Ngoạn mục hồi sinh

21/01/2023 10:41

Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, tưởng như không còn cơ hội để đón Xuân Quý Mão. Thế nhưng, với tất cả nỗ lực và quyết tâm cứu người, các bác sĩ tại TP.HCM đã giúp nhiều trường hợp “cải tử hoàn sinh” hết sức thần kỳ.

Đang lo hậu sự, bỗng… hồi sinh

Bệnh nhân ngoài 50 tuổi, làm việc và sống một mình tại Thành phố Vũng Tàu, bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về. Sau tai nạn, ông không xuất hiện dấu hiệu bất thường nào nên về nhà ngủ. Sáng hôm sau, bệnh nhân nôn ói nhiều, được bạn chở đến một bệnh viện ở Vũng Tàu để khám.

Bác sĩ tiên lượng tình trạng bệnh nhân nặng, khó cứu chữa. Hay tin, người nhà đến Vũng Tàu chuyển ông sang một bệnh viện khác. Tại đây, các bác sĩ cũng cho rằng chấn thương sọ não quá nặng, không thể cứu chữa, khuyên gia đình đưa về nhà để lo hậu sự.

Hai ngày sau, trong lúc gia đình đang liên hệ chỗ mai táng thì bệnh nhân cử động tay chân, lơ mơ mở mắt. Người nhà vội vàng đưa ông vào Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM trong tình trạng hôn mê, sinh hiệu yếu, tổn thương não rất nặng. Bác sĩ chẩn đoán dập não hai thái dương, máu tụ màng cứng.

Sau hai ngày điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhân dần ổn định, sau đó được điều trị chống phù não. Ba ngày sau đó, bệnh nhân đã cử động được tay chân, vượt qua tình trạng nguy kịch. Và phép màu đã xảy ra khi 14 ngày sau, bệnh nhân nhận biết được xung quanh, đi đứng được, ăn uống

Vỡ tim trên bàn mổ

Người bệnh 52 tuổi, sống ở huyện Hóc Môn được đưa vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu do đau ngực dữ dội. Bác sĩ chụp mạch vành, ghi nhận bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim do tắc hoàn toàn động mạch vành phải, hai nhánh chính còn lại bị hẹp khít 90-95%.

Thương tổn nặng của mạch vành khiến bệnh nhân thiếu máu cơ tim rất trầm trọng, nhồi máu cơ tim nhiều ổ. Không thể can thiệp đặt stent, các bác sĩ đã áp dụng biện pháp phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Ở kỹ thuật này, bác sĩ dùng đoạn động mạch hoặc tĩnh mạch ở nơi khác đưa đến làm cầu nối bắc qua vị trí mạch vành tổn thương, tạo đường đi mới cho máu vòng qua vị trí động mạch bị tắc.

Việc gây mê và phẫu thuật diễn ra khá thuận lợi, huyết động ổn. Tuy nhiên, khi kíp mổ vừa kết thúc công đoạn lấy một đoạn tĩnh mạch dưới chân để chuẩn bị đưa lên ngực làm cầu nối thì đột nhiên huyết áp bệnh nhân tụt nhanh và ngưng tim. Các bác sĩ đã nhanh chóng xoa bóp tim ngoài lồng ngực kèm tiêm adrenaline.

Trước tình huống ngàn cân treo sợi tóc, ê kíp quyết định mở ngực ngay bằng cưa xương ức, mở màng ngoài tim để xoa bóp tim trực tiếp. Lúc này tim đã giãn lớn kèm rất nhiều máu trong khoang màng tim. Vừa xoa bóp tim, bác sĩ đồng thời thực hiện các mũi khâu trên động mạch chủ và trên tim để khởi động tuần hoàn ngoài cơ thể nhưng không có kết quả.


Cuộc mổ bắc cầu tiếp tục được tiến hành thì ngay sau đó máu dâng ngập trong khoang màng ngoài tim. Truy nguyên nhân, bác sĩ phát hiện tim bệnh nhân bị vỡ một đường khoảng 2,5cm trên nền cơ tim nhồi máu. Batista - một kỹ thuật tiên tiến đã được tiến hành để khâu đóng chỗ vỡ tim, xử lý thành công vết thương. Đây là phẫu thuật chuyên biệt để điều trị cho các hoại tử cơ tim, vùng bị phình sau nhồi máu cơ tim.

Việc bắc ba cầu nối trên các động mạch vành bị tắc và hẹp khít tiếp tục được tiến hành. Song, sau khi bắc cầu mạch vành, tim vẫn không đập lại. Các bác sĩ kiên trì dẫn nhịp tim bằng máy tạo nhịp và xoa bóp tim liên tục kèm vận mạch liều cao. Phải mất 15 phút sau, tim mới đập trở lại. Bác sĩ tiếp tục hỗ trợ tim trong hơn một tiếng đồng hồ, giúp huyết động ổn định dần mới cai ngừng tuần hoàn ngoài cơ thể, cho tim tự đập hoàn toàn. Và phải mất 16 tiếng hồi sức, bệnh nhân mới tỉnh dần.

Theo các bác sĩ, nhồi máu cơ tim gây biến chứng vỡ tim gặp 5-10% trường hợp nhồi máu cơ tim cấp, đa số xảy ra trong khoảng hai tuần sau nhồi máu và thông thường gây đột tử. Hầu hết bệnh nhân tử vong vì nếu ở ngoài phòng mổ thì sẽ không thể xử trí kịp.

Trụy tim nguy kịch do biến chứng cúm B

Bé sốt cao, co giật toàn thân, nhập viện tại một cơ sở y tế ở Tây Ninh. Sau khi đặt nội khí quản, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM trong tình trạng nguy kịch.

Bệnh nhi được chẩn đoán nhiễm virus cúm B - tác nhân gây suy hô hấp nặng, đồng thời nhiễm Acinetobacter sp - vi khuẩn kháng rất nhiều loại kháng sinh. Các bác sĩ dùng thuốc vận mạch, thuốc phù não, kháng sinh, cho thở máy và lọc máu để điều trị.
Bác sĩ liên tục điều chỉnh phác đồ và áp dụng tất cả biện pháp chữa trị. Phải mất đến 40 ngày thở máy, 10 ngày lọc máu, hai lần đặt ống dẫn lưu khí cho phổi, các chức năng hô hấp, gan, thận và tri giác mới dần cải thiện.
 
Theo các bác sĩ, cúm B có khả năng lây truyền từ người sang người, thông qua các giọt bắn hoặc do trẻ chạm vào các bề mặt chứa mầm bệnh rồi chạm vào miệng, mũi hoặc mắt của mình. Bệnh nhân cần đi khám khi sốt cao trên 39,5 độ C, dùng thuốc hạ sốt và các phương pháp vật lý hạ nhiệt nhưng không được; hoặc trẻ sốt cao trên 38,5 độ C quá ba ngày không có xu hướng thuyên giảm.

Những biểu hiện trở nặng phải lưu ý như trẻ thở nhanh, thở bất thường như thở rít, khò khè, rút lõm lồng ngực, co kéo cơ hô hấp, mạch nhanh. Trẻ mất nước như môi se, mắt trũng, niêm mạc miệng/ lưỡi khô, khát nước đòi uống nước, hoặc đi tiểu ít. Trẻ thay đổi ý thức như không chịu chơi, quấy khóc, li bì, co giật; trẻ lớn đau bụng, đau ngực, nôn nhiều.


Bé trai 7 tháng tuổi, sốt xuất huyết nguy kịch, tổn thương phổi nặng, là trường hợp đầu tiên mắc bệnh này phải can thiệp ECMO tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Bệnh nhi nhập viện cấp cứu với môi tím, vào sốc, mạch khó bắt, huyết áp khó đo, xét nghiệm sốt xuất huyết dương tính. Các bác sĩ hỗ trợ hô hấp, chống sốc theo phác đồ, song tình trạng trẻ vẫn diễn tiến nguy kịch. Kíp điều trị tích cực truyền máu, truyền huyết tương, tiểu cầu, chọc dò ổ bụng, màng phổi nhằm giải áp.

Hô hấp của bệnh nhi sau đó diễn tiến xấu hơn, Xquang phổi cho thấy tổn thương phổi nặng lan tỏa hai bên, biểu hiện hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển. Bác sĩ hội chẩn toàn viện, quyết định thực hiện kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO) - là vũ khí, phương tiện hỗ trợ hô hấp cuối cùng cho những trường hợp suy hô hấp nguy kịch. Sau hai tuần, tình trạng bé mới cải thiện dần, cai ECMO và sau đó cai máy thở. Bé vừa được xuất viện sau 49 ngày nằm viện.

30 ngày giành giật sự sống

Bệnh nhân 13 tuổi, nhà ở Bình Chánh, bị xe tải tông chấn thương nguy kịch, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trong tình trạng lơ mơ, da niêm nhạt, huyết áp tụt, gãy cung xương sườn, bụng chướng.

Các bác sĩ đặt nội khí quản giúp thở, truyền dịch chống sốc, kích hoạt quy trình báo động đỏ gồm nhiều chuyên khoa. Bé được chụp CT scan não ngực bụng, đến phòng mổ trong vòng 15 phút. Chẩn đoán hình ảnh ghi nhận bệnh nhi bị dập vỡ lách, dịch ổ bụng lượng nhiều, tụ máu ở gan, thận... Nạn nhân còn bị đông đặc phổi, tràn máu màng phổi, tụ máu não, gãy và nứt các xương sườn.

Các bác sĩ phẫu thuật khẩn cấp, ghi nhận ổ bụng có nhiều máu đỏ sẫm và cục máu đông trào ra. Ê kíp phải liên tục hút và lấy máu đông, chèn gạc vào các vị trí máu đang chảy, xử trí lần lượt các tổn thương.

Trải qua cuộc mổ dài, bệnh nhi tiếp tục điều trị ở khu hồi sức với rất nhiều biện pháp phối hợp. Sau gần 30 ngày, tình trạng nam sinh cải thiện dần, rút được các ống dẫn lưu màng phổi, màng bụng, cai được máy thở, để tự thở khí trời.


Nam tài xế xe ôm 47 tuổi được bệnh viện tuyến dưới sơ cứu trước khi chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất trong tình trạng trụy mạch, tri giác lơ mơ, tụt huyết áp. Bệnh nhân bị 6 vết đâm, gồm hai vết ở lồng ngực trái vùng trước tim, hai vết vùng ngực phải và hai vết thương sau lưng.
Các bác sĩ mổ cấp cứu đã chẻ xương ức, ghi nhận vết thương gây tràn máu màng tim và tràn máu màng phổi, lấy được ở khoang màng phổi phải 1,5 kg máu và phổi trái 500ml máu, sau đó khâu lại tim và phổi, hồi sức tích cực. Sau mổ một ngày, bệnh nhân sinh hiệu ổn và xuất viện sau hơn một tuần nằm viện.

Suýt chết khi đang bơi

Đang bơi đột nhiên đau ngực, người đàn ông 58 tuổi mê man, ngưng tim, ngưng thở, mạch và huyết áp không đo được. May mắn, người nhà phát hiện gọi cấp cứu 115. Nạn nhân lập tức được hồi sức tim phổi bằng cách ấn tim ngoài lồng ngực, bóp bóng giúp thở, đặt nội khí quản ngay trên xe cứu thương. Bệnh nhân có biểu hiện rung thất và phải được sốc điện đến 5 lần.

Hội chẩn qua điện thoại với các bác sĩ, ê kíp 115 tiếp tục hồi sức tích cực khoảng 50 phút, tim bệnh nhân mới đập lại, mạch và huyết áp đo được. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương với kết quả đo điện tâm đồ cho thấy dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp.

Người bệnh lập tức được tái thông mạch vành cấp cứu, trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân bị tắc nhánh động mạch lớn nhất nuôi tim. Các bác sĩ xử lý tái thông bằng cách đặt một giá đỡ trong lòng động mạch vành. Sau can thiệp, bệnh nhân bị suy đa cơ quan sau ngưng tim ngưng thở kéo dài, phải điều trị hồi sức tích cực bằng các biện pháp thở máy, điều chỉnh thuốc vận mạch, lọc máu liên tục, kháng sinh và nuôi ăn qua đường tĩnh mạch. Sau 13 ngày điều trị, bệnh nhân ngừng được thuốc vận mạch và vài ngày sau đó cai máy thở, rút nội khí quản.

Quý Nhân

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp