Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 4/2023 tiếp tục sụt giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022 - Ảnh minh hoạ
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 4 ước đạt 53,57 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước và giảm 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 16,6%).
Cụ thể, về xuất khẩu hàng hóa, những khó khăn trong sản xuất và sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu trong quý I/2023 tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa trong tháng 4/2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2023 ước đạt 27,54 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước và giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất nhập khẩu đang gặp nhiều khó khăn chung
Bộ Công Thương nhìn nhận: Xuất khẩu hàng hóa đã giảm hầu khắp ở các khu vực kinh tế, cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu nói chung đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn do những bất ổn nói chung trên thị trường thế giới.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,12 tỷ USD, giảm 8,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 20,42 tỷ USD, giảm 6,9%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 17,1%).
Trong 4 tháng, có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước (có 22 mặt hàng), chiếm 83,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,4%).
Trong bức tranh chung, xuất khẩu gạo tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong tháng 4 khi tăng mạnh cả về lượng và trị giá xuất khẩu. Ước tính xuất khẩu gạo tháng 4/2023 tăng 14,4% về lượng và tăng 12,8% về kim ngạch xuất khẩu so với tháng trước; tăng 98% về lượng và tăng 108% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới. Trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức tốt do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục giảm mạnh, ước đạt 91,16 tỷ USD, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước do chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu, tổng cầu giảm sút, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn giảm mạnh. Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu khoáng sản tiếp tục giảm mạnh, ước đạt 1,25 tỷ USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm trước do kim ngạch của hầu hết các mặt hàng đều giảm như: Than đá giảm 98,9%; quặng và khoáng sản khác giảm 30,7%; xăng dầu các loại giảm 11,2%; dầu thô giảm 7,5%...
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của nước ta tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn đều giảm.
Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 28,45 tỷ USD, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 21% so với cùng kỳ; tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,4 tỷ USD, giảm 7,9%; thị trường EU đạt 13,66 tỷ USD, giảm 14,1%; thị trường ASEAN đạt 11,1 tỷ USD, giảm 1,3%; Hàn Quốc đạt 7,8 tỷ USD, giảm 6,9%; Nhật Bản đạt 7,3 tỷ USD, giảm 0,9%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2023 ước đạt 26,03 tỷ USD, giảm 8,1% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 102,22 tỷ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 16,1%).
Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu của các khối doanh nghiệp đều có sự sụt giảm. Điều này dự báo sẽ ảnh hưởng đến nguồn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, chiếm 86% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023 là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch ước đạt 88 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022 do những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng khó khăn nên nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu để phục vụ sản xuất giảm.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2023, do những khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ hầu hết các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 33,2 tỷ USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 16,7 tỷ USD, giảm 25,7%; thị trường ASEAN đạt 13,4 tỷ USD, giảm 17,1%; Nhật Bản đạt 6,9 tỷ USD, giảm 12,8%; thị trường EU đạt 4,38 tỷ USD, giảm 17%; Hoa Kỳ đạt 4,08 tỷ USD, giảm 11,9%.
Cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 4 tiếp tục xuất siêu khoảng 1,51 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 4 tháng đầu năm 2023 là 6,35 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,35 tỷ USD).
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 14,39 tỷ USD.
"Kìm" đà giảm của xuất khẩu
Nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latin, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).
Bên cạnh đó, chọn giải pháp đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia; thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunei).
Song song với đó, đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA.
Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đặc biệt, tiếp tục tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, cũng như các quy định mới của thị trường.
Riêng với thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý doanh nghiệp khi "Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính". Bộ trưởng cho rằng khi Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sau dịch COVID-19 thì vừa là thời cơ, vừa là thách thức rất lớn đối với chúng ta. Chúng ta phải nhận diện trúng, đánh giá đúng tình hình thị trường Trung Quốc hiện nay, để khai thác thế mạnh và lợi thế đối với thị trường này.
Phan Trang
Theo Báo điện tử Chính phủ