Thực hiện Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam được giao chủ trì thực hiện Đề án "Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc đề xuất xây dựng Luật nhà giáo" Mã số: KHGD/16-20.ĐA.003, do GS.TS Trần Công Phong làm chủ nhiệm.
Theo báo cáo đánh giá, đến nay Đề án đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu theo đăng ký tại Thuyết minh đã được phê duyệt. Trong điều kiện kinh phí phải tiết kiệm, cắt giảm 1.625 triệu đồng, đặc biệt do tác động của dịch Covid-19 nên đề tài phải cắt giảm các nội dung đánh giá tác động của hệ thống chế độ, chính sách hiện hành đối với nhà giáo, và đánh giá tác động của chính sách đề xuất.
Kết quả nghiên cứu của Đề án đã được công bố qua 2 bài báo trên tạp chí quốc tế, trong đó có 1 bài công bố trên tạp chí thuộc hệ thống Scopus, 2 báo cáo trong hội thảo quốc tế ở nước ngoài và 5 bài báo trên tạp chí khoa học trong nước. Trong quá trình nghiên cứu, Đề án đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu liên ngành. Cụ thể, đề án đã đào tạo thành công 4 thạc sĩ, hỗ trợ đào tạo cho 2 nghiên cứu sinh.
Những đóng góp chủ yếu của đề án, về lý luận:
- Đề án đã tổng kết một cách có hệ thống cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn của việc xây dựng Luật Nhà giáo/và nghề dạy học, trong đó bổ sung thêm một số lý luận, các cách tiếp cận mới khi xây dựng các chính sách đối với nhà giáo Việt Nam như: Vận dụng lý thuyết phát triển nguồn nhân lực chiến lược vào phát triển đội ngũ nhà giáo; Tiếp cận hoạt động nghề nghiệp đặc thù của nhà giáo trong bối cảnh hiện nay; Tiếp cận quản lý nhà nước và hoàn thiện thể chế nhà nước pháp quyền XHCN; và tiếp cận từ kinh nghiệm quốc tế.
Về thực tiễn: Đề án đã đánh giá được thực trạng quy định pháp luật và việc thực thi các chính sách pháp luật về đội ngũ nhà giáo/và nghề dạy học ở Việt Nam. Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước có các điều luật và các quy định về nhà giáo, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong việc đề xuất khung chính sách quốc gia về nhà giáo và xây dựng Luật nhà giáo.
Từ cơ sở lý luận và thực tiễn, Đề án đã đề xuất khung chính sách quốc gia về nhà giáo và đánh giá sự cần thiết, tác động và tính khả thi của các chính sách quốc gia, làm cơ sở cho việc xây dựng Luật nhà giáo.
Các kết quả nghiên cứu của đề án là căn cứ để Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tham mưu cho Bộ GD&ĐT trong công tác quản lý ngành và các bộ ban ngành trong việc xây dựng Luật nhà giáo.
Một số sản phẩm của Đề án đã được Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ GD&ĐT tiếp nhận, sử dụng.
Với tinh thần trach nhiệm cao, các ý kiến phản biện tại phiên họp đều nhất trí cho rằng đây là công trình nghiên cứu công phu, đề án đáp ứng yêu cầu, đảm bảo mục tiêu, có một số sản phẩm vượt nhiệm vụ đặt ra về số lượng và chất lượng. Nhiều kỳ vọng đặt ra, tuy nhiên quá trình nghiên cứu phải nghiên cứu thêm, để đây là căn cứ vững chắc để xây dựng luật nhà giáo.
Cần làm rõ những khái niệm cơ bản về nhà giáo trong quy phạm pháp luật. Luật phải là cơ sở để tôn vinh nhà giáo nhưng ở đây chưa rõ. "Cần làm rõ quyền và quyền lợi của nhà giáo. Luật nhà giáo phải là công cụ tự do của nhà giáo chứ không phải là công cụ quản lý nhà giáo" – PGS.TS Chu Hồng Thanh (ĐHQG Hà Nội) nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng các ý kiến phản biện của hội đồng là rất sâu sắc, luật ban hành phải tạo động lực cho người lao động hơn là làm, nhà giáo phải khác viên chức, đối tượng lao động là con người, sản phẩm là con người cả về thể chất, tâm hồn và tương lai. Chúng ta mong mỏi, khao khát có bộ luật nhà giáo từ nhiều năm. Cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng Luật Nhà giáo là vấn đề cực khó. Nhóm nghiên cứu với tinh thần trách nhiệm cao, công phu đã hoàn thành số lượng tài liệu thông tin lớn. Đề tài cơ bản có nhiều thông tin, để ban biên soạn có căn cứ xây dựng Luật Nhà giáo.
Đề tài đã được Hội đồng thông qua, Thứ trưởng đề nghị Chủ nhiệm đề tài tiếp tục nghiên cứu tiếp thu tối đa các phản biện đã nêu để hoàn thiện Đề tài với kết quả tốt nhất.
Theo Theo Giáo dục và Thời đại / Ngày Mới Online