Nhiều trường đại học mở thêm các ngành học gắn với công nghệ số

02/02/2023 12:16

Đón đầu kỷ nguyên số, trong năm 2023 nhiều trường đại học triển khai tuyển sinh thêm các nghành học mới gắn với công nghệ số. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là với điều kiện chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên cùng với cơ sở vật chất hiện tại có đảm bảo cho việc đào tạo sinh viên hay không?

 

Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) dự kiến mở và tuyển sinh 5 ngành học mới tại cơ sở chính gồm: Công nghệ tài chính (Fintech); Marketing công nghệ (Martech); Kinh doanh số (Digital business); Robot và trí tuệ nhân tạo (Robot & AI); Công nghệ logistics (Logtech); chương trình song bằng mới về kinh tế chính trị - luật và quản trị địa phương. Tại phân hiệu ở Vĩnh Long, UEH mở mới 2 ngành Công nghệ và đổi mới sáng tạo; Kỹ sư Robot và trí tuệ nhân tạo (Robot & AI).

Bên cạnh đó, Hội đồng tuyển sinh ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã đồng ý mở thêm nhiều ngành mới bậc đại học ở các trường thành viên, như thí điểm mở ngành Trí tuệ nhân tạo (Trường ĐH Công nghệ thông tin); Quản lý tài nguyên và môi trường, Công nghệ vật lý điện tử và tin học (Trường ĐH Khoa học tự nhiên); Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Thú y (Trường ĐH An Giang); Y học cổ truyền và ngành điều dưỡng (Khoa Y).

Riêng tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, TS Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng cho hay, trong năm 2023 trường dự kiến sẽ mở 5 ngành học mới là: Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu, Luật, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử.

Liên quan đến vấn đề này, ở khu vực phía Bắc, Đại học Bách khoa Hà Nội vừa chính thức ra mắt Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số (BK Fintech). Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội dự kiến mở 5 ngành học mới: Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử, Y sinh, Ngôn ngữ học. Trường ĐH Ngoại thương cũng sẽ mở hai ngành mới được đào tạo tại trụ sở chính là Kinh tế chính trị và Kinh tế chính trị quốc tế.


Để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, quan trọng nhất là chọn được ngành nghề phù hợp và phải trở thành lao động chất lượng cao. Ảnh: Báo Tin Tức

Về vấn đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành học mới thời gian tới, TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Gia Định nhìn nhận nhiều ngành nghề, công việc bây giờ khác xưa. Ông Toàn nhấn mạnh: “Có cầu ắt có cung và xu hướng đào tạo nguồn nhân lực làm việc trong các lĩnh vực công nghệ và số hóa ngày càng cao. Thực tế này buộc các trường đại học phải thay đổi chương trình đào tạo, các chuyên ngành mới được mở để đảm bảo nhu cầu nhân lực cho xã hội”, dẫn theo báo Lao Động.

Với xu thế hiện tại, ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia dự báo nhân lực, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM nhận định, trong thời gian tới, nhu cầu nhân lực đang thiếu hụt rất lớn, nhóm ngành nghề sẽ bổ sung cho nguồn nhân lực sẽ gồm: Nhóm ngành về công nghệ kỹ thuật (kể cả những ngành về khoa học tự nhiên). Đây là nhóm ngành chiếm tỉ trọng cao nhất, đến 35 % tỉ trọng nguồn nhân lực đang thiếu hụt của trong nước.

Liên quan đến chất lượng đào tạo nguồn lực, theo các chuyên gia giáo dục, khi các trường đại học được tự chủ mở ngành, xác định chỉ tiêu thì phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Bộ GD-ĐT (quy định về mở ngành đào tạo, quy định về xác định chỉ tiêu) để việc học và thực hành đúng thực chất. 

Riêng đối với người học, cá nhân mỗi người cần ý thức khi vào làm việc không nên có tư tưởng rằng học đại học thì sẽ thành công cao, còn những bậc học khác thì không thành công. Trong thời kỳ công nghệ số phát triển như hiện nay thì việc nhân lực phù hợp với công việc hay không mới chính là then chốt.

PV

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp