Táo mèo
Tên thường gọi: táo rừng, mác cắm, mác sầm chá (Tày), sơn tra Việt Nam, chi tô ma (H’Mông). Tên khoa học: Docynia indica (Mall.) Decne; thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae)
Táo mèo phân bố tập trung ở các nước Ấn Độ, Myanmar, một số tỉnh phía Nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, táo mèo mọc hoang và được trồng ở Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, độ cao trên 1.000m.
Táo mèo sống ở những nơi ưa sáng và có khí hậu ẩm mát mẻ, nhiệt độ cho cây sinh trưởng tốt là 13-18 độ. Cây thường mọc ở trên đất làm nương rẫy, ven rừng, gần bờ suối, dưới chân đồi cây có bụi, mọc quanh các làng bản.
Cây hay mọc ở vùng đất feralit có mùn trên núi hay feralit vàng đỏ. Táo mèo có lá rụng vào mùa đông, có chồi tồn tại lâu từ cuối mùa thu sang đến đầu mùa xuân năm sau. Cây ra hoa cùng lúc với lá non mọc.
Quả táo mèo chín được hái về, thái ngang hay bổ dọc, phơi hay sấy khô. Mỗi quả táo mèo chứa 2,76% tannin, 2,7% các acid hữu cơ, 16,4 % đường.
Sơn tra Việt Nam khác với sơn tra Trung Quốc ở chỗ có lá non và lá già xẻ thành 3 đến 5 thùy, mép có răng cưa, quả hình cầu, kích thước đường kính 1-1,2cm, khi chín quả có màu vàng hay màu đỏ (nam sơn tra); đường kính 1-1,5cm quả chín màu đỏ sẫm (bắc sơn tra). Sơn tra Trung Quốc khi chín quả có màu đỏ mận hay đỏ tươi.
Docynia Decne là một chi nhỏ gồm các loài phân bố ở vùng cận nhiệt đới và ôn đới Bắc bán cầu, táo mèo là một loại thuộc chi này phân bố ở Việt Nam.
Theo Y học hiện đại, sau khi uống táo mèo, lượng enzym trong bao tử tăng, giúp cho việc tiêu hóa tốt hơn, lượng acid béo tăng giúp tiêu hóa chất mỡ tốt hơn. Tác dụng của táo mèo làm hạ huyết áp, tăng lưu lượng máu động mạch vành, giãn mạch và chống loạn nhịp tim; an thần, làm tăng tính thẩm thấu mao mạch và làm co tử cung.
Táo mèo còn có tác dụng hạ lipid máu, đồng thời làm giảm xơ vữa động mạch cơ chế chủ yếu do vị thuốc tăng tác dụng bài tiết cholesterol chứ không phải hấp thu.
Dùng dưới dạng cao lỏng (ngày uống 3 đến 4 lần trước bữa ăn, mỗi lần 20-30 giọt) hoặc cồn thuốc (ngày uống 3-4 lần, mỗi lần 20-30 giợt) để chữa bệnh tim mạch, cao huyết áp, giảm đau.
Theo Y học cổ truyền, táo mèo có vị chua, ngọt, hơi chát, tính ấm, quy vào 3 kinh Tỳ, Vị, Can. Có tác dụng kiện vị tiêu thực hóa tích, phá khí, hành ứ, hóa đờm dãi, giải được độc cá.
Chủ trị các chứng tích trệ, ăn không tiêu, đau bụng tiêu chảy, sản hậu ứ trệ đau bụng, nước ối ra không hết, đau tinh hoàn, trị tích khối, huyết khối, giảm đau…
Trong Đông y, táo mèo là vị thuốc chủ yếu tác dụng bộ máy tiêu hóa; ngày uống 3-10g dưới dạng thuốc sắc, uống một vị hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
* Các bài thuốc ứng dụng lâm sàng
Chữa ăn uống khó tiêu, đầy trướng bụng
- Táo mèo 10g, chỉ thực 6g, trần bì 5g, hoàng liên 3g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
- Táo mèo 25g, chỉ xác 25g, củ sả 25g, vỏ vối 25g, gừng tươi 20g, phèn phi 10g, đem phơi khô tán bột mịn. Chia 2 lần, mỗi lần uống 2 thìa cà phê pha với nước ấm đối với người lớn; trẻ em tùy độ tuổi mỗi lần uống ½-1 muỗng cà phê.
Chữa ra mồ hôi trộm
Hạt táo mèo 5-10g giã nát, bỏ vào 200ml nước đem đi sắc còn 50ml rồi uống.
Trị hóc xương cá, ghẻ lở
- Trị hóc xương: Sơn tra 15g, sắc đặc với 200ml nước, ngậm một lúc lâu rồi nuốt đi.
- Trị ghẻ lở: Nấu nước sơn tra tắm rửa.
Chữa lipid máu cao
Dùng sơn tra mạch nha cô chế thành dạng trà, mỗi gói 30g. Ngày chia làm 2 lần uống, mỗi lần uống 1 gói. Mỗi liệu trình điều trị trong 2 tuần.
Râu mèo
Cây râu mèo còn được gọi là cây bông bạc, mao trao thảo; tên khoa học: Orthosiphon stamineus Benth hay Orthorsiphon aristatus (Blume) Miq; thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae). Cây râu mèo mọc hoang và được trồng ở nước ta, phân bố rải rác ở Cao Bằng, Ba Vì, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Ninh Thuận...
Cây râu mèo có hoa rất đẹp. Hoa mọc thành cụm, phân thành nhiều tầng như cái tháp, có nhị và nhụy tủa ra như râu con mèo. Màu hoa lúc non thì trắng với phần nhị vươn dài ra bên ngoài, gấp khoảng 2-3 lần chiều dài của cánh hoa, sau ngả màu xanh tím.
Khoảng tháng 9 hàng năm, người ta bắt đầu thu hái lá, cành của cây râu mèo để làm thuốc. Lá thường thu hái khi cây đã phát triển mạnh, không quá già hay còn quá non. Thời điểm phù hợp nhất là khi cây chuẩn bị ra hoa, chính là lúc dược tính của nó cao nhất và đầy đủ nhất (khi cây đã ra hoa rồi, hoạt chất trong lá sẽ giảm).
Râu mèo khô
Trong cây râu mèo có nhiều thành phần hóa học như: orthosiphonin, một ít tinh dầu, một ít chất béo, tanin (5-6%), đường, saponin tritecpenic (sapophonin) và một tỷ lệ khá cao muối vô cơ (chủ yếu là muối kali).
Theo Y học hiện đại
- Lợi tiểu, tăng cường bài tiết nước tiểu: Nhờ có nguồn flavonoid nên dược liệu sẽ giúp hỗ trợ bài xuất nước tiểu ra ngoài, giảm phù thũng.
- Hỗ trợ điều trị sỏi thận, gout: Nhờ hoạt chất orthosiphonin với tác dụng giữ cho muối urat và acid uric ở dạng hòa tan, tăng đào thải oxalate. Theo Tạp chí Journal of Ethnopharmacology, chiết xuất từ cây râu mèo cũng có tác dụng lợi tiểu, làm tăng sự bài tiết K+ qua nước tiểu (vì thế có thể điều trị bệnh gout).
- Hạ đường huyết: Do kích thích hình thành glycogen ở gan.
- Chống oxy hóa: Do chứa nhiều flavonoid có tác dụng ngăn ngừa các gốc tự do, từ đó tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Giảm đau: Giảm đau nhức xương khớp, tê mỏi chân tay.
- Kháng khuẩn: Ức chế sự phát triển của các loại vị khuẩn Streptococcus, S. aureus…
- Chống viêm, hạ sốt: Ức chế hoạt động của đại thực bào, giúp kháng viêm, tăng miễn dịch cơ thể.
- Bảo vệ gan: Chất ly trích râu mèo bằng metanol từ lá cho thấy có tác dụng bảo vệ gan bị tổn hại bởi việc dùng quá liều paracetamol.
- Giảm mỡ máu và chống béo phì: Theo Tạp chí Biological and Pharmacological Activity, kết quả nghiên cứu trên chuột béo phì (do ăn nhiều chất béo) cho thấy chiết xuất etanolic từ lá râu mèo có tác dụng giảm mỡ máu và chống béo phì.
Theo Y học cổ truyền
- Cây râu mèo có vị ngọt, hơi đắng và tính mát. Quy kinh bàng quang, thận.
- Tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, trừ thấp, lợi tiểu.
- Thường dùng điều trị các chứng bệnh về tiêu hóa, tiểu tiện không thông lợi, phù thũng, sỏi thận, đau nhức xương khớp, gout…
Tùy mục đích sử dụng, có thể dùng dược liệu râu mèo với nhiều cách và liều lượng khác nhau.
- Thông tiểu tiện dùng trong bệnh sỏi thận, sỏi túi mật, sốt ban, cúm, tê thấp, phù: Liều dùng 5-6g pha với nửa lít nước. Chia 2 lần uống trong ngày, trước khi ăn cơm 15-30 phút. Uống nóng. Thường uống luôn 8 ngày rồi nghỉ 2 đến 4 ngày. Có thể dùng cao lỏng 2-5g.
- Hỗ trợ điều trị sỏi thận, sỏi tiết niệu
- Râu mèo 10g, rửa sạch hãm với nước sôi như trà, chia 2 lần uống mỗi ngày, trước bữa ăn khoảng 15 phút.Uống nóng, uống liên tục 10 ngày, nghỉ 4 ngày lại uống tiếp đợt khác.
- Râu mèo, chó đẻ răng cưa, thài lài, mỗi vị 30g. Tất cả rửa sạch cho 800ml nước, sắc còn 250ml, uống trong ngày, trước khi ăn, lúc còn nóng. Dùng 5-10 ngày cho một liệu trình.
Ngoài ra, râu mèo kết hợp với nhiều dược liệu khác có tác dụng lợi tiểu, trị tiểu lắt nhắt, tiểu buốt; hỗ trợ điều trị các bệnh lý về gan, thanh nhiệt, giải độc, nóng trong người; hỗ trợ điều trị gout; hỗ trợ điều trị viêm thận mạn tính, viêm bàng quang, viêm khớp, phong thấp, viêm đường ruột; hỗ trợ điều trị viêm thận phù thũng; trị thận dương suy kém kèm theo hiện tượng bụng dưới đau tức; hỗ trợ điều trị táo bón kéo dài; hỗ trợ điều trị đái tháo đường; hỗ trợ điều trị tiểu ra sỏi, ra máu…
Kiêng kỵ khi dùng râu mèo
- Mẫn cảm hay dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong dược liệu.
- Phụ nữ có thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu, cần sử dụng cẩn thận dược liệu.
- Với liều dùng thông thường, cây râu mèo không gây độc cấp tính. Tuy nhiên, với liều cao, không nên dùng dược liệu râu mèo thường xuyên và lâu dài.
Gai mèo
Còn gọi là gai dầu, lanh mán, lanh mèo, đại ma, sơn ty miêu, ko phai meo (Thái), khan sua (Lào), khanh chha (Campuchia).
Gai mèo có tên khoa học Cannabis sativa L; thuộc họ Gai mèo Cannabinaceae. Bộ phận dược liệu là quả - Fructus Cannabis, thường gọi là Hỏa ma nhân hay Đại ma nhân, Ma tử. Quả gai mèo chứa 30% dầu khô gồm các glycerid của acid linoleic và linolenic. Nhân hạt chứa trigonellin L (d)-isoleucine betaine, edestinase.
Gai mèolà cây thảo sống hàng năm cao 1-3m; thân vuông có rãnh dọc, phủ lông mềm, xù xì. Lá thường mọc so le, có cuống, có lá kèm, có phiến chia đều tận gốc thành 5-7 lá chét, hẹp, hình ngọn giáo, nhọn, có răng cưa. Hoa đơn tính khác gốc, các hoa đực xếp thành chùm xim kép ở nách và ở ngọn; các hoa cái xếp thành xim hay xim co ở nách những lá bắc dạng lá. Quả bé dạng trứng, dẹp, có mũi nhọn ở đầu, không mở nhưng do áp suất mà tách ra hai nửa và bao bởi hoa tồn tại. Hạt không có nội nhũ, chứa nhiều dầu. Hoa tháng 5-6, quả tháng 7.
Ở nước ta, cây được trồng nhiều ở vùng rẻo cao miền Bắc. Ðồng bào Mèo thường dùng lấy sợi nên mới có tên là gai mèo, và có nơi trồng lấy hạt cho dầu. Trồng bằng hạt vào mùa xuân. Thu hái quả vào tháng 8-9, dùng ép dầu và làm thuốc. Ðể làm thuốc, người ta đem hạt sao già để giảm độc ở vỏ, rồi giã dập sắc uống.
Quả gai mèo có vị ngọt, tính bình; có tác dụng nhuận táo, hoạt trường, thông tiện. Do vậy, công dụng, chỉ định và phối hợp của gai mèo trong trị huyết hư, tân khuy trường táo tiện bí. Dùng tốt cho chứng táo bón kéo dài ở người già và phụ nữ bị đại tiện sau khi đẻ. Liều dùng 12-20g giã nhỏ uống.
*Một số bài thuốc
- Chữa chứng táo bón: Nhân hạt gai mèo và hạt tía tô lượng bằng nhau, giã nhỏ, cho vào nước ngâm hoặc đun sôi, bỏ bã, lấy nước nấu cháo ăn.
- Chữa đi lỵ ra máu không dứt: Nhân hạt gai mèo nấu với đậu xanh ăn.
- Chữa trong khi có thai, thai bị tổn thương sinh đau bụng: Hạt gai mèo 30g đập dập sao thơm, sắc uống.
- Chữa phong độc, xương tủy đau nhức: Nhân hạt gai mèo sao thơm, ngâm rượu uống.
Ở nước ta, đồng bào miền núi thường dùng gai mèo để lấy sợi dệt vải và cũng để lấy hạt chế dầu.
Lưu ý: Thuộc loại này, có một phân loài(subsp indica (Lam) Small) mà ta gọi là cần sa (Đà Lạt), được sử dụng trong y học thời thượng cổ như là thuốc giảm đau và sát trùng khi dùng ngoài. Dược học hiện đại dùng dưới dạng cồn thuốc và chiết xuất để dùng trong làm thuốc giảm đau (nhất là đau dạ dày và một số bệnh thần kinh) và dùng ngoài như là sát trùng và chữa bỏng. Các chế phẩm thường khó bảo quản. Nhưng vì những tác hại mà nó có thể gây ra nên người ta đề nghị cấm dùng.
Mắt mèo
Tên thường gọi: vuốt hùm, móc điều, móc mèo núi, trần sa lực, móc điều, điệp mắt mèo, thạch liên tử... Tên khoa học: Caesalpinia minax Hance, thuộc họ Ðậu – Fabaceae.
Cây nhỏ mọc thành bụi, thân cành có gai. Lá kép lông chim, cuống chung dài 30-40cm, cuống phụ dài 8-12cm, đều rất nhiều gai. Lá chét chừng 10 đôi, phiến lá chét hình trứng, đầu nhọn, dài 22-35mm, rộng 6-13mm, mặt dưới phủ lông mịn. Hoa mọc thành chùy ở đầu cành, gồm những chùm ở kẽ. Cánh hoa màu vàng nhạt. Quả là một giáp hơi dẹt, dài 13cm, rộng 45cm, dày 2-3cm, trên mặt có những gai quay ngược xuống, dài 12mm. Hạt 7 hay dưới 7, hình trụ, hai đầu tròn, dài 17mm, dày 10mm, màu đen xanh nhạt, vỏ rất dày và cứng.
Lưu ý: Tránh nhầm lẫn với cây mắt mèo xâm thực Mimosa pigra L. Theo các tạp chí trong nước, dùng hạt mắt mèo xâm thực còn có thể gây ngộ độc.
Cây mọc hoang dại khắp nơi ở Việt Nam, Lào, Thái Lan, miền Nam Trung Quốc. Một số nơi trồng làm hàng rào do nhiều gai. Trồng bằng hạt hay bằng cành. Mùa hoa quả: tháng 2-5.
Ở Việt Nam, người ta chủ yếu là dùng hạt, hạt được rang rồi đập lấy nhân sử dụng. Ngoài ra, rễ và lá cũng có thể được thu hái gần như quanh năm; dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô.
Theo nghiên cứu, trong thân cây mắt mèo có chứa một loại tinh dầu gọi là Urushiol khiến cho ai chạm vào nó sẽ bị ngứa ngáy, khó chịu. Tuy nhiên chỉ có phần lá và thân mới gây ngứa. Ngược lại hạt mắt mèo mang lại nhiều tác dụng chữa bệnh.
Trong hạt mắt mèo chứa khoảng 23,92% là dầu béo, muối vô cơ 4,521%, đường 5,452%, chất đạm không hoà tan 18,2%, chất đạm hoà tan 3,412%, nhựa đắng 1,888%, tinh bột 37,795%. Ngoài ra, nó còn chứa một số acid béo như acid palmitic, acid oleic, acid stearic, acid linoleic, Amino acid có lysi, cystine, arginine...
Trong rễ mắt mèo chứa caesalpinia, α-caesalpin, caesalpin F, caesalipin H, caesalpin G... Lá mắt mèo chứa caesalpin F, brazilian, bonducin... Nhựa đắng của cây chính là bonducin (hoạt chất chứa trong hạt).
Lá có tác dụng tăng cường sức co bóp của tử cung chuột cống trắng có chửa.
Cao chiết nước và cao chiết etanol 50% từ hạt có tác dụng chống đường huyết tăng cao, hạ lipid máu, chống cholesterol và triglycerid tăng cao với liều100mg/kg.
Chất Furanoditerpenoid lactones chiết xuất từ hạt có tính kháng RSV (virút gây bệnh đường hô hấp)
Cho đến nay, chưa thấy có báo cáo nào về tác dụng trị ung bướu của hạt mắt mèo.
*Công dụng
- Lá, rễ có tác dụng an thần, điều trị mất ngủ.
- Lá, rễ điều trị đau nhức người.
- Hạt mắt mèo được dùng điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp ở Trung Quốc cách đây hàng trăm năm.
- Hạt có tác dụng chống viêm, đặc biệt là viêm khớp.
Tính vị, tác dụng: Vị đắng, tính hàn. Toàn cây có tác dụng thanh nhiệt giải độc, khứ ứ tiêu thũng, sát trùng chống ngứa. Hạt có tác dụng tán ứ, giảm đau, thanh nhiệt, khu thấp.
Cách sử dụng cây mắt mèo
- Sắc uống: Lá, rễ khô 20g sắc với khoảng 800ml nước, đun cạn còn khoảng 300ml, chia nhiều lần uống trong ngày; cây có vị đắng khó uống.
- Ngâm rượu: 1kg rễ khô ngâm với 2 lít rượu 40 độ, ngâm trong khoảng 20 ngày dùng được. Rượu rễ mắt mèo dùng để ngậm có tác dụng điều trị đau răng và sâu răng.
Ở Việt Nam thường dùng hạt mắt mèo làm thuốc chữa sốt và thuốc bổ với liều 0,5-1g một lần, ngày uống 2-3 lần, còn dùng chữa lỵ, tẩy giun và chữa ho. Dân gian thường dùng hạt ở quả già phơi khô để giảm đau, cầm máu, ức chế viêm gan B.
- Điều hòa đường huyết: Sử dụng 2-3 hạt mắt mèo nướng chín hoặc rang, bỏ vỏ. Dùng phần ruột bên trong tán thành bột mịn pha với nước ấm uống mỗi ngày. Liệu trình uống 2 lần/ngày, dùng liên tục trong 1 tháng.
- Chống viêm, trị ho, cảm sốt: Sử dụng 15-20g hạt mắt mèo khô sắc cùng với 1 lít nước trong 2 giờ. Mỗi ngày uống 2-3 lần.
Lưu ý khi sử dụng
Bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi sử dụng thảo dược nếu thuộc các đối tượng sau đây:
- Bệnh nhân đang sử dụng các loại thuốc khác.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú. Chỉ nên sử dụng đúng liều lượng thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa.
- Người bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào chứa trong hạt mắt mèo.
- Người bị dị ứng với loại thuốc, chất bảo quản, thực phẩm...
Chàm mèo
Tên gọi khác: Chàm to lá, đại lam, mã lam, chàm nhuộm, thanh đại; tên khoa học: Strobilanthes flaccidifolius Nees; thuộc họ Ô rô (Acanthaceae).
Chàm mèo là loại cây mọc hoang ở các thung lũng ẩm ướt, các núi đá và được trồng ở các tỉnh vùng cao ở miền Bắc như Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn... Ngoài công dụng nhuộm vải, chàm mèo còn được biết đến như một cây thuốc quý.
Bộ phận dùng làm thuốc là lá (lá được chế biến khô gọi là thanh đại), thân và rễ gọi là bản lam căn, lá thu hái lúc giai đoạn bánh tẻ (không non quá hoặc già quá), đem về phơi khô.
Lá chàm mèo chứa 0,4 - 1% indican. Khi thủy phân, indican cho indoxyl và glucose. Khi bị oxy hóa, indoxyl cho indigotin. Indigotin có màu xanh lam sẫm. Còn có indirubin.
*Theo Y học hiện đại
- Tác dụng tốt trong việc chữa trị ung thư bạch cầu do có chứa indirubin - 3′ - oxim.
- Rễ chàm mèo (bản lam căn) chữa viêm não truyền nhiễm, viêm não B, thương hàn, quai bị.
- Tác dụng kháng nội tiết sinh dục nữ, gây sảy thai, gây tăng co bóp tử cung một cách nhịp nhàng.
*Theo Y học cổ truyền
Lá và rễ chàm mèo đều vị đắng, tính hàn, quy vào 2 kinh Can, Vị.
Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết
Chủ trị: Các chứng bệnh cấp tính như sốt cao, nhức đầu, miệng khát, phát ban, chảy máu cam, lỵ, mụn nhọt độc, mẩn ngứa, viêm họng, nhiễm khuẩn huyết, viêm amidan, viêm đường hô hấp.
Cao chàm mèo dùng ngoài da, dùng trong các trường hợp như viêm nướu chảy máu, lở loét miệng, da bị chàm hay rắn độc và sâu bọ cắn, người ta dùng cả cây chàm mèo nấu thành cao đặc rồi bôi lên. Lưu ý, cao chàm mèo phối hợp với cây ích mẫu gây sảy thai ở giai đoạn sớm (thời kỳ đầu thai nghén).
Lưu ý khi sử dụng cây chàm mèo:
- Phụ nữ có thai không nên dùng vị thuốc này.
- Liều lượng và đặc tính thuốc có thể thay đổi tùy vào thể trạng của mỗi người nên khi sử dụng các bài thuốc từ chàm mèo thì cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ.
- Không dùng cho những người bị dị ứng với các thành phần hóa học của cây chàm mèo.
- Không dùng trong các trường hợp âm hư hỏa vượng, ho do đàm nhiệt hoặc tiêu chảy.
- Nếu trong quá trình điều trị thấy cơ thể có các biểu hiện xấu như nổi mẩn ngứa, tức ngực, khó thở, buồn nôn… thì nên ngưng uống ngay.
- Thận trọng khi sử dụng cây chàm mèo trong thời gian đang được điều trị bằng thuốc tây hay thực phẩm chức năng.
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ
Trưởng Đơn vị Phòng khám Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược Cơ sở 3