Sự phát triển của khoa học công nghệ cùng các phần mềm đọc màn hình đã giúp cho người khiếm thị dễ dàng làm chủ máy tính hơn. Ngoài ra, các nền tảng như WordPress có thể giúp bất kì ai cũng có thể tự tay thiết kế cho mình một website chuyên nghiệp mà không cần phải động tới bất kì một dòng code nào. Nhưng đối với người khiếm thị ở Việt Nam hiện nay, để tiếp cận với các nền tảng này là rất khó khăn vì chưa có bất kì một bộ tài liệu nào hướng dẫn họ tự thiết kế web. Thấu hiểu điều đó, “ba chàng lính ngự lâm” gồm anh Đặng Ngọc Bình (phụ trách chính), anh Nguyễn Viết Thương và anh Võ Văn Nhật đã cho ra đời một lớp học online miễn phí về thiết kế web dành cho người khiếm thị trên nền tảng WordPress.
Trà My (bên phải), mất đi thị lực vào năm 9 tuổi, đã nhận học bổng “Chắp cánh ước mơ” của Đại học RMIT Việt Nam.
Các anh đã truyền đi ngọn lửa đam mê thiết kế web cho các bạn học viên khiếm thị. Sau khi hoàn thành khóa học, các bạn đã có thể tự thiết kế cho mình ba loại website cơ bản: website cá nhân, doanh nghiệp và bán hàng. Có bạn đã tự kiếm cho mình khoản thu nhập đầu tiên, cũng có bạn thiết kế web cho người thân, bạn bè và các tổ chức mình tham gia sinh hoạt. Lớp học của anh Đặng Ngọc Bình đã giúp các bạn khiếm thị có cơ hội xây dựng hình ảnh bản thân, quảng bá tổ chức cũng như có thể tự tìm cho mình một công việc ưng ý. Nhờ đó, các bạn không còn cảm thấy mặc cảm, tự ti, góp phần tạo ra nguồn năng lượng tích cực cho xã hội. Ngoài ra, việc mở những lớp học như thế này còn giúp cho các bạn có thêm cơ hội hòa nhập với cộng đồng.
“Ba chàng lính ngự lâm” hiện đang sinh sống và làm việc tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và TP.HCM. Họ “gặp nhau” do cùng chung khát khao muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ người khiếm thị. Anh Nhật tâm sự: “Đối với mình, việc giúp đỡ các bạn khiếm thị vừa là niềm vui, vừa là hạnh phúc. Ngoài ra, do mình cũng là người khiếm thị nên mình hiểu rất rõ những khó khăn mà các bạn ấy gặp phải. Mình luôn cố gắng đưa ra những phương pháp phù hợp để dạy các bạn được tốt nhất. Khi làm việc với anh Bình, mình học hỏi từ anh ấy rất nhiều, từ việc xây dựng một website để có bố cục hoàn hảo hơn. Với vai trò là một trợ giảng, mình sẽ cố gắng hết sức để cùng anh Bình tổ chức thành công khóa học này”.
Anh Bình chia sẻ, việc dạy cho người khiếm thị không hề dễ dàng. Trong quá trình soạn giáo trình và nghiên cứu phương pháp giảng dạy, anh phải tập làm quen với các phần mềm chuyên biệt mà người khiếm thị đang sử dụng, phải đặt mình vào họ để hiểu rõ học viên hơn. Khó nhất là làm chủ máy tính khi sử dụng thông qua điều hướng bằng bàn phím hay các phần mềm đọc màn hình vì đôi khi anh cũng không biết mình đang ở đâu, con trỏ đi hướng nào trên màn hình? Anh đã thử nhắm mắt để tưởng tượng ra cách dùng máy tính như người khiếm thị. Mặc dù vậy, anh vẫn không thể tự chủ được chiếc máy tính của mình. Ngoài ra, trong khi dạy học, anh phải nhớ tên từng bạn học viên một chứ không thể chỉ tay rồi mời họ phát biểu như với người bình thường. Bên cạnh truyền đạt kiến thức chuyên môn, anh còn phải làm công tác tư tưởng cho học viên, giúp họ hiểu tầm quan trọng của việc học thiết kế web, ổn định tâm lý để họ an tâm học…
Nhiều dự án xã hội giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng.
Anh Bình cho biết thêm, lúc đầu, do chưa thể thích nghi với cách tiếp cận mới nên bản thân anh rất bối rối. Anh không rõ mình đã truyền đạt đúng chưa? Liệu rằng, dạy như vậy học viên có tiếp thu được kiến thức và hiểu bài hay không?... Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả thầy và trò, khóa học đã thành công tốt đẹp dù việc học online đối với người khiếm thị rất khó khăn. Anh Bình tâm niệm, bản thân anh muốn đóng góp một phần công sức của mình để giúp đỡ những bạn khiếm thị có thêm nguồn tri thức, vững tin bước vào đời.
“Trước đây, người khiếm thị ở Việt Nam hầu như chỉ biết tới những nghề như massage, thủ công mĩ nghệ, bán vé số... Song, với sự phát triển của công nghệ và nhận thức xã hội được nâng cao, các bạn ấy có thể làm được rất nhiều công việc còn tốt hơn thế. Vì vậy mình quyết định giúp đỡ các bạn ấy. Khóa học bắt đầu từ đầu năm 2022 nhưng do mình bận quá nhiều công việc nên bị gián đoạn, ảnh hưởng tới tiến độ. Tuy nhiên, cuối cùng khóa học cũng thành công. Đã có lúc mình muốn bỏ cuộc nhưng thấy khả năng tiếp thu của các bạn ngoài sự mong đợi nên mình lại có động lực dạy tiếp. Nhiều bạn còn không ngờ là mình cũng có thể làm được những thứ mà trước đây chỉ dành cho người sáng mắt. Có những bạn rất rụt rè vì tâm lý ngại giao tiếp. Tuy nhiên, do mình đã nắm bắt được tâm lý nên lớp học rất vui vẻ. Chính mình cũng đã học hỏi được nhiều điều từ các bạn ấy. Bản thân mình thấy vui vì những gì mà mình đóng góp cho cộng đồng. Mình tin chắc sau này các bạn trẻ sẽ làm được tốt hơn mình hiện tại”.
Bạn Nguyễn Xuân Quảng ở xã Nhân La, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, chia sẻ: “Em rất vui khi được tham gia lớp học này. Nhờ vào nó mà em đã tự tay xây dựng website cho mình và bạn bè. Vui hơn nữa là được giao lưu với nhiều bạn mới cũng như học hỏi được nhiều thứ bổ ích. Em cảm thấy, thầy Bình mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy cho người khiếm thị nhưng những bài giảng của thầy rất dễ hiểu, giúp bọn em dễ dàng tiếp thu hơn. Từ trước tới nay, chưa có bất kì một khóa học nào liên quan tới thiết kế web dành cho người khiếm thị, nên khi biết được khóa học này, em vô cùng hào hứng và hạnh phúc”.
Anh Đặng Ngọc Bình hi vọng, mô hình này sẽ được chung tay nhân rộng để nhiều người khiếm thị trong cả nước có cơ hội được học thiết kế web, thích nghi với thời đại công nghệ đang bùng nổ, tạo nguồn sinh kế và giúp họ tự tin khẳng định bản thân. Mong rằng, một ngày không xa, nguyện vọng của anh Bình sẽ trở thành hiện thực và việc thiết kế web đối với người khiếm thị sẽ không còn quá khó khăn nữa.