Người tiêu dùng ưu tiên sản phẩm có nhãn xanh

09/03/2023 16:07

Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả tăng thêm cho sản phẩm có các ưu điểm vượt trội như truy xuất được nguồn gốc, đạt các tiêu chuẩn chất lượng hay thân thiện môi trường (nhãn xanh).

Thông tin trên nằm trong cuộc khảo sát Hàng Việt Nam chất lượng cao 2023, do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện. Thông tin được đại diện Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) đưa ra tại cuộc họp báo công bố kết quả doanh nghiệp đạt chứng nhận HVNCLC năm 2023 do người tiêu dùng bình chọn vào hôm nay, 9/3.

Theo đó, báo cáo nêu, một số người tiêu dùng sẵn sàng chi trả tăng thêm cho sản phẩm có các ưu điểm vượt trội như truy xuất được nguồn gốc, đạt các tiêu chuẩn chất lượng hay thân thiện môi trường (nhãn xanh)… Nhu cầu sử dụng các sản phẩm vì sức khỏe, sản phẩm “xanh” “sạch” và có tính “bền vững” ít tác động tới môi trường là một xu hướng nổi bật hiện nay. Đấy sẽ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới và sẽ chi phối và thúc đẩy việc phát triển kinh tế phải đảm bảo cho các nguồn lực tự nhiên được tiết kiệm, phát huy hiệu quả, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu cả về số lượng và môi trường sống trong tương lai.Xu hướng này cũng là điều tất yếu trong bối cảnh thế giới với nguồn tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường gia tăng, biến đổi khí hậu đang ngày một xấu…

Khảo sát cũng cho thấy, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang dần phát triển thực sự về chiều sâu. Người tiêu dùng không chỉ coi trọng các yếu tố rất cơ bản như chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả, mà các yếu tố như an toàn sử dụng, sản phẩm tươi ngon, thông tin về thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc – xuất xứ, hay công dụng/ tính năng sản phẩm, hoặc sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng... là các yếu tố rất được người tiêu dùng quan tâm, đặc biệt đối với sản phẩm nhóm ngành thực phẩm, đồ uống.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm ưu thế, đặc biệt là cửa hàng chuyên/cửa hàng tạp phẩm/đại lý trong việc cung ứng hầu hết các loại sản phẩm tiêu dùng do những hấp lực về chất lượng, giá cả, đặc biệt là sự thuận tiện hay sự thân thiện của người bán. Tuy nhiên, vẫn có xu hướng chuyển dịch “cơ học” khách hàng từ chợ truyền thống hay các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ sang các kênh bán lẻ hiện đại (gia tăng độ phủ) ở các đô thị; kênh bán lẻ hiện đại đang cho thấy có hấp lực đối với người tiêu dùng mua sắm sản phẩm nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Mua sắm đa kênh đang là xu hướng thịnh hành hiện nay cũng như trong tương lai. Người tiêu dùng hiện nay lựa chọn mua sắm thông qua sự kết hợp giữa phương thức truyền thống và kỹ thuật số, người tiêu dùng tham khảo thông tin sản phẩm qua các kênh trực tuyến nhưng lại muốn trải nghiệm mua sắm trực tiếp tại các siêu thị hay cửa hàng. Trong đó, xu hướng mua online không còn “bùng nổ mang tính độc tôn” như thời điểm dịch Covid 19 bùng phát, nhưng vẫn cho thấy mức độ rất phổ biến, đặc biệt với giới tiêu dùng trẻ. Cùng với sự thâm nhập ngày càng tăng của điện thoại thông minh, thiết bị di động và dịch vụ Internet, sự phát triển của thương mại điện tử, bán hàng online vẫn sẽ là một xu hướng tất yếu.

Tại cuộc họp báo công bố kết quả doanh nghiệp đạt chứng nhận HVNCLC năm 2023 do người tiêu dùng bình chọn vào hôm nay, đại diện Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng cho biết, có 519 doanh nghiệp đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao 2023.

Kết quả ghi nhận trên 61.000 lượt bình chọn cho các doanh nghiệp từ: Khảo sát trực tiếp các điểm bán, người tiêu dùng, tại các thành phố trực thuộc trung ương, các trung tâm kinh tế của các vùng miền (Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ…) và khảo sát trực tuyến (Online) thu thập ý kiến đánh giá, bình chọn của người tiêu dùng trên phạm vi toàn quốc.

Theo kết quả từ cuộc khảo sát, ngành hàng có số doanh nghiệp đạt đủ tỷ lệ bình chọn cao nhất là ngành thực phẩm khô, đồ ăn liền, kế đến là ngành nước chấm, gia vị. Ngành đạt tỷ lệ bình chọn thấp nhất là ngành dụng cụ làm đẹp.

 

Hải Yến

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp