Nếu không tháo gỡ được vướng mắc, chỉ 1-2 tuần nữa, các bệnh viện sẽ không hoạt động được

23/02/2023 14:12


Chúng ta chỉ còn khoảng thời gian từ một tuần tới hai tuần nữa. Nếu như chúng ta không tháo gỡ được các vướng mắc liên quan đến mua sắm y tế, thì các bệnh viện hầu như sẽ không hoạt động được. Ảnh VGP/Quang Thương

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã chia sẻ điều này tại Tọa đàm "Ngành Y vượt khó" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức sáng 23/2.

Rất nhiều vướng mắc, tự thân bệnh viện không thể xử lý được

Theo GS.TS Trần Bình Giang, trong thời gian vừa qua, dịch COVID-19 đã làm cho thấy những nỗ lực, cố gắng nhưng đồng thời bộc lộ cả những khó khăn, thách thức mà ngành y gặp phải. Nhiều khó khăn đã được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề cập và việc này đã được lãnh đạo từ cấp cao nhất quan tâm và đặt vấn đề xử lý.

Vừa rồi Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, đồng thời có rất nhiều khó khăn đã được Chính phủ, Bộ Y tế giải quyết.

'Tuy vậy, là những người trực tiếp tham gia vào công tác điều trị, khám chữa bệnh tại một bệnh viện tuyến đầu của đất nước, có rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho đến nay chúng tôi không thể mình tự xử lý được. Ở đây tôi chỉ nói một số khó khăn mang tính cấp thiết", GS.TS Trần Bình Giang chia sẻ.

Mua sắm y tế vẫn đang hết sức vướng mắc

Thứ nhất, trong năm 2022, sau đại dịch, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện số lượng khám chữa bệnh, mổ xẻ, điều trị với hơn 79.000 ca mổ. Có thể nói đó là khối lượng công việc rất lớn, không có nhiều bệnh viện trên thế giới có thể làm được.

Số lượng người bệnh thường xuyên đến và phải chờ đợi được điều trị rất nhiều trong khi những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để có thể mua được hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế hiện tại vẫn đang hết sức vướng mắc.

Trong Luật Khám chữa bệnh có rất nhiều điều đưa ra để có thể gỡ khó nhưng cũng có nhiều điều trong đó quy định rằng việc thực hiện giao cho Chính phủ cụ thể hóa.

Luật sẽ có hiệu lực từ 1/1/2024 nhưng chúng ta chỉ còn chưa đến 10 tháng nữa, không biết liệu những điều luật ấy có được cụ thể hóa để đi vào cuộc sống từ ngày 1/1/2024 được hay không. "Đó là điều tôi rất lo lắng", GS.TS Trần Bình Giang bày tỏ.

Vật tư, hóa chất y tế tại các Bệnh viện tuyến cuối gần như đã hết

Vấn đề thứ hai, theo GS.TS Trần Bình Giang, hiện tại không chỉ có Bệnh viện Việt Đức mà nhiều bệnh viện đầu ngành khác như Bệnh Bạch Mai, Bệnh viện K ở ngoài Bắc, Bệnh viện Chợ Rẫy ở TPHCM cũng có rất nhiều khó khăn để bảo đảm cung ứng được các điều kiện phục vụ người bệnh.

Đơn cử, hiện tại các bệnh viện lớn trên toàn quốc, vật tư y tế để dành chăm sóc người bệnh gần như đã hết, các hóa chất xét nghiệm để phục vụ chẩn đoán, điều trị cho người bệnh cũng gần như đã hết.

GS.TS Trần Bình Giang cho biết, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, theo thống kê, có những xét nghiệm đơn giản như công thức máu chỉ còn một tuần nữa là không còn hóa chất để sử dụng nếu như sử dụng bình thường.

Bệnh viện Việt Đức đã họp rất nhiều lần, kể cả họp Đảng ủy, họp Hội đồng khoa học mở rộng tới tất cả trưởng, các bộ phận, đơn vị để tháo gỡ, nhưng vẫn rất khó khăn.

Vậy tại sao lại như thế? GS.TS Trần Bình Giang nêu vấn đề và lý giải: Tại vì đó là những hóa chất xét nghiệm được sử dụng trên các hệ thống máy là do các công ty cung cấp hóa chất đặt tại bệnh viện làm.

Tại sao bệnh viện phải đặt máy? Vì kể từ năm 2015, Bệnh viện Việt Đức hầu như không có tiền cung cấp từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động chi không thường xuyên, mua máy móc nên số lượng máy móc xét nghiệm (riêng máy móc xét nghiệm tại Bệnh viện Việt Đức đã có giá từ 250 đến 300 tỷ đồng) rất khó khăn.

GS.TS Trần Bình Giang cho biết: "Về giải pháp, từ năm 2015, chúng ta đấu thầu công khai để mua hóa chất xét nghiệm, sau đó các công ty sẽ đặt máy sử dụng hóa chất đó.

Kèm theo đó, các công ty sẽ lo những vấn đề như là bảo hành, bảo trì các hệ thống phần mềm đi kèm cho máy hoạt động, kiểm định, kiểm chuẩn để đảm bảo máy hoạt động chính xác. Điều này là thông lệ trên toàn thế giới chứ không phải chỉ ở Việt Nam.

Thế nhưng đến năm 2022, chúng ta lại có công văn quy định việc sử dụng máy mượn, máy đặt như vậy không có trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật nào và đề nghị dừng, đã gây ra tình trạng hết sức khó khăn.

Sau đó Chính phủ có Nghị quyết 144 để tháo gỡ khó khăn này. Nhưng Nghị quyết 144 chỉ có giá trị cho những hợp đồng đặt mua máy hóa chất và đặt máy trước ngày 5/11/2022. Chính vì vậy bây giờ chúng ta không còn hóa chất để làm".


Các bệnh viện đang rơi vào tình trạng "cấp cứu của cấp cứu". Ảnh VG/Quang Thương

 Tất cả phương án đều tắc!

Câu hỏi tiếp theo đặt ra là: Tại sao các giám đốc bệnh viện không tìm phương án khác để xử lý việc này? GS.TS Trần Bình Giang cho biết, Bệnh viện Việt Đức đã đặt ra các phương án sau:

Phương án thứ nhất là mua máy để làm. Chúng ta chấp nhận mua máy. Tất nhiên thời gian để mua được một cái máy, thực hiện đấu thầu theo quy trình cũng phải mất 6 tháng.

Trong tường hợp bệnh viện không có tiền, có thể vay tiền để mua máy và chấp nhận trả thêm tiền bảo hành, bảo trì, trả thêm tiền hệ thống phần mềm…

Nhưng một máy xét nghiệm trị giá nhiều chục tỷ đồng sẽ đi kèm với những hóa chất của nó. Chỉ có hóa chất của hãng đấy mới sử dụng cho máy đấy được nên khi chúng ta đấu thầu để mua hóa chất sử dụng cho máy thì rơi vào tình trạng chỉ có một hóa chất. Tức là rơi vào tình trạng chỉ định thầu, vi phạm pháp luật, không thể làm theo phương án ấy được.

Phương án thứ hai là thuê máy. Cũng y như phương án trước vì hóa chất cũng đi theo máy, không thể mua hóa chất khác được và chúng ta lại rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật nếu như chỉ có một hóa chất.

Phương án thứ ba là liên doanh, liên kết để có thể sử dụng hóa chất nhưng không có quy định nào của pháp luật về chuyện này.

Thứ nhất là không có quy định về hình thức, hồ sơ, cách làm, quy trình các bước như thế nào để có thể chọn được nhà đầu tư liên doanh, liên kết.

Thứ hai là, giá trị để đưa vào liên doanh, liên kết không tính được. Ví dụ như Bệnh viện Việt Đức với lịch sử gần 120 năm thì giá trị thương hiệu của Bệnh viện Việt Đức ai sẽ định giá? Và giá trị thương hiệu của bệnh viện là bao nhiêu? Vấn đề này, Bệnh viện Việt Đức "không làm được".

Vấn đề tiếp theo là theo quy định của Luật Giá và Nghị định 177 thì giá đất được đưa vào để tính phương án liên doanh, liên kết do UBND cấp tỉnh quy định giá cho thuê, cho mua đất. Trong khi đó, theo quy định của Nghị định 151 thì "phải xác định giá trị cho thuê đất theo giá trị thị trường". Tuy nhiên, không ai biết giá trị thị trường như thế nào và các công ty thẩm định giá không đủ quyền lực, không đủ khả năng, không đủ vai trò pháp luật để xác định.

"Như vậy cả 3 phương án đều tắc!", GS.TS Trần Bình Giang cảm thán.

Các bệnh viện đang rơi vào tình trạng "cấp cứu của cấp cứu"

GS.TS Trần Bình Giang chia sẻ thêm: "Tôi biết rằng đã có nhiều bệnh viện thông báo đến tất cả các khoa, phòng trong bệnh viện trong vòng một tuần nữa, bệnh viện sẽ hết các hóa chất xét nghiệm và chỉ có thể thực hiện theo cấp cứu. Bệnh viện Việt Đức cũng có nguy cơ rơi vào tình trạng đó.

"Chính vì vậy, đây là việc "cấp cứu của cấp cứu", rất mong nhận được sự xử lý của các cấp lãnh đạo từ Bộ Y tế tới Chính phủ để tháo gỡ sớm.

Chúng ta chỉ còn khoảng thời gian từ một tuần tới hai tuần nữa. Nếu như chúng ta không tháo gỡ thì các bệnh viện hầu như sẽ không hoạt động được", GS.TS Trần Bình Giang nhấn mạnh.

Vấn đề thứ hai là các vật tư tiêu hao dành cho mổ xẻ, theo thống kê của Bệnh viện Việt Đức, cũng chỉ trong vòng một tháng nữa sẽ hết.

Theo quy định của luật pháp, việc mua các vật tư tiêu hao phải đảm bảo các vật tư đó được phép lưu hành trên thị trường và có giấy phép.

Nhưng hầu hết giấy phép cho các vật tư tiêu hao hiện nay chưa được cấp, chưa được gia hạn nên chúng ta không thể mua được dù chúng ta đấu thầu hay mua.

Rất mừng vừa rồi chúng ta đã tháo gỡ được vấn đề giấy phép lưu hành cũng như giấy phép về hoạt động các loại thuốc.

Nhưng đối với vật tư tiêu hao, đến nay vẫn chưa xử lý được. Đây cũng là một vấn đề "cấp cứu", cần phải xử lý.

Ngoài ra, nhiều vấn đề khác như tính giá dịch vụ, đấu thầu thuốc tập trung, mua thuốc theo Hiệp định CPTPP, thuốc hiếm, thuốc gây nghiện… hiện chúng ta không biết cách nào xử lý để các bệnh viện có thể hoạt động được.

"Rất mong với sự chung tay góp sức của tất cả các cấp, các ngành, chúng ta có thể tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc để các bệnh viện có thể hoạt động được, phục vụ chăm sóc, điều trị người bệnh", GS.TS Trần Bình Giang bày tỏ.

Nhân dịp 68 năm ngày truyền thống của ngành Bác Hồ có gửi thư cho ngành y tế, qua Cổng TTĐT Chính phủ, GS.TS Trần Bình Giang "gửi lời chào đến các bạn đồng nghiệp trong cả nước, những người đã rất vất vả khắc phục khó khăn, cùng nhân dân cả nước vượt qua đại dịch COVID-19 vừa qua, cũng như đối mặt với khó khăn thách thức trong giai đoạn hiện nay.

Chúc tất cả các bạn đồng nghiệp sức khỏe, giữ vững niềm tin và tiếp tục phấn đấu trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ nhân dân".

GS.TS Trần Bình Giang xin cảm ơn các cấp lãnh đạo, người bệnh cũng như nhân dân cả nước đã chung tay giúp sức cho ngành y để tiếp tục phát triển.


Theo Báo điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp