Lễ ký kết của Bộ Y tế với Tập đoàn dược sinh học Boehringer Ingelheim về hợp tác lĩnh vực y tế - Ảnh: VGP/HM
Theo đó, khuôn khổ hợp tác giữa 2 bên sẽ bao gồm các hoạt động như: Chuẩn hóa các hướng dẫn chuyên môn chẩn đoán và điều trị, quy trình lâm sàng và mô hình quản lý bệnh; nâng cao năng lực bác sỹ về chẩn đoán, điều trị, quản lý; nâng cao nhận thức cộng đồng về dự phòng, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tim mạch, thận, chuyển hóa, bệnh phổi kẽ và một số bệnh không truyền nhiễm khác..
Sự hợp tác này được kỳ vọng sẽ giúp giảm chi phí điều trị, chi phí xã hội và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Dự kiến, trong năm 2023, Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ tổ chức đào tạo chuyên môn cho bác sỹ tại các tuyến trong khuôn khổ hợp tác này.
Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, bệnh lý tim mạch – thận – chuyển hóa (C-R-M) là vấn đề cần quan tâm hiện nay trên toàn cầu.
Ước tính số lượng bệnh nhân mắc đái tháo đường trên toàn thế giới lên tới 537 triệu người, bệnh nhân suy tim hơn 60 triệu người, đặc biệt bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính có tới 850 triệu người. Bệnh lý tim mạch – thận – chuyển hóa thường đồng mắc và ‘thúc đẩy lẫn nhau’ làm tăng nặng tình trạng người bệnh.
Tại Việt Nam, các bệnh viện thường quá tải người bệnh ở các khoa như tim mạch, hô hấp, đái tháo đường và ung thư… Trong đó, theo ước tính của Viện Tim mạch quốc gia, tỉ lệ suy tim khoảng 1-2% dân số. Các chi phí điều trị suy tim tương đối tốn kém do số ngày nằm viện tăng dần qua mỗi đợt…
Theo Bộ Y tế, số người mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam gần 5 triệu người vào năm 2021, tương đương 7,1% người trưởng thành.
Bà Cyndy Bautista-Galimpin, Tổng Giám đốc Công ty Boehringer Ingelheim Việt Nam chia sẻ, lễ ký kết lần này là một phần trong cam kết lâu dài của Công ty nhằm góp phần giải quyết các nhu cầu y tế chưa được đáp ứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam.
Hiền Minh
Theo Báo điện tử Chính phủ