Ngành Tuyên giáo giữ vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng

23/12/2022 15:50

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh, trong vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng, ngành Tuyên giáo đã thể hiện rõ “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”.

Ngày 23/12, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 tại TP.HCM. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, chủ trì hội nghị.

Theo ông Lại Xuân Môn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, năm 2022 là năm thứ hai triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh thế giới, khu vực, trong nước có thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức. Với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chủ động, đổi mới, sáng tạo, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư,… ngành Tuyên giáo đã triển khai, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ.

“Cụ thể, chủ động, tích cực triển khai xây dựng 22 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư với khối lượng lớn, khó, nhạy cảm, chưa có tiền lệ nhưng được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ. Đồng thời, ngành tham mưu tổ chức tốt Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt văn kiện Hội nghị Trung ương 5, 6 khóa XIII, hình thức có nhiều đổi mới, chất lượng học tập được nâng lên rõ rệt,” ông Lại Xuân Môn cho biết.


Ngày 23/12, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 tại TP.HCM.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường; nội dung có nhiều đổi mới, tập trung vào xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, ngành Tuyên giáo đã làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền, thông tin đối ngoại, định hướng dư luận xã hội, báo chí - xuất bản,…

Tổng kết hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, những kết quả nổi bật nêu trên đã thể hiện rõ vai trò “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”. Qua đó, tiếp tục đảm nhận vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng, bảo vệ vững chắc, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, trong năm 2022, công tác tuyên giáo còn có những mặt hạn chế, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra các giải pháp khắc phục trong năm 2023. Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, trong đó khó khăn được dự báo nhiều hơn.

Nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường; các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị tiếp tục âm mưu, thủ đoạn chống phá chế độ…

“Đây là những vấn đề tác động đến tư tưởng, tâm trạng của các tầng lớp nhân dân và đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới, cao hơn, phức tạp hơn, đòi hỏi toàn ngành Tuyên giáo quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện tốt phương châm “Bản lĩnh, trí tuệ, đoàn kết, chủ động, đổi mới, sáng tạo” để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu.

Xây dựng môi trường văn hóa trong báo chí

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ, dù đối mặt với một năm đầy khó khăn nhưng Ban Tuyên giáo đã tạo ra những thành quả rất quan trọng.

Theo ông Hùng, Ban đã đồng hành với Bộ VH-TT&DL xây dựng và triển khai các chương trình với mục tiêu cao nhất là “chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.

Môi trường văn hóa là cái gốc, là nơi vun đắp những giá trị, tâm hồn người Việt Nam… bởi vậy Ban Tuyên giáo Trung ương đã chọn đúng trọng tâm khi triển khai chủ trương xây dựng môi trường văn hóa trong báo chí để nói lên tiếng nói của Đảng, Nhà nước đến với công chúng; xây dựng những hình ảnh đẹp có sức lan tỏa trong toàn xã hội.

 

Khởi Giao

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp