cholesterol tăng), đặc biệt là cholesterol xấu ( LDL) hay chất béo trung tính (triglycerides) hoặc cả hai ở trong máu. Điều này có thể dẫn đến tắc nghẽn mạch máu và gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe tim mạch. Theo nghiên cứu, cứ 3 người trưởng thành thì có 1 người có mức cholesterol LDL cao. Đây là lý do vì sao các bác sĩ luôn khuyến cáo người bệnh cắt giảm thức ăn chứa nhiều hàm lượng LDL và tăng mức tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều cholesterol tốt (HDL). Sở dĩ HDL được gọi là cholesterol tốt vì khả năng giúp vận chuyển cholesterol xấu ra khỏi cơ thể.


Mỡ máu cao sẽ dẫn đến sự tích tụ và hình thành mảng bám bên trong mạch máu theo thời gian, được gọi là xơ vữa động mạch thường  gặp ở nhóm người mắc bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, COPD, viêm khớp dạng thấp… Càng để lâu và không được điều trị, mảng bám sẽ càng lớn, mạch máu bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn. Những người bị xơ vữa động mạch phải đối mặt với nguy cơ cao mắc nhiều bệnh lý nan giải khi mạch máu bị tắc nghẽn.

Tết đến, những bệnh nhân tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, béo phì, viêm loét dạ dày, tá tràng, gan, thận... thường bỏ qua nguyên tắc kiêng khem, ăn nhiều nên phát sinh các tai biến. Để phòng ngừa, nhóm đối tượng này phải tuyệt đối giữ đúng nguyên tắc sinh hoạt, kiêng cữ hàng ngày.

Đặc biệt không nên uống rượu bia, hút thuốc lá, cần ngủ đủ và nghỉ ngơi khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường như đau đầu, chóng mặt... Phải chuẩn bị một số thuốc thiết yếu như thuốc hạ huyết áp, lợi tiểu, thuốc đái tháo đường, để xử lý kịp thời mọi bất trắc. Sau Tết, nên thăm khám định kỳ, làm các xét nghiệm sinh hóa, cận lâm sàng để có hướng xử lý kịp thời.

Đái tháo đường

Đái tháo đường là tình trạng giảm tiết insulin và kháng insulin dẫn đến tăng lượng đường trong máu (đường huyết). Đây là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng và biểu hiện lượng đường ở trong máu luôn ở mức cao hơn bình thường, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng. Nếu đường huyết luôn ở mức cao sẽ làm gia tăng các nguy cơ bệnh lý tim mạch, gây tổn thương ở nhiều cơ quan bộ phận khác như thần kinh, mắt, thận và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác.

Ngoài ra còn có các yếu tố khác khiến sau Tết bệnh nặng thêm như ít vận động, quên uống thuốc, không tiêm insulin đúng giờ… Kéo theo huyết áp, mỡ máu, men gan tăng theo. Cũng có người lo sợ đường huyết tăng cao nên kiêng khem triệt để, không dám ăn uống gì liên quan nên hạ đường huyết và suy dinh dưỡng là khó tránh.

Chính vì vậy, để tránh ảnh hưởng đến không khí gia đình, người đái tháo đường nên kiểm soát đường huyết ở ngưỡng tối ưu, hạn chế nguy cơ quá cao hay tụt đường huyết, nên duy trì chế độ dinh dưỡng và luyện tập phù hợp; giúp giảm biến chứng, nhất là biến chứng tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường.

Khám sức khỏe tổng quát sau Tết

Sau các kỳ nghỉ lễ Tết là đến giai đoạn cơ thể xuất hiện những phiền toái như bệnh tái phát, tăng cân… Vậy phải làm gì? Câu trả lời là khám sức khỏe tổng quát để tìm ra những bất an, can thiệp kịp thời bởi sức khỏe là vô giá.

Các loại bệnh gây rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, đau dạ dày… là do “từ miệng đi vào”, trong khi đó lại ít rau xanh, trái cây nên cơ thể thiếu nước gây táo bón. Thêm vào đó, ít vận động lại càng làm cho cơ thể nặng nề, thời tiết bất ổn, giá rét khiến cơ thể dễ mắc bệnh đường hô hấp, dị ứng, cảm lạnh, viêm phế quản cấp tính, nhất là khi dịch Covid-19 vẫn chực chờ. Theo khảo sát tại các cơ sở y tế, trước Tết Nguyên đán, bệnh viêm đường hô hấp cấp tính chỉ chiếm 5% nhưng sau Tết đã tăng lên 13%.

Sau Tết, nhiều bệnh bùng phát như bệnh về dạ dày - tá tràng, bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, bệnh hô hấp,  tăng mỡ máu… gia tăng do quên kiêng khem, không uống thuốc theo chỉ định.

Hiện tượng tăng cân, béo phì tăng mạnh do tiêu thụ nhiều chất đạm, mỡ, rượu bia. Xu hướng tăng mỡ máu, (cholesterol xấu, triglycine) khiến xơ vữa động mạch, gia tăng các ca đột quỵ. Tăng cân còn làm ảnh hưởng đến các khuỷu khớp, gây thoái hóa khớp hoặc thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp nhanh hơn, trầm trọng hơn.

Do vậy, sự cần thiết phải khám sức khỏe tổng quát sau Tết là để tầm soát những căn bệnh đang có chiều hướng gia tăng như các biến thế mới của virus SARS-CoV-2 - thủ phạm gây đại dịch Covid-19, nguy cơ bệnh ở nhóm người có bệnh lý nền như đái tháo đường, thừa cân, béo phì, bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch và tai biến mạch máu não, các bệnh về gan, người bị stress kéo dài và nhóm bị tăng men gan, gan nhiễm mỡ… 

Do khám và biết bệnh, bác sĩ sẽ khuyến khích lối sống khoa học lành mạnh như: chế độ ăn uống cân bằng, khoa học, đủ dưỡng chất; duy trì cuộc sống vận động, hạn chế nằm và ngồi nhiều và quản lý căng thẳng. Thói quen sống lành mạnh còn giúp mọi người tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm trùng và nhiều lợi ích sức khỏe khác.

Khám sức khỏe tổng quát sau Tết vừa giúp bản thân cũng như người thân giảm chi phí chữa bệnh, kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng cuộc sống; còn xã hội giảm gánh nặng chăm sóc người bệnh, tăng sức lao động và hiệu quả kinh tế chung cùng nhiều lợi ích vô hình khác.

Vì những lợi thế nói trên mà việc khám sức khỏe tổng quát sau Tết là điều cần làm và không chỉ khám sau Tết, nếu có điều kiện nên đi khám định kỳ hoặc tổng quát từ 6 tháng và mỗi năm 1 lần.

 

BS.CKI. Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Minh Anh

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp