Trước thực tế trên, năm học 2022-2023, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với Bộ GD&ĐT thực hiện tiếp nhận kê khai giá sách giáo khoa và có văn bản đề nghị các đơn vị rà soát và triển khai các biện pháp tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, một số chi phí như chi phí quản lý, chi phí quảng bá sách, lợi nhuận... nhằm tiếp tục kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, chia sẻ với người tiêu dùng.
Đến nay, các đơn vị đã kê khai điều chỉnh giảm giá sách giáo khoa, mức giảm phổ biến trong khoảng từ 5-15% tùy từng cuốn sách.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Luật Giá sửa đổi và đã đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa nhà nước định giá. Dự thảo Luật Giá sửa đổi cũng nêu rõ, giao Bộ GD&ĐT quy định giá sách giáo khoa gắn với các yêu cầu về kỹ thuật, chuyên môn để sách giáo khoa có giá cả hợp lý đồng thời đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong giáo dục đào tạo.
"Trong khi chờ Luật Giá sửa đổi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ GD&ĐT tiếp nhận, rà soát chặt chẽ văn bản kê khai giá theo quy định pháp luật để bình ổn giá sách giáo khoa", Bộ Tài chính thông tin.
Hiện giá sách giáo khoa được quản lý giá theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giá, theo đó giá sách giáo khoa thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá, không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá.
Theo Minh Anh / Ngày Mới Online