Ngành GD&ĐT TP.HCM: Chủ động chuyển sang tình trạng bình thường mới

25/08/2022 14:43

Sáng 25-8, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm học 2022-2023. Bước sang năm mới, ngành giáo dục thành phố xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: Chủ động, tích cực chuyển sang trạng thái bình thường mới theo phương châm “Đoàn kết kỷ cương, chủ động – sáng tạo, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục”.

Những thành tựu ấn tượng trong năm học 2021 – 2022 “vừa dạy vừa chống dịch”

Với đặc thù năm học 2021-2022, để ứng phó với diễn biến dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp trên địa bàn, sở GD&ĐT TP.HCMđã hướng dẫn các cơ sở giáo dục linh hoạt điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường cũng như giáo viên điều chỉnh kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục, giao quyền tự chủ cho Hiệu trưởng và giáo viên. Sở GD&ĐT cũng kiểm tra, giám sát và hỗ trợ kịp thời các đơn vị trong quá trình xây dựng, điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường và kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục.

Các cơ sở giáo dục chủ động chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, phương án tổ chức dạy học theo các hình thức linh hoạt, phù hợp với tâm sinh lý học sinh và điều kiện thực tiễn của từng lớp, chia yêu cầu cần đạt thành nhiều “chặng”, cân nhắc giảm yêu cầu cần đạt, đặc biệt ở những địa bàn học sinh gặp khó khăn trong việc tham gia học tập qua môi trường Internet, nhất là giai đoạn đầu năm học; điều chỉnh theo hướng kéo giãn nội dung để thực hiện hiệu quả, đảm bảo duy trì mục tiêu chất lượng giáo dục.

Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 đã được tổ chức thành công, bảo đảm nghiêm túc, công bằng và an toàn, với tổng số thí sinh dự thi là 73.459, đạt tỷ lệ 86,33% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Đây cũng là năm đầu tiên thí sinh đang học lớp 12 thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trực tuyến trên hệ thống quản lý thi. Tỉ lệ tốt nghiệp là 99,52%. Tại các kì thi quốc tế được tổ chức năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có 01 Huy chương vàng Olympic Hóa học quốc tế và 01 Huy chương Bạc Olympic Toán học quốc tế.

Trong những năm qua, quy mô ngành GD&ĐT thành phố phát triển về cả số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao trình độ dân trí, dân sinh, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống trường lớp phát triển mạnh từ nội thành đến ngoại thành, đáp ứng được yêu cầu học tập của con em nhân dân mỗi lúc một cao hơn. Công tác phổ cập giáo dục được duy trì ổn định và phát triển, đội ngũ nhà giáo lớn mạnh, đảm bảo về số lượng và không ngừng nâng cao chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học ngày một cao hơn.

Với mục tiêu đảm bảo đủ chỗ học, không còn trường học có cơ sở vật chất yếu kém. Mạng lưới trường lớp ở các cấp học, bậc học đã được phủ khắp các phường, xã, thành phố Thủ Đức và 21 quận huyện trên toàn địa bàn Thành phố với quy mô phát triển ngày một tăng. Việc xây dựng trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ học tập đã góp phần đẩy mạnh việc tổ chức hoạt động dạy học 2 buổi/ngày đáp ứng yêu cầu theo chương trình mới của Bộ GDĐT.

Chuyển sang trạng thái bình thường mới, tăng cường hợp tác quốc tế

Năm học 2022-2023, Ngành GD&ĐT TP chủ động tích cực thực hiện chuyển sang trạng thái bình thường mới theo phương châm “đoàn kết kỷ cương, chủ động - sáng tạo, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục”. Theo đó, ngành GD&ĐT đã đặt ra 14 mục tiêu phải hoàn thành. Những nhiệm vụ hàng đầu được xác định bao gồm:

Tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, công tác quản lí nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục;

Triển khai theo lộ trình và phù hợp với thực tiễn các Chương trình, Đề án đột phá của Thành phố về Giáo dục: (1) Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 08 ngành giai đoạn 2020 – 2035 và Đại học chia sẻ; (2) Đề án Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020 – 2030; (3) Đề án “Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng Tin học cho học sinh phổ thông thành phố Hồ Chí Minh theo định hướng chuẩn Quốc tế giai đoạn 2020 - 2030”;

Tham mưu xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng CNTT trong GDĐT; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng CNTT trong dạy và học trực tuyến.


Năm học 2022 - 2023, TP.HCM tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục - Nguồn ảnh: Internet

Tăng cường và mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực GDĐT: Tiếp tục củng cố và duy trì hợp tác quốc tế với các tổ chức ngoại giao, tổ chức, đơn vị giáo dục quốc tế có uy tín trên cơ sở phát huy tối đa năng lực của ngành; Chủ động tìm kiếm các đối tác tiềm năng, có khả năng hỗ trợ về tiềm lực, tư vấn hướng phát triển hợp tác trong xây dựng các chương trình giáo dục, hợp tác quốc tế, đặc biệt là xây dựng thành công đề án phát triển GDĐT Thành phố đến năm 2030 tầm nhìn 2045./.

Thái Liễu

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp