Nhà ở xã hội: Thủ tục đầu tư xây dựng khó hơn, người có nhu cầu không dễ tiếp cận vay vốn

10/03/2023 18:14

Theo pháp luật hiện nay, quy định về thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội nhiều và khó hơn so với quy định về thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại.

Ngày 10/3, UBND TP.HCM đã chủ trì và tổ chức hội nghị “Sơ kết công tác phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2020 và công bố chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030.”

TP.HCM vẫn thiếu nguồn cung nhà ở xã hội

Chủ trì hội nghị, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết TP.HCM là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế - khoa học - công nghệ, giao lưu quốc tế…Vì vậy, TP.HCM luôn đứng trước thách thức tốc độ đô thị hóa cao, gia tăng dân số nhanh, mật độ dân số cao, phân bổ dân cư chưa hợp lý... Dự báo, bình quân mỗi năm, dân số TP.HCM gia tăng khoảng 200 ngàn người.

“Nhiệm vụ đặt ra cho thành phố là phải đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng có nhu cầu để cải thiện chất lượng nhà ở, đảm bảo an sinh xã hội. Trong giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu là 40 triệu m2 sàn, nâng chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người vào cuối năm 2020 là 19,8m2/người,” ông Bùi Xuân Cường cho biết.


Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thẳng thắn nhìn nhận, TP.HCM vẫn thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở phù hợp với khả năng chi trả. Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa tương xứng với tốc độ phát triển nhà ở, còn xảy ra tình trạng quá tải. Ngoài ra, việc quản lý vận hành, bảo trì nhà ở còn gặp nhiều khó khăn và bất cập.

Ông Bùi Xuân Cường cũng cho biết, TP.HCM đã nghiên cứu xây dựng chương trình phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu khắc phục hạn chế phát triển nhà ở trong thời gian vừa qua, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở của mọi tầng lớp dân cư với các mức thu nhập khác nhau, nhất là sự hỗ trợ tiếp cận với nhóm nhà ở xã hội.

Ông cũng hy vọng qua hội nghị này sẽ góp phần đánh giá kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016 – 2020; tìm giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về quy trình thực hiện, cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, tài chính, tăng nguồn cung căn hộ xã hội - căn hộ giá thấp.

Nhà đầu tư chưa hứng thú với nhà ở xã hội

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, hiện nay, quy định về thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội nhiều hơn và khó hơn so với dự án nhà thương mại, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, chưa thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.

Đơn cử, các đơn vị đầu tư phải xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (khoản 3 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013), sau đó thực hiện thủ tục miễn tiền sử dụng đất (điểm a khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai năm 2013); rồi thẩm định giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội (khoản 15 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP).

Bên cạnh đó, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi danh sách các đối tượng dự kiến giải quyết cho thuê theo thứ tự ưu tiên về Sở Xây dựng để kiểm tra nhằm xác định đúng đối tượng được hỗ trợ và loại trừ việc người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, đất ở; có phát sinh nộp thuế thu nhập cá nhân tại địa phương (điểm a khoản 13 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP).

Do đó, UBND đã kiến nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Người có nhu cầu nhà ở xã hội khó xin xét duyệt

Theo số liệu báo cáo của Sở Xây dựng, giai đoạn 2016 - 2020, diện tích sàn nhà ở toàn Thành phố tăng thêm 53,7 triệu m2 sàn, trong đó nhà ở dân tự xây đóng vai trò chủ đạo, tăng 38,5 triệu m2 sàn, nhà ở thương mại chiếm tỷ trọng lớn thứ hai, đạt 13,98 triệu m2 sàn; nhà ở xã hội tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn.

Đối với nhà ở xã hội, giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng 19 dự án, diện tích sàn nhà ở xã hội toàn Thành phố tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn, đạt 69,2% so với chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu theo Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2020 là 1,78 triệu m2 sàn).

Trong đó, khu vực nội thành phát triển đóng vai trò chủ đạo, tăng 930.936 m2 sàn, khu vực huyện ngoại thành chiếm tỷ trọng lớn thứ 2, đạt 159.305 m2 sàn; khu vực nội thành hiện hữu có tốc độ tăng chậm lại và khu vực trung tâm hiện hữu không có dự án nhà ở xã hội.

Ông Khiết cho biết, thành phố thực hiện công bố công khai các thông tin sau trên website của Sở Xây dựng: Các dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai; Đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở, đã được chủ đầu tư xét duyệt đủ điều kiện được mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội đối với các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.

Tuy nhiên, theo báo cáo trong hội nghị nói trên, từ năm 2018, chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Thành phố được Trung ương giao vốn để triển khai thực hiện chương trình cho vay Nhà ở xã hội. Nhưng, từ năm 2018 đến ngày 30/4/2022 chỉ có 307  lượt khách hàng vay vốn với tổng doanh số cho vay của chương trình đạt hơn 147 tỷ đồng.

Trong đó, cho vay để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở đạt khoảng 29,5 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 20% tổng dư nợ cho vay của chương trình), với 55 khách hàng vay vốn; cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội đạt 117.873 triệu đồng (chiếm tỷ trọng 80% tổng dư nợ cho vay của chương trình), với 250 khách hàng vay vốn.


Nhiệm vụ đặt ra cho thành phố là phải đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng có nhu cầu để cải thiện chất lượng nhà ở, đảm bảo an sinh xã hội. Ảnh minh họa

Các khách hàng vay vốn tại chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Thành phố hiện đang mua Nhà ở xã hội tại các dự án Nhà ở xã hội của 07 chủ đầu tư như sau: Công ty Cổ phần Chương Dương (76 khách hàng), Công ty Cổ phần Bất động sản Nguyên Sơn (71 khách hàng), Công ty TNHH 276 Ngọc Long (53 khách hàng), Công ty TNHH Lee&Co (41 khách hàng), Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn (04 khách hàng), Tổng Công ty Xây dựng số 1 (04 khách hàng) và Công ty Cổ phần Địa ốc 11 (01 khách hàng).

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Quỹ Phát triển Nhà ở đã giải ngân cho 2.542 đối tượng có thu nhập thấp thật sự khó khăn về nhà ở vay tiền để tạo lập nhà ở, với tổng số tiền giải ngân đạt 1.519 tỷ đồng. Trong đó, số trường hợp giải ngân cho vay mua nhà ở xã hội là 183 đối tượng, tương ứng với số tiền giải ngân là 72,65 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng, một số đối tượng có nhu cầu nhưng không đáp ứng được đầy đủ điều kiện: không đảm bảo nguồn vốn tự có (30% đối với xây/sửa nhà); lao động là người ngoại tỉnh không có hộ khẩu thường trú để vay vốn xây mới, sửa chữa nhà để ở, đặc biệt khu vực các huyện việc tách thửa đất của cha mẹ cho con cái gặp nhiều khó khăn do thủ tục, yêu cầu về tài chính, diện tích,... nên nhiều trường hợp xây dựng nhà khi tách ra ở riêng không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không đảm bảo điều kiện vay vốn,..

Với mức vay để xây mới, sửa chữa nhà để ở tối đa là 500 triệu đồng, trong khi đó với tâm lý cũng phải thế chấp quyền sử dụng đất nhưng vay tiêu dùng từ ngân hàng thương mại được vay với mức cao hơn, đầu tư xây dựng đảm bảo theo nhu cầu sử dụng (vừa để ở, vừa để cho thuê, có mặt bằng để kinh doanh) nên người dân thường tiếp cận vốn vay từ ngân hàng thương mại.

Mặt khác, với cơ chế đặc thù từ việc quy định  thủ tục hành chính trên địa bàn Thành phố, thủ tục hoàn công sau khi công trình đã xây dựng xong đòi hỏi phải cung cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi Giấy chứng nhận đã nộp ngân hàng để làm thủ tục bảo đảm tiền vay. Từ đó phát sinh thêm thủ tục từ phía ngân hàng nhưng các quy định của pháp luật cho thấy thủ tục này còn khó khăn, phức tạp.

Đối với đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn Thành phố, do được hưởng hỗ trợ thêm tiền lương từ ngân sách địa phương theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 16//3/2018 của HĐND Thành phố về ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý, do đó về cơ bản đều thuộc diện nộp thuế thu nhập thường xuyên, nên không đủ điều kiện vay vốn theo quy định.

Đối tượng cho vay của Quỹ Phát triển nhà ở chỉ giới hạn trong phạm vi đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực hưởng lương ngân sách thành phố, lực lượng vũ trang và cơ quan thuế Thành phố, chưa mở rộng đến các đối tượng khác có khó khăn về nhà ở.

Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030, phấn đấu đến năm 2025, chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 23,5m2; đến 2030 con số này là 26,5 m2.Tổng diện tích nhà ở tăng thêm 2021 - 2025 đạt 50 triệu m2 sàn, tương đương 367 ngàn căn nhà; đến giai đoạn 2026 - 2030 đạt 57,5 triệu m2 sàn.

Trong đó, tổng diện tích nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030 là 37 triệu m2 chủ yếu dành cho đối tượng có nhu cầu là người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.

An Quý

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp