Thời gian thực hiện kế hoạch bắt đầu từ ngày 23/12/2022 đến ngày 12/3/2023. Trong thời gian này, có 3 hoạt động chính nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm được thực hiện, bao gồm: Hoạt động truyền thông, hoạt động thanh tra và kiểm tra liên ngành, hoạt động giám sát…
Theo đó, tỉnh Nghệ An thực hiện thành các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến xã; có mời đại diện Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tham gia thanh tra, kiểm tra. Hoạt động thanh tra, kiểm tra tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, Lễ hội và có yếu tố nguy cơ cao; các làng nghề chế biến thực phẩm, các chợ, cửa khẩu, thành phố, thị xã là địa điểm phân phối thực phẩm, đặc biệt là đầu mối cung cấp thực phẩm.
Ảnh minh họa
Các Sở: Y tế, Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; UBND các huyện, thành, thị xã chỉ đạo các cơ quan liên quan chủ động thành lập đoàn giám sát tiến hành giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm theo lĩnh vực được phân công, phân cấp, tập trung chủ yếu đối với các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các Lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, các sản phẩm từ ngũ cốc… để kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết, cũng như mùa Lễ hội Xuân năm 2023.
Để triển khai thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân năm 2023 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh giao Sở Y tế là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện Kế hoạch; Sở NN&PTNT, Sở Công thương căn cứ lĩnh vực được phân công chủ trì triển khai thực hiện Kế hoạch.
Căn cứ nội dung hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tuyên truyền, thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; đảm bảo các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuyệt đối chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.
Tuệ Lâm – Lê Hoàn
Theo Tạp chí Sức Khoẻ Cộng Đồng