Nắm bắt cơ hội thúc đẩy xuất khẩu gạo

06/07/2023 15:54


Ảnh minh họa

Hôm nay (6/7), Bộ NN&PTNT tổ chức cuộc họp về tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo.

Theo kế hoạch Bộ NN&PTNT đưa ra, cả năm 2023 sẽ gieo trồng 7,1 triệu ha lúa, năng suất trung bình ước đạt 60,7 tạ/ha. Sản lượng dự kiến 43,11 triệu tấn, tăng 0,4 triệu tấn so với năm 2022.

Đến nay, diện tích lúa đã gieo cấy khoảng 5,4 triệu ha (tương đương 76,6% kế hoạch), diện tích còn lại 1,65 triệu ha lúa (lúa Thu Đông tại Đồng bằng sông Cửu Long và lúa Mùa) dự kiến sẽ gieo cấy xong trong tháng 10/2023.

Diện tích đã thu hoạch đến nay khoảng 3,3 triệu ha (đạt 46,8% kế hoạch), sản lượng đã thu được khoảng 21,8 triệu tấn (trong đó vụ Đông Xuân 2022-2023 khoảng 20 triệu tấn, vụ Hè Thu 2023 khoảng 1,8 triệu tấn). Dự kiến, diện tích lúa còn lại 3,75 triệu ha (tương đương với sản lượng 21 triệu tấn) sẽ được thu hoạch từ nay đến cuối năm 2023 và tháng 1/2024.

Theo Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), khối lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,27 triệu tấn với 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại cuộc họp, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam thông tin, xuất khẩu gạo đang thuận lợi, nhất là trong những tháng cuối năm bởi các thị trường lớn như Trung Quốc, Philippines, Malaysia… vẫn mua mạnh. Vài ngày tới, Indonesia tiếp tục mở thầu 300.000 tấn và dự kiến sẽ liên tục mở thầu. Hiện xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Indonesia có mức tăng trưởng mạnh trên 1.498%.

Ngoài ra, người tiêu dùng tại thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông đang rất ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam, tạo cơ hội gia tăng xuất khẩu gạo.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhập khẩu 1,3 triệu tấn lúa và gạo; trong đó nhập khẩu từ Campuchia nhiều nhất với 1 triệu tấn lúa; tiếp đến là Ấn Độ với gạo trắng và tấm…

Tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long cho biết, hiện chưa có nhiều doanh nghiệp lúa gạo được vay vốn trung - dài hạn, chủ yếu là vốn ngắn hạn để thu mua khi vào vụ. Ông Bá đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có chính sách ưu đãi hơn cho đầu tư dài hạn vì bản chất nâng cao giá trị lúa gạo nằm ở cả chuỗi giá trị, từ khâu trồng, sản xuất, thu mua đến sấy, bảo quản, chế biến sau thu hoạch.

Các đại biểu cho rằng để thực hiện tốt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 3/7/2023 về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, cần rà soát, cập nhật các tiêu chuẩn trong chuỗi giá trị gạo phù hợp với thị trường quốc tế. Đồng thời cập nhật thông tin, hỗ trợ sản xuất theo nhu cầu thị trường, thị hiếu tiêu dùng; hỗ trợ bảo quản, chế biến, chất lượng, an toàn, truy xuất nguồn gốc…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ sớm làm việc với Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành khác để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ thị trường hiện nay.

Cùng với đó, tìm ra các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030, cũng như Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long".

Đỗ Hương


Theo Báo điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp