Phụ nữ dễ bị ngộ độc thuốc gây tê
Ngộ độc thuốc tê là một trong những nguyên nhân chính gây biến chứng và tử vong trong thực hành gây tê vùng, đặc biệt trong các thủ thuật làm đẹp.
Theo Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận một trường hợp tử vong nghi do sốc phản vệ sau khi được tiêm thuốc gây tê/mê của bệnh nhân NTP. Theo tổng kết bệnh án của Bệnh viện Chợ Rẫy, khoảng 11h15 ngày 26/11/2022, bệnh nhân (sinh năm 1997) đến Trung tâm Thẩm mỹ “Key Beauty Center”, địa chỉ 154/9 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 8, quận Phú Nhuận để đốt mỡ vùng 2 cánh tay và ngực trái.
Sau khi tiêm thuốc chuẩn bị tiền phẫu, bệnh nhân có biểu hiện tím tái, ngưng hô hấp tuần hoàn, được ép tim ngoài lồng ngực và chuyển sang khoa Cấp cứu tại một bệnh viện lân cận; sau đó được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh nhân được nhập khoa Cấp Cứu Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 13 giờ 37 phút ngày 26/11/2022 trong tình trạng mê sâu, thở máy qua nội khí quản. Bệnh nhân được hồi sức tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy và đã tử vong ngày 28/11/2022.
Thuốc tê truyền vào khoang bụng, cánh tay, đùi là những nơi có nhiều mỡ và mạch máu, nguy cơ ngộ độc cao hơn rất nhiều, kể cả liều lượng thấp.
Hay trước đó, Bệnh viện Nhân dân 115 đã báo cáo Sở Y tế TP.HCM về trường hợp bệnh nhân P. tử vong sau khi vào Thẩm mỹ viện Diep Clinic (Tân Phú, TPHCM) để thẩm mỹ vùng lưng.
Theo đó, trước khi làm thẩm mỹ vùng lưng, bệnh nhân được nhân viên của TMV viện ủ tê da vùng lưng bằng thuốc gây tê. Đến khoảng 14h35, bệnh nhân bị co giật và lúc 14h50, tình trạng diễn tiến nặng, khó thở, tím tái nên nơi đây gọi xe cấp cứu chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân 115. Tại đây, các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu đồng thời đặt nội khí quản. Tuy nhiên, đến 16h30 cùng ngày, bệnh nhân tử vong.
Gần đây, hội Gây mê Hồi sức Hoa Kỳ (ASA) ghi nhận ngộ độc thuốc tê chiếm 1/3 trường hợp tử vong hoặc tổn thương não do gây tê vùng. Hội gây tê vùng Hoa Kỳ (ASRA) hồi cứu y văn trong 30 năm cho thấy tình trạng ngộ độc thuốc tê có những đặc điểm sau: Tỷ lệ 2/3 các trường hợp ngộ độc thuốc tê là phụ nữ; gần 1/2 trường hợp ngộ độc thuốc tê trong đó 16% ở độ tuổi dưới 16 và ở độ tuổi trên 60 tuổi chiếm tỷ lệ ngộ độc là 30%. Hơn 90% ca ngộ độc thuốc tê, thậm chí tử vong, liên quan đến thuốc tê mạnh gồm bupivacaine, levobupivacaine và ropivacaine. Khoảng hơn 1/5 các trường hợp liên quan đến kỹ thuật truyền liên tục và trong số này trẻ em chiếm tỷ lệ 50%.
Trước năm 1981, báo cáo ghi nhận độc tính thuốc tê sau gây tê ngoài màng cứng với tỷ lệ 100/10.000 trường hợp. Sau 30 năm với cải tiến kỹ thuật gây tê vùng và những lưu ý dự phòng nhằm đảm bảo sự an toàn trong gây tê vùng như: không dùng liều cao thuốc tê... Mặc dù độc tính trên tim mạch của thuốc tê đã giảm từ năm 1980, nhưng nó vẫn còn gây nguy hiểm trầm trọng cho bệnh nhân. Năm 2002 báo cáo tại Pháp cho thấy tỷ lệ ngộ độc thuốc tê từ 0 - 20%. Một nghiên cứu khác cũng kết luận tình trạng co giật xảy ra sau kỹ thuật gây tê thần kinh ngoại vi với tỷ lệ 79/10.000 trường hợp. Tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê đầy đủ cũng như báo cáo về các trường hợp ngộ độc thuốc tê và phương pháp điều trị một cách thỏa đáng. Tuy nhiên trên thực tế, khá nhiều các trường hợp ngộ độc thuốc tê gây tử vong, nhất là bệnh nhân được sử dụng tại các cơ sở y tế ngoài bệnh viện và không có bác sĩ chuyên khoa phụ trách. |
Các loại thuốc tê tại chỗ vùng
Ngày nay, thuốc tê đang được sử dụng rộng rãi là thuốc tê Lidocain, Mepivacain, Bupivacain, Levopivacain, Ropivacain, dùng trong bệnh viện và chủ yếu sử dụng tại khoa Gây mê Hồi sức (GMHS) do Bác sĩ GMHS chỉ định. Trong đó Lidocain cũng sử dụng tại các khoa lâm sàng khác trong bệnh viện, tuy nhiên gần đây thuốc tê Lidocain sử dụng khá rộng rãi tại các đơn vị y khoa ngoài bệnh viện.
Thuốc tê Lidocain được dùng rộng rãi tại các bệnh viện do tác dụng gây tê nhanh, mạnh và thời gian tác dụng kéo dài. Lidocain còn là thuốc chống loạn nhịp, dùng tiêm tĩnh mạch để điều trị loạn nhịp tâm thất, làm giảm nguy cơ rung thất ở người nghi có nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, Lidocain chỉ được dùng khi có chỉ định của Bác sĩ tim mạch hay Bác sĩ Gây mê Hồi sức vì có thể làm tăng nguy cơ nghẽn (blốc) tim hoặc suy tim sung huyết.
Các biểu hiện trên hệ thần kinh có liên quan chặt chẽ với đậm độ của thuốc Lidocain ở trong huyết tương. Ở đậm độ thấp, thuốc này có tác dụng chống co giật nhưng thuốc lại gây co giật ở đậm độ cao. Ở đậm độ thấp, Lidocain làm tăng trương lực của mạch máu, còn ở đậm độ cao nó gây giãn mạch. Với liều lượng từ 4 đến 8mg/kg lidocain gây ức chế đáng kể hệ tim mạch, nếu tiêm liều lượng trên 8mg/kg trở nên rất nguy hiểm đến tính mạng người bệnh và rất dễ gây tử vong.
Mức độ mạnh của thuốc tê thường có tương quan với tính tan trong mỡ của nó. Hầu hết các thuốc tê tại chỗ ở đậm độ thấp đều có tác dụng gây co mạch và khi tăng đậm độ thuốc lên lại dần chuyển thành giãn mạch.
Vị trí tiêm thuốc cũng có ảnh hưởng đến thời gian chờ tác dụng và thời gian tác dụng của các thuốc tê. Do có sự phân bố các mạch máu khác nhau cũng như lượng mỡ khác nhau tại vùng tiêm khiến cho các thuốc tê bị giữ lại trong mỡ đặc biệt là loại thuốc tê dễ tan trong mỡ. Chính vì thế thuốc tê truyền vào khoang bụng, cánh tay, đùi là những nơi có nhiều mỡ và mạch máu, nguy cơ ngộ độc cao hơn rất nhiều, kể cả liều lượng thấp.
101 nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thuốc tê
Các tác dụng gây ngộ độc của thuốc tê thường xuất hiện khi nồng độc chất gây tê tăng cao trong huyết tương, có thể do các nguyên nhân sau: Vô tình tiêm thuốc vào mạch máu; quá liều thuốc hoặc tốc độ tiêm nhanh; thuốc thải trừ chậm; tiêm vào tổ chức nhiều mạch máu và nhiều mỡ như khi pha truyền vào khoang ổ bụng để hút mỡ bụng; bệnh nhân đã có tổ thương tim, phổi hoặc thần kinh trước đó.
Ngoài ra thuốc tê có thể ngấm trực tiếp vào thần kinh do khi các bác sĩ thực hành lâm sàng như: tiêm vào thân thần kinh khi gây tê đám rối thần kinh, hoặc gây tê tủy sống, thuốc có thể lan lên não thất.
Các yếu tố về phía bệnh nhân cũng góp phần ảnh hưởng tới độc tính thuốc gây tê. Ví dụ, Lidocain chuyển hoá qua gan, vì vậy suy gan sẽ làm tăng nguy cơ gây độc. Thuốc Lidocain gắn với protein nên tình trạng protein máu thấp cũng làm tăng nguy cơ. Toan chuyển hoá làm tăng nguy cơ vì góp phần thúc đẩy cho sự phân tách Lidocain ra khỏi protein huyết tương. Tương tác với các thuốc khác (như cimetidin, chẹn beta giao cảm) cũng ảnh hưởng tới nồng độ Lidocain trong máu.
Trường hợp hiếm gặp (< 1%), thuốc gây tê cục bộ có thể ảnh hưởng tới hệ thống miễn dịch, sinh ra phản ứng dị ứng. Độc tính trên hệ thần kinh trung ương có 2 pha. Pha sớm biểu hiện thần kinh trung ương bị kích thích với các triệu chứng như co giật. Pha sau có các biểu hiện ức chế thần kinh trung ương như ngừng co giật và xuất hiện mất ý thức, suy hô hấp hoặc ngừng thở.
Khi nồng độ thuốc gây tê cục bộ cao hơn sẽ bắt đầu tác động tới hệ tim mạch. Những tác động này có thể bao gồm cả rối loạn nhịp tim. Nhịp nhanh thất có thể xảy ra trên các bệnh nhân có rối loạn nhịp nhĩ, trên điện tim khoảng giãn rộng.
Các biểu hiện điển hình của ngộ độc thuốc gây tê xảy ra từ 1 đến 5 phút sau khi tiêm, trung bình dao động từ 30 giây tới 60 phút. Các biểu hiện độc tính như tê quanh miệng và/hoặc lưỡi; đau đầu nhẹ; hoa mắt, chóng mặt, choáng váng; rối loạn thị giác và thính giác (khó tập trung và ù tai); mất định hướng (rối loạn thăng bằng); tình trạng ngủ gà. Với liều cao hơn, thần kinh trung ương ở trạng thái bị kích thích nhanh chóng chuyển sang trạng thái ức chế, có các biểu hiện sau: Co quắp cơ; co giật; bất tỉnh; hôn mê; đau ngực; khó thở; vã mồ hôi; hạ huyết áp; suy hô hấp, ngừng thở; suy tuần hoàn, ngừng tim... |