Nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số

05/12/2022 15:07


Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025, Bộ GD&ĐT được giao chủ trì 2 nhiệm vụ, bao gồm: Tiểu dự án 2, Dự án 4 với nội dung đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc và Tiểu dự án 2, Dự án 5 với nội dung đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT) cho biết, đối với Tiểu dự án 2, Dự án 4, Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai các nhiệm vụ đầu tư theo đúng kế hoạch, khẩn trương thực hiện các giải pháp để đầu tư hiệu quả cho Trường Đại học Tây Bắc và Đại học Tây Nguyên.

Đối với Tiểu dự án 1, Dự án 5, về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú, hiện nay các địa phương đang tích cực triển khai các công việc theo nhiệm vụ được giao. Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương báo cáo tình hình triển khai thường xuyên về các nội dung do Bộ GD&ĐT chủ trì.

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú, Bộ GD&ĐT cũng chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học. 

Bộ đã khảo sát, biên soạn, tập huấn, in ấn, cấp phát tài liệu cho học sinh và giáo viên như, tài liệu về khởi nghiệp trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa dân tộc cho các trường phổ thông dân tộc nội trú; tài liệu nâng cao năng lực dạy học môn Toán, Tiếng Việt ở trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú cấp tiểu học; bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức dạy học môn Ngữ văn phát triển năng lực phẩm chất phù hợp học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở…

Về hoạt động xóa mũ chữ cho người dân ở vùng đồng báo dân tộc thiểu số, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thẩm định, hoàn thiện, in ấn và cấp phát Bộ tài liệu Hướng dẫn thực hiện Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1 cho giáo viên và học viên; Tổ chức tập huấn cho giáo viên cốt cán cấp tỉnh về Hướng dẫn dạy học Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1…

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo hướng dẫn các địa phương thực hiện, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tuyên truyền các nội dung do Bộ GD&ĐT chủ trì.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chương trình cũng phát sinh những khó khăn, chồng chéo cần sớm có giải pháp khắc phục. Đơn cử như tại Sơn La, trong thời gian qua, Sở GD&ĐT Sơn La đã tích cực triển khai một số nhiệm vụ của UBND tỉnh giao, trong đó có nhiệm vụ thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5.

Tuy nhiên, một số văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền, trách nhiệm của Sở GD&ĐT Sơn La tham mưu ban hành hoặc ban hành còn chậm hoặc chưa triển khai. Tiến độ giải ngân còn chậm, đến ngày 01/12, nguồn vốn đầu tư giải ngân đạt 0%. 

Hiện Sở GD&ĐT Sơn La đang đẩy nhanh tiến độ trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định mức hỗ trợ cho người học xóa mũ chữ; đồng thời đề nghị Bộ GD&ĐT ban hành cụ thể danh mục trang thiết bị phục vụ ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú làm cơ sở để các địa phương thực hiện thống nhất trên địa bàn cả nước.

Từ những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục củng cố và phát triển hợp lý hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú.

Đồng thời, đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường chưa đạt chuẩn quốc gia để bảo đảm tốt việc tổ chức dạy - học (bao gồm cả các hoạt động dạy và học trực tuyến), nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú, nội trú. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường dân tộc nội trú, trường dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú; nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xoá mù chữ, duy trì và nâng cao hiệu quả công tác xoá mù chữ.

Về giải pháp, Bộ GD&ĐT đề xuất Ủy ban Dân tộc - Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương hoàn thành việc xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn thực hiện Chương trình. Tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước hằng năm theo kế hoạch của giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, Bộ đề xuất để các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú không trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn thuộc đối tượng được đầu tư theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg.

Bộ GD&ĐT sẽ vừa tăng cường quản lý và điều hành, tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời; vừa tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình tổ chức thực hiện Chương trình tại các địa phương; vừa đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền.

Đối với các địa phương, UBND các tỉnh cần khẩn trương hoàn thiện ban hành các quy định về quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình tại địa phương theo quy định; chú trọng công tác quản lý, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định.

Hoàng Giang


Theo Báo điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp